Thêm một dự án điện mặt trời về tay BB Group

12/03/2021 21:47 PM | Kinh doanh

Tổng công suất các dự án điện mặt trời trong danh mục của BB Group đã lên tới khoảng 500MW.

Theo thông tin vừa được Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm công bố, doanh nghiệp này từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021 đã huy động thành công 592,6 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có đảm bảo và không kèm chứng quyền. Lãi suất 10,5%/năm. Mục đích phát hành trái phiếu nhằm thanh toán chi phí xây dựng và thiết bị để thực hiện Nhà máy Điện mặt trời Phan Lâm 2.

Dự án Điện mặt trời Phan Lâm 2 có công suất 49 MWp, vốn đầu tư 1.202 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận tháng 7/2018, địa điểm xây dựng tại xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình.

Năng lượng Phan Lâm ban đầu là công ty con của CTCP Năng lượng xanh Nam Việt (Nam Việt Energy) với tỷ lệ chi phối 90%. Tuy nhiên vào thời điểm phát hành trái phiếu, pháp nhân này đã có sự thay máu cổ đông đáng chú ý.

Theo đó, vào cuối tháng 2/2021, Nam Việt Energy cùng hai cá nhân liên quan đã chuyển hết cổ phần trong Năng lượng Phan Lâm cho CTCP BB Power Holdings cùng hai nhà đầu tư có nhiều liên hệ là ông Nguyễn Tiến Lực và ông Nguyễn Quang Thịnh.

BB Group thuộc sở hữu của doanh nhân Vũ Quang Bảo, thời gian gần đây không giấu diếm tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Như Nhadautu.vn đã đề cập , vào đầu tháng 10/2020, BB Group đã nhận chuyển nhượng thành công cổ phần CTCP Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai, qua đó hợp tác với CTCP Tập đoàn Hưng Hải thực hiện Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai có công suất 100 MW. Cụ thể, nhóm BB Group đã mua 60,5% cổ phần từ nhóm Hưng Hải Group, trong khi tập đoàn của doanh nhân Trần Đình Hải vẫn giữ lại 29,5%.

Cũng trong tháng 10/2020, Công ty TNHH MTV Sunrise Power Đăk PSI - một thành viên của BB Group đã hoàn tất mua 87,42% vốn CTCP Năng lượng Thiên niên kỷ - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 quy mô 48MW tại Bình Thuận. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8/2018, song lỡ hẹn hưởng giá mua ưu đãi (30/6/2019) do nằm trong khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan, tác động vào đất đai cũng như vướng một số thủ tục liên quan khác.

Ngoài ra, BB Group còn M&A thành công dự án CTCP Năng lượng Gio Thành – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 (tỉnh Quảng Trị) với tổng quy mô 50 MW.

Cùng với đó, BB Group đã mua lại cổ phần chi phối trong bộ đôi dự án máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 (Ninh Thuận) từ CTCP Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn.  Đáng chú ý, đến tháng 12/2020, cơ cấu cổ đông CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 (các doanh nghiệp dự án) có sự xuất hiện của Công ty TNHH BG Energy Solutions (Thái Lan) với cùng tỷ lệ sở hữu là 17,5%. BG Energy Solutions là thành viên của Công ty TNHH Bangkok Glass Public. Nhà đầu tư Thái Lan này cũng đã chi 1.259 triệu Bath để sở hữu 100% vốn CTCP Quang Điện Phú Khánh - chủ Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 tại Phú Yên, với quy mô diện tích triển khai 120 ha, tổng vốn đầu tư 2.484 tỷ đồng.

Ngoài ra, BB Group còn hiện diện tại CTCP Seco khi sở hữu 3,43% vốn điều lệ công ty (tính tới tháng 1/2021). Seco là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Gio Thành 2 (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dự án có quy mô 60 ha, thời gian hoạt động là 50 năm. Công suất thiết kế 50MWp với tổng mức đầu tư gần 1.110 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Lực – mắt xích trong hệ sinh thái của BB Group, tính đến tháng 12/2020 cũng đang nắm 17% vốn CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam Việt – chủ đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Hiệp (tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), được cấp chủ trương đầu tư ngày 25/1/2019. Dự án có tổng diện tích 55,927 ha, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Lực cũng nắm 7,6 triệu cổ phần CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam (tính đến tháng 12/2020), tương đương tỷ lệ 21,71%. Đơn vị này là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Đầm Trà Ổ, tại thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (Phù Mỹ). Dự án đã được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương vào giữa tháng 6/2018. Theo hồ sơ đăng ký, nhà máy được xây dựng trên diện tích 60 ha mặt nước và 0,6ha mặt đất, với công suất thiết kế là 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng...

Nam Việt Energy

Về nhóm chủ cũ của Năng lượng Phan Lâm – Nam Việt Energy được thành lập tháng 9/2015, với vốn điều lệ ban đầu là 22 tỷ đồng, trước khi tăng vốn nhiều lần và đạt 700 tỷ đồng vào tháng 2/2018. Các cổ đông sáng lập là ông Đinh Dương Chiến (60%), ông Nguyễn Tấn Hưng (20%) và ông Trần Quốc Bình (20%).

Trước khi bén duyên với lĩnh vực năng lượng tái tạo, các cổ đông của Năng lượng Xanh Nam Việt được biết đến nhiều trong mảng cung cấp thiết bị công nghệ, với Công ty TNHH Mạng Hoàn Cầu. Theo đó, Mạng Hoàn Cầu từng tham gia nhiều công trình lớn như Trụ sở mới Bộ Ngoại Giao, Bệnh viện Phương Chi - Bình Dương hay Nhà máy chế biến gỗ MDF Kiên Giang. Ở một thương vụ ít biết, Mạng Hoàn Cầu ngày 2/4/2013 đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị an ninh với Chi nhánh Công ty TNHH MTV BCA-Thăng Long có giá trị 45,6 tỷ đồng.

Không chỉ dự án Điện mặt trời Phan Lâm 2, một số dự án năng lượng tái tạo khác cũng được được nhóm Nam Việt Energy xin chủ trương đầu tư rồi chuyển nhượng. Cụ thể, chuyển nhượng dự án Điện mặt trời Phan Lâm 1 (37,62MW) và Điện mặt trời Bình An (50MW) cho Super Energy Corporation (Thái Lan) vào cuối năm 2018.

Cả 3 dự án Điện mặt trời Phan Lâm 1, Phan Lâm 2 và Bình An vào giữa năm 2019 từng được nhóm Nam Việt Energy ký biên bản chuyển nhượng cho Công ty TNHH Sun Boweite Solar - một doanh nghiệp có trụ sở ở Mỹ song lại thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Ninh Ba Powerway.

Thương vụ sau đó không thành, Nam Việt Energy đã bán hai dự án cho SEC của Thái Lan và một dự án cho BB Group như đã biết, còn Ninh Ba Powerway quay sang mua bộ đôi dự án điện mặt trời HCG&HTG tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, Tây Ninh, như Nhadautu.vn đã đề cập cách đây không lâu, để rồi sau đó Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo làm rõ.

Hiện tại, theo giới thiệu, Nam Việt Energy đang trong giai đoạn đầu tư 3 dự án là Điện mặt trời Sóc Trăng 1 (50MW), Sóc Trăng 2 (30MW) và Lộc Tấn (150MW).

Tả Phù

Cùng chuyên mục
XEM