Thế nào là những nô lệ thời hiện đại?

01/06/2016 20:32 PM | Xã hội

Theo báo cáo mới nhất, trên thế giới hiện có hơn 45 triệu người sống như nô lệ thời hiện đại, trong đó châu Á chiếm tới 2/3. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thế nào là một nô lệ hiện đại?

Theo báo cáo Chỉ số Nô lệ Toàn cầu 2016 của Qũy Bước đi Tự do, Australia, nô lệ được định nghĩa “là tình trạng bị bóc lột mà một người không thể từ chối hay bỏ đi do bị đe dọa, bị bạo lực, ép buộc, lạm dụng quyền lực hay lừa gạt”.

Những hình thức nô lệ hiện đại có thể bao gồm bắt nợ, khi một người bị buộc phải làm việc để trả một khoản nợ, hay nô lệ trẻ em, ép buộc kết hôn, nô lệ trong gia đình hay lao động bắt buộc, nơi các nạn nhân bị ép làm việc thông qua bạo lực và hăm dọa.

Dưới đây là 5 ví dụ điển hình của tình trạng nô lệ thời hiện đại:

1. Công nghiệp hải sản

Các tổ chức nhân quyền cho biết hàng nghìn người đã trở thành nạn nhân của tệ buôn người và buộc phải làm việc trên các tàu đánh cá. Họ có thể bị giam giữ ở đó hàng năm trời và thậm chí không thể nhìn thấy đất liền. Các nạn nhân cho biết nếu người nào cố tình trốn thoát và bị bắt lại, họ sẽ bị giết hoặc vứt xuống biển.

Nhiều tàu đánh cá Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp.
Nhiều tàu đánh cá Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp.

Thái Lan, nhà xuất khẩu hải sản lớn thứ ba thế giới, bị cáo buộc đã sử dụng các nhóm nam giới Campuchia và Myanmar bị bán và buộc phải làm việc như nô lệ trên các tàu cá của mình. Giới chức nước này cho biết họ đang cố tìm ra đầu mối của những kẻ buôn người.

Rất nhiều nạn nhân cho biết họ bị lực lượng môi giới lừa. Những người này đã hứa hẹn sẽ cho họ làm việc trong nhà máy nhưng sau đó lại đưa họ lên các con tàu đánh cá và ép buộc họ làm việc. Một người đàn ông Myanmar từng trốn thoát khỏi bọn buôn người nhớ lại, anh bị buộc lên một con thuyền nhỏ giữa biển và phải đánh cá 20 tiếng/ ngày nhưng không hề được trả lương.

“Mọi người nói rằng, bất kỳ ai cố trốn thoát sẽ bị đánh gãy chân, gãy tay hoặc thậm chí là bị giết chết”, người này cho BBC biết.

2. Nhà máy sản xuất cần sa và tiệm làm móng

Các số liệu cho thấy có khoảng 10.000 đến 13.000 nạn nhân nô lệ ở Anh, bị đưa sang từ các quốc gia như Albania, Nigeria, Việt Nam và Romania. Khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam nói riêng đang làm việc trong các trang trại trồng cần sa và các tiệm làm móng tay ở Anh. Rất nhiều nạn nhân cho gia đình biết họ sẽ bị đánh đập nếu trốn thoát.

Nhiều người Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn người và buộc phải làm việc trong các trang trại trồng cần sa ở Anh.
Nhiều người Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn người và buộc phải làm việc trong các trang trại trồng cần sa ở Anh.

Một nạn nhân tên Lam, 16 tuổi khi mới tới Anh, cho biết anh hy vọng sẽ kiếm được tiền để gửi về cho gia đình. Nhưng thay vào đó, anh đã phải làm việc trong một nhà máy sản xuất cần sa. “Tôi nhớ rằng mình đã hỏi người đàn ông đưa tôi tới đây là liệu tôi có thể rời đi được không vì tôi không thích công việc này nhưng ông ta đã dọa đánh và bỏ đói tôi tới chết”, Lam nói.

Lam bị bắt khi cảnh sát ập tới nơi anh làm việc và bị kết tội sản xuất ma túy, tuy nhiên sau đó Lam đã nhận được sự trợ giúp của trung tâm buôn bán trẻ em NSPCC.

3. Nô lệ tình dục

Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính có khoảng 4,5 triệu người là nạn nhân của tình trạng bóc lột tình dục. Shandra Woworuntu, một nhà hoạt động chống nạn buôn người, đã buộc phải trở thành nô lệ tình dục ở Mỹ năm 2001.

Shandra (áo hồng) bị ép buộc làm nô lệ tình dục.
Shandra (áo hồng) bị ép buộc làm nô lệ tình dục.

Cô rời Indonesia khi được hứa hẹn sẽ có công việc trong lĩnh vực y tế ở Mỹ nhưng những người môi giới gặp cô ở sân bay đã chuyển Shandra cho những kẻ buôn người có vũ khí, và chúng buộc cô phải đi bán dâm. “Họ bảo tôi nợ họ 30.000 USD và tôi phải trả mỗi lần 100 USD bằng cách mua vui cho đàn ông”, cô nhớ lại.

Shandra sau đó đã trốn thoát thành công và giúp FBI tìm ra địa điểm của nhà thổ nơi cô bị bắt làm nô lệ cũng như giúp đỡ các nạn nhân giống mình.

4. Bị buộc làm ăn xin

Báo cáo của Qũy Bước đi Tự do cũng cho thấy rất nhiều trẻ em trên khắp châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông bị buộc phải đi ăn xin trên phố bởi các tổ chức tội phạm.

Nhiều trẻ em bị bắt phải đi ăn xin.
Nhiều trẻ em bị bắt phải đi ăn xin.

Một nạn nhân cho các nhà nghiên cứu biết: “Mặc dù cháu là người đi ăn xin nhưng không được trả một đồng tiền công nào. Cháu phải nộp lại toàn bộ số tiền. Cháu còn bị bỏ đói và không được ngủ yên. Cháu cũng không được trả tiền lương mà chỉ làm việc như nô lệ”.

Một nạn nhân khác nói: “Cháu không thể tiết lộ nhiều vì cháu rất sợ. Cháu bị ông chủ đe dọa không được mở miệng với bất kỳ ai nếu không sẽ bị phạt rất nặng”.

5. Đằng sau cánh cửa đóng

Hầu hết các nô lệ hiện đại đều không xuất hiện nhiều ở những nơi công cộng. Họ thường bị giấu trong các ngôi nhà hoặc các trang trại riêng.

Tuần trước, ba người đàn ông trong một gia đình ở Anh đã bị bắt giam vì tội ép buộc một người đàn ông khác làm việc nặng nhọc mà không trả tiền. Michael Hughes, 46 tuổi, bị buộc phải làm việc cho gia đình này trong hơn 20 năm gồm toàn các việc nặng nhọc. Người này cho biết ông phải sống trong một túp lều chỉ 1,2 m, không có nước hay lò sưởi.

Và tháng trước, một người đàn ông Anh cũng bị đi tù hai năm và là trường hợp đầu tiên bị bắt vì biến vợ thành nô lệ trong chính ngôi nhà của mình. Người vợ này đã bị hành hạ, buộc phải làm mọi việc nặng nhọc và không được phép rời khỏi nhà.

Theo Tuệ Minh

Cùng chuyên mục
XEM