Thế hệ Z thà thất nghiệp để đợi việc lương cao, ngại cưới, sợ sinh con ở đất nước tỷ dân
Một sinh viên cho biết trường của cô có khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp năm nay nhưng chỉ 10 người có kế hoạch tìm việc ngay sau đó.
Sophia Xie là một cô gái 22 tuổi người Trung Quốc sắp tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu ở Thâm Quyến cho biết. Cô chia sẻ với SCMP: "Có khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp năm nay nhưng chỉ 10 người có kế hoạch tìm việc ngay sau đó. Số còn lại dự định học thạc sĩ ở nước ngoài, ở nhà chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức hay thậm chí là chấp nhận thất nghiệp cho đến khi tìm được công việc như ý. Nhiều bạn bè đồng trang lứa của tôi chọn thất nghiệp, đặc biệt là ở các thành phố hạng nhất và hạng hai".
Sophia thuộc thế hệ Z (những người sinh từ năm 1995 đến 2009) và là một trong số khoảng 10,7 triệu sinh viên tốt nghiệp sẽ gia nhập thị trường việc làm ở Trung Quốc trong năm nay.
Nhưng theo nền tảng web tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, số lượng doanh nghiệp nhắm mục tiêu tuyển sinh viên mới ra trường tại Trung Quốc đã giảm 4,5% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh: Internet.
"Mặc dù người ta nói rằng đây sẽ là năm khó tìm việc nhất nhưng các bạn cùng trường của tôi vẫn có thể nhận được lời đề nghị với mức lương khởi điểm từ khoảng 6.000 đến 10.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 1.500 USD Mỹ) nếu cố gắng.
Cơ hội việc làm có thể không nhiều trong những năm tới nhưng chúng tôi vẫn tự gọi mình là thế hệ ngại cưới, sợ sinh con và thích thu nhập cao. Đây có thể được coi là cách để chúng tôi góp phần giúp nền kinh tế đất nước tăng trưởng trong tương lai", Sophia nói thêm.
Thống kê cho thấy tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong 36 năm qua (7,63 triệu người) vào năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ sinh năm 2021 đã giảm 11,6% xuống 10,62 triệu người, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng dân số từ trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 cũng đạt mức kỷ lục 18,2% vào tháng 4 năm nay.
Đối với Sophia và bạn bè, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu. "Chúng tôi muốn không phải làm thêm giờ vào cuối tuần, có cuộc sống tự do, nuôi thú cưng và đặc biệt là không nghĩ đến tình yêu hay hôn như điều bắt buộc chứ đừng nói đến con cái".
Sophia, giống như hầu hết những người trẻ thuộc thế hệ Z khác, ít phải đối mặt với áp lực làm việc để kết hôn và kiếm đủ tiền mua nhà vì hầu hết cha mẹ của họ đều đã sở hữu ít nhất một bất động sản. Theo một báo cáo, người trẻ thuộc thế hệ Z có xu hướng nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ cha mẹ vì không phải cạnh tranh với anh chị em ruột.
Mức lương trung bình hàng tháng của Trung Quốc tại 38 thành phố lớn là 10.014 nhân dân tệ (tương đương 1.502 USD) trong quý I/ 2022, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Zhaopin, mức lương dự kiến hàng tháng của người có bằng cử nhân đã tăng 1,8% so với năm trước lên 12.033 nhân dân tệ. "Cuộc sống sẽ khó khăn hơn khi phải trả nợ mua nhà, kết hôn và sinh con", Sophia nói.
Với nhiều người trẻ Trung Quốc, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu (Ảnh: Internet).
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm nay. Năm 2020, Yu Qian (24 tuổi) vay 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD) của gia đình để mở trung tâm dạy vẽ cho trẻ em ở quê hương là một thành phố thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Các chú của Yu đã rời quê nhà vào đầu những năm 2000 để làm việc tại các thành phố ven biển với mục tiêu kiếm tiền nuôi gia đình, mua nhà, kết hôn và sống ở thành phố. Tuy nhiên, Yu thì khác, anh cho biết mình không có kế hoạch sống ở thành phố hạng nhất vì quê hương anh giờ đây cũng khá phát triển. "Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến trung tâm dạy vẽ của tôi. Tháng trước nó đã phải đóng cửa gần 1 tháng. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy ổn và không bị quá căng thẳng.
Nếu kết hôn, hầu hết thanh niên ở các thành phố nhỏ sẽ có ít nhất một căn nhà, ô tô, tiền mặt khoảng 200.000 nhân dân tệ. Thường thì cha mẹ họ sẽ trang trải phần lớn chi phí này. Tôi có kế hoạch chỉ sinh một đứa con trong tương lai", Yu cho biết.
So với thế hệ Y, thế hệ Z Trung Quốc gặp ít áp lực hơn và có thể theo đuổi công việc phi truyền thống. "Có thể tác động kinh tế của đại dịch sẽ đến với chúng tôi sớm. Nhưng tôi thích sống cùng cha mẹ và mèo cưng. Gia đình tôi ủng hộ ước mơ trở thành người có ảnh hưởng về lĩnh vực thể hình của tôi", Wang Ang (19 tuổi), hiện làm việc bán thời gian, cho biết.
Năm 2020, Trung Quốc đã mở rộng định nghĩa "có việc làm", bao gồm sinh viên mới tốt nghiệp mở cửa hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, người chơi game hay người viết blog.
Theo Bộ giáo dục Trung Quốc, sinh viên mới tốt nghiệp mở các trang web thương mại điện tử sẽ được xếp vào nhóm "đã làm việc", miễn là họ có thể cung cấp liên kết đến cửa hàng online và thông tin đăng ký. Còn những người làm công việc tự do như tiếp thị trực tuyến hay chơi thể thao điện tử sẽ được phân loại là "việc làm linh hoạt".
Annie Wang, người điều hành một công ty quản lý người có ảnh hưởng trên mạng, cho biết: "Nhiều người trẻ cảm thấy an toàn và tự tin hơn vào công việc và thu nhập của mình. Họ không còn phải chịu áp lực sinh kế của cả gia đình mà thay vào đó có thể tập trung nhiều hơn vào lợi ích cá nhân.
Thế hệ Z của Trung Quốc mong muốn đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Có không ít trường hợp trở thành người có ảnh hưởng trên mạng chỉ bằng cách ghi lại cuộc sống tốt đẹp của mình và chia sẻ với mọi người".
Nguồn: SCMP