Thế hệ Y là thế hệ được mong mỏi sẽ tạo ra những điều tốt đẹp cho thế giới bởi lẽ đây là thế hệ dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh vì những mưu cầu cá nhân và những người xung quanh. Những người trẻ ấy không ngừng đấu tranh vì bình đẳng giới, LGBT, bảo vệ môi trường, chăm sóc động vật…
Sinh ra trong khoảng những năm 1982 đến năm 2000, xét độ tuổi từ 17 đến 35, các millenials hiện chiếm 30% dân số Việt Nam, xấp xỉ 28 triệu người. Đây hiện là lực lượng lao động trẻ nhất và được chờ đợi mang lại những thay đổi lớn cho thế giới. Thế hệ Y được đánh giá là thế hệ tự tin và cầu toàn hơn thế hệ X, thế hệ của những cô những bác đi trước và luôn mang trong mình tâm thế dè dặt, bán tín bán nghi. Thế hệ Y cũng là thế hệ đầu tiên tích cực trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, họ mong muốn có một cái tên trong xã hội, chính xác hơn là họ sợ bị lãng quên.
Không chỉ ở môi trường làm việc, ngay cả trên mạng xã hội như Facebook hay Instagram, các millenials cũng mong muốn được nhiều người chú ý đến. Những con người trong thế hệ đa-zi-năng ấy luôn đi tìm bản thân mình trong mọi bản ngã, luôn đi kiếm những cơ hội để phát triển bản thân, chính vì thế, họ không muốn mình bị bó buộc trong một nơi, ngay cả nơi làm việc. Đặc điểm nhận dạng của thế hệ này là họ thường thích nhảy việc để liên tục thử thách bản thân.
Tuy nhiên, sự hối hả ấy, cũng đồng thời tạo nên một nhóm những con người đối lập. Cùng là thế hệ Y, nhưng không phải ai trong số đó cũng can đảm nhảy việc, dù họ cũng mong muốn được sống dưới bầu trời tự do đấy. Vậy nên, họ đành để "cái bầu trời ấy" treo trên cành cây.
Không can đảm nhảy việc, cũng không dám nghỉ việc, chính xác hơn họ sợ thất nghiệp. Mỗi sáng thức dậy, họ phải đấu tranh giữa việc đi làm hay không đi làm, mà đi làm thì sẽ làm gì, đi làm rồi lại về nhà, cuộc sống của họ căn bản hơi buồn tẻ. Họ muốn đi làm để cuối tháng nhận lương, rồi bỗng nhiên họ lại thấy mình không phù hợp với nơi làm việc, họ sẽ cầm điện thoại lên, lướt lướt Facebook, họ nhấn like ảnh của những "chủ nhân tài khoản mạng xã hội" có công việc yêu thích, nhận số tiền lương trong mơ với những chuyến du lịch khám phá kéo dài hàng tuần, và rồi họ lại ngao ngán thở dài. Thở dài với dòng suy nghĩ "mình có thể làm tốt hơn thế này".
Một người thì cũng không đáng để nói, nhưng căn bệnh này lây lan và xuất hiện ngày càng nhiều trong môi trường làm việc. Bệnh này chẳng dễ gì mà chẩn đoán cả, vì nhìn vẻ ngoài bệnh nhân vẫn hết sức bình thường, vẫn ăn mặc chỉn chu, vẫn đi làm đầy đủ. Có hay chăng thay đổi là nằm trong ý thức của bệnh nhân mà thôi.
Căn bệnh này có tên khoa học đầy đủ là brownout, một khái niệm đáng sợ đối với dân văn phòng. Burnout là một khái niệm đã xưa rồi, một căn bệnh cũng vô cùng nguy hiểm nơi công sở. Burnout được hiểu là kiệt sức khi khối lượng công việc quá lớn và quá sức so với sức chịu đựng của một con người. Còn brownout là không có năng lượng để làm việc, mặc dù cơ thể vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và nhìn qua thì cũng chẳng có dấu hiệu nào đáng lo ngại.
Trong các ngành công nghiệp năng lượng, brownout là thuật ngữ được sử dụng khi lượng năng lượng tụt giảm khiến các thiết bị như bóng đèn chẳng hạn không còn sáng như mức sáng chúng được thiết kế. Vậy nên, từ đó có thể suy ra, những nhân viên mắc phải hội chứng này sẽ cảm thấy mất đi năng lượng làm việc, cảm thấy chán nản và hơn hết là không muốn tiếp tục ngồi trước máy tính và gõ gõ những dòng chữ vô nghĩa nữa. Có thể trong họ vẫn tồn tại sự hối lỗi và ăn năn với sếp nhưng ý chí đã đánh bại trái tim, họ làm việc mà như không làm việc. Đầu vẫn gật lia lịa khi sếp giao nhiệm vụ, quẳng mình xuống ghế, mắt lại đờ đẫn nhìn máy tính, tay vẫn gõ gõ đều, nhưng tâm trí thì chẳng biết ở đâu.
Nếu như ốm thì còn có cớ để xin nghỉ, đây lại chẳng ốm mà chỉ là không muốn làm việc, một lí do mà nói ra chắc chắn sẽ bị quy cho là không cố gắng, không nỗ lực. Vậy nên là, họ đi làm với "cái bầu trời treo lên cành cây", tay vẫn xách cặp, quần áo vẫn chỉn chu, miệng vẫn nhoẻn cười mà chân thực sự không muốn bước vào phòng làm việc. Thống kê tại Mỹ cho thấy cứ 1.000 người quản lý thì chỉ có 5% bị kiệt sức (burnout) trong khi đó có tới 40% mắc phải brownout. Nhưng điều đáng nói là, brownout thường gặp phải ở những nhân viên xuất sắc, những người làm việc rất tốt. Vì chính căn bệnh này mà hiệu quả làm việc sụt giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến những đồng nghiệp xung quanh và tới cả công ty.
Trên thực tế, rất nhiều lãnh đạo đã nhìn thấy căn bệnh này của nhân viên nhưng họ vẫn chưa tìm ra giải pháp hợp lí. Bởi một khi những nhân viên này chán nản, không muốn làm việc, họ sẽ tự tách mình ra khỏi tập thể, những yếu tố này khiến cho công việc bị ì ạch, giậm chân tại chỗ. Từ đầu tuần, trong cuộc họp công ty đã chẳng mấy hứng thú, ngồi hí hoáy viết vài chữ rồi lại buông bút xuống, sếp nói nhưng chẳng mấy lời vào tai, rồi lại đến khách hàng giục sắp đến ngày trả sản phẩm, đồng nghiệp réo tên cần phải sửa chỗ này chỗ kia.
Cứ như thế, một vòng luẩn quẩn xoay tròn, không muốn làm và không muốn làm. Họ tự cô lập mình trong guồng quay công việc, còn đồng nghiệp phải làm thay cả phần của họ. Người nào người nấy cũng đã được phân chia từng việc một rồi nhưng vì căn bệnh brownout khủng khiếp ấy mà người này phải ôm cả việc của người kia để sếp không trách, để khách hàng không hủy đơn. Một điều chắc chắn là ai làm việc nấy, ai giỏi mảng nào thì nhận mảng ấy, năng suất sẽ cao hơn, tốc độ làm việc nhanh hơn, kết quả thu lại chắc chắn tốt. Còn trong trường hợp ôm việc hộ thì ngay đến khi cả đói cả ốm vẫn phải cố làm cho xong, làm việc với một cái đầu không minh mẫn như thế thì chắc chắn kết quả không thể tốt bằng rồi. Những đồng nghiệp tốt bụng có thể giúp lần một, lần hai nhưng đến lần thứ ba thì chắc chắn ai cũng ngao ngán lắc đầu thôi, vì lương vẫn thế mà công việc tăng gấp đôi gấp ba, không chừng có ngày burnout thật sự. Những người làm khổ đồng nghiệp như thế, có khác gì zombie công sở đâu, gán cho họ cái mác "phá bĩnh nơi công sở" cũng chẳng có gì là quá đáng.
Vì những con zombie như thế mà hiệu quả làm việc không tốt sẽ kéo đến một tập thể không còn gắn kết nữa. Cụ thể, từ Khảo sát Nơi Làm việc Tốt Nhất Việt Nam 2016, có tới 39% nhân lực Việt Nam được cho là thiếu gắn kết với công ty chủ quản, gây thất thoát 11,7% hiệu suất làm việc. Trung bình cứ 4 nhân viên trong doanh nghiệp thì có 1 zombie công sở. Xét về ngành nghề, Khảo sát này chỉ ra, Giáo dục – Đào tạo là ngành có tỉ lệ zombie cao nhất. Tiếp sau là Internet/TMĐT, Dầu khí/Năng lượng, Dịch vụ/Tư vấn, và Quảng cáo/Truyền thông. Đáng báo động hơn, nhóm đối tượng này chủ yếu là thế hệ Y, đặc biệt trong độ tuổi từ 20 đến 30.
Không chắc những cá nhân này có yêu nghề hay không nhưng họ chỉ đi làm vì tính công, cuối tháng có lương và cũng chẳng có ý định viết đơn xin nghỉ việc hay nhảy việc. Có hay chăng thời hạn hòa nhập với bầu không khí làm việc chung đã hết nên họ tỏ ra chán nản với công việc? Có hay chăng một lúc nào đấy họ cảm thấy bản thân không được trọng dụng đúng vị trí nên họ tỏ ra công việc này không xứng đáng với mình? Có hay chăng bởi vì họ sợ hãi một điều gì đó vô hình, giả dụ như áp lực của ngày mai, của tuần sau, nên họ dừng bước để dày vò mình trong đống việc lộn xộn? Có một điều thật buồn cười là trong khi nhiều người đang chạy đôn chạy đáo tìm việc làm hay có những người chấp nhận chạy xe ôm trong thời gian chờ một cơ hội mới thì ở đây lại có nhiều nhân viên không biết trân trọng, không biết tận dụng thời gian để thử sức mình.
Chẳng có ai sinh ra là mọi việc đều theo ý mình, dù có là công chúa hay hoàng tử thì cũng chẳng thể nào nhìn trước được những sự việc không ngờ mà tới. Thế giới là của tất cả mọi người, thế giới chẳng của riêng ai, thế giới không làm ai thay đổi, nhưng ta có thể thay đổi thế giới bằng chính thái độ của mình. Thật đấy, tưởng đơn giản thôi nhưng thái độ làm việc của một nhân viên có thể thay đổi toàn bộ phong cách làm việc của một tập thể. Đã bao giờ bạn từng nghĩ về thái độ làm việc của mình chưa? Bạn có nghĩ thái độ ấy là đúng hay không đúng, tích cực hay tiêu cực chưa? Bạn đã nhìn thấy đồng nghiệp của bạn lắc đầu ngao ngán rồi chỉ quay đi về cách bạn làm việc chưa? Thái độ làm việc chính là thước đo tốt nhất về sự nghiệp tương lai của một người.
Có thể nhiều người trẻ chỉ cho rằng những công việc đầu đời chỉ là một trải nghiệm mới mẻ khi họ mới bước vào xã hội nên chính vì thế họ coi nhẹ thái độ làm việc của bản thân. Nhưng họ đâu biết rằng chính vì sự không nghiêm túc của họ trong công việc mà liên lụy đến rất nhiều người, mà nhiều người đó ban đầu đã đặt niềm tin vào sức trẻ và sự nhiệt huyết của họ. Dùng sức trẻ để đánh cược với sự nghiệp là một sai lầm bởi trong môi trường làm việc, người ta cần nhiều hơn là một người trẻ non nớt.
Tất nhiên những người đang trong giai đoạn mắc phải hội chứng brownout sẽ không thể tỉnh táo để nhận ra mình cần phải làm gì nên chắc chắn sẽ cần tới giải pháp của những vị lãnh đạo công ty sáng suốt. Có một điểm chung mà các nhà lãnh đạo tinh tường ấy đều đồng ý là giải pháp tốt nhất không phải là đuổi việc các zombie mà phải làm sao kéo bằng được những nhân viên ấy trở lại trạng thái cân bằng như ban đầu. Khác với burnout khi nó có thể "chữa" được với những ngày nghỉ hay bổ sung năng lượng, brownout dài hơi và có hiệu ứng lâu hơn nhiều, nó ảnh hưởng tới quá trình làm việc lâu dài của người mắc phải.
Bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất, các vị lãnh đạo nên để ý tới nhân viên nhiều hơn. Khi thấy nhân viên có biểu hiện xao nhãng, chán nản, năng suất làm việc đột nhiên thấp hơn cả, thì nên đặt tên họ trong danh sách cần-được-quan-tâm-nhiều-hơn. Một nhà xã hội học gợi ý rằng các nhà lãnh đạo công ty nên để tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần nhân viên, đơn giản chỉ là tổ chức một buổi team building vào cuối tuần cho nhân viên hay tặng các nhân viên một ngày làm việc ở nhà trong tuần. Các hoạt động này không chỉ giúp nhân viên có thời gian để xả stress mà còn như một hành động tâm lí "thúc ép" nhân viên nên cống hiến hết mình cho công ty. Có như thế, nhân viên mới không cảm thấy chán nản khi đi làm và luôn muốn cố gắng, nỗ lực.
Tiếp đó, các vị lãnh đạo nên đưa thử thách cho nhân viên. Nhưng tất nhiên với những nhân viên đang chán nản, không muốn làm việc thì có đưa gấp đôi gấp ba số lượng công việc của họ bây giờ thì cũng chẳng có tác dụng gì. Không phải vì họ không làm được việc mà do thử thách quá ít, họ muốn chuyển tới những nơi thách thức hơn, khó khăn hơn để thử thách bản thân có thể đạt tới giới hạn nào. Hoặc, môi trường họ đang làm việc không cho họ có cơ hội được thể hiện hết khả năng của mình. Vì vậy, các vị lãnh đạo công ty nên tặng cho họ nhiều cơ hội để thể hiện bản thân hơn, bởi qua những lần làm mới bản thân như thế họ sẽ cảm thấy mình có ích và công việc này rất xứng đáng để cống hiến.
Các vị lãnh đạo cũng nên treo thưởng để giúp nhân viên lên dây cót tinh thần làm việc một cách hăng hái nhất. Tất nhiên, có rất nhiều người chẳng cần thưởng hay những hứa hẹn thăng chức để làm việc tốt hơn, họ làm tốt mọi thứ đơn giản chỉ vì họ muốn thế. Mặc dù vậy, không phải ai cũng như trên, họ cần có phần thưởng, cần có những đặc quyền để thấy nỗ lực của mình xứng đáng. Đôi khi chỉ một email khen ngợi, một câu nói ấm lòng cũng đủ để những nhân viên cảm thấy có động lực hơn hay chỉ là bằng một tấm bằng khen có chữ viết tay của lãnh đạo, cũng là đủ để động viên nhân viên nỗ lực hơn với những công việc tương lai.
Nói về chứng "Zombie công sở", bà Thanh Nguyễn - CEO Anphabe nhấn mạnh: "Hành trình gắn kết cần sự Kiên quyết, Kiên trì, Kiên định từ mỗi người đi làm cùng với cái Tâm, cái Tầm của nhân sự và nhà quản lý.Trách nhiệm của mỗi chúng ta là tìm ra chất xúc tác phù hợp để khuyến khích nhân viên tự nỗ lực tự nguyện nhiều hơn cũng như cung cấp cho họ "đủ lý do" để gắn kết và không còn là "khách" tại nơi làm việc".
Còn nếu bạn đang mắc hội chứng brownout và tự mình muốn giải quyết vấn đề này thì đừng lo lắng quá nhiều. Trước hết hãy tự hỏi mình, công việc quá dễ hay bản thân quá kém cỏi? Đừng ngại ngần đề nghị lãnh đạo về những thử thách to lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn. Bởi phải vượt qua những thử thách thì con người ta mới cảm nhận được nỗ lực, mới cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa. Hãy ghi nhớ rằng, một nơi làm việc tốt sẽ là một nơi luôn có thử thách mới, luôn có những phần thưởng xứng đáng và là nơi luôn chắp cánh cho những ý tưởng của bạn bay xa hơn. Xử lý brownout không phức tạp, đáp ứng đủ 3 yêu cầu "thử thách - phát triển - vinh danh", brownout sẽ dần dần biến mất. Thứ phức tạp nhất ở đây là xác định xem liệu bản thân có đang brownout hay không mà thôi. Cũng đừng o ép bản thân trong một góc, hãy trao cơ hội cho bản thân. Nếu cảm thấy không phù hợp với môi trường làm việc thì bạn nên xin nghỉ việc. Còn nếu bạn thấy cuộc sống xoay quanh công việc thật buồn tẻ thì bạn nên đăng kí vào một lớp design hay một lớp học dance nào đó vừa để kết bạn vừa để xả stress, và biết đâu đấy bạn tìm ra tài năng mới của chính mình.
Dù bạn có là ai, có làm sao hay như thế nào, đừng quên nỗ lực sẽ được trả giá. Một câu nói mà chắc hẳn ai đã xem bộ phim "Three idiots" vẫn còn nhớ: "Bạn thích làm điều gì, hãy biến nó thành nghề nghiệp. Nghề nghiệp sẽ không còn là một công việc, mà là một trò chơi."
Trí Thức Trẻ