Thế hệ nhảy việc - nhiều người trẻ không sẵn sàng hy sinh thời gian rảnh rỗi để chờ thăng tiến

15/02/2023 15:07 PM | Sống

Nhảy việc thực ra không phải là một điều xấu, nhưng nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự nghiệp của bạn.

“Nhảy việc” là từ dùng để phản ánh tình trạng một người bỏ việc sau thời gian ngắn, thường là trong vòng từ 1 đến 2 năm sau khi được tuyển dụng. Thông thường, một người nhảy việc có thể là để chuyển sang một vị trí tương tự được trả lương cao hơn ở một công ty khác, hoặc chuyển đến nơi làm việc có văn hóa công ty tốt hơn, hay tìm một công việc trong lĩnh vực khác.

Thế hệ nhảy việc

Nhảy việc ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Thời gian trung bình mà Gen Y (hay còn gọi là Millennials) dành cho một công việc là 2 năm 9 tháng.

Mặt khác, Gen X (1965 - 1980) có xu hướng gắn bó với một công việc trong thời gian trung bình 5 năm 2 tháng. Và thế hệ Boomers (1946 – 1964) là thế hệ cam kết nhất: họ dành tám năm hoặc hơn cho một vai trò.

Thông thường, những người trẻ tuổi bỏ việc để có điều kiện làm việc tốt hơn - nghĩa là được trả lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn, đạt đến sự linh hoạt và niềm vui trong công việc.

Nhiều Gen Z sẵn sàng nhảy việc mà không có kế hoạch dự phòng

Theo Business Insider, Oliver Wyman đã khảo sát 10.000 Gen Z từ 18 đến 25 tuổi ở Mỹ và Anh nhằm cố gắng phân tích "thế hệ lớn nhất và đột phá nhất từ trước đến nay" sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động kinh doanh lâu đời.

Những người sinh từ năm 1997 đến 2012, thường được gọi là Gen Z, trưởng thành trong thời kỳ đại dịch. Theo nghiên cứu, đã đánh mất phần lớn tuổi trẻ vì COVID-19, họ đang tìm kiếm sự cân bằng bền vững giữa công việc - cuộc sống và không sẵn sàng hy sinh thời gian rảnh rỗi để thăng tiến trong công ty.

Thế hệ nhảy việc - nhiều người trẻ không sẵn sàng hy sinh thời gian rảnh để chờ thăng tiến - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images)

Cuộc khảo sát cho thấy nhiều hơn các thế hệ trước, họ thậm chí còn sẵn sàng nhảy việc mà không có kế hoạch dự phòng.

Theo nghiên cứu của Oliver Wyman, Gen Z có quan điểm tìm việc “thiên về giao dịch nhiều hơn” so với các thế hệ trước và họ cũng có “danh sách dài các yêu cầu”. Đặc biệt, họ mong muốn những công việc bao gồm các phúc lơi như: bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện, hỗ trợ sức khỏe tinh thần, cũng như sự minh bạch trong cách quản lý.

Họ cũng ngày càng đòi hỏi sự linh hoạt, và họ sẵn sàng bỏ việc nếu không đạt được điều đó. Nhiều người trong số họ bắt đầu làm việc trong thời kỳ đại dịch, khi hầu hết các văn phòng đều đóng cửa, vì vậy "không có hứng thú với những chuyến đi làm mệt mỏi", những người được hỏi cho biết.

Cũng theo cuộc khảo sát, 85% Gen Z thích mô hình làm việc kết hợp hoặc làm việc từ xa.

Khi nào thì nên nhảy việc?

Nhảy việc thực ra không phải là một điều xấu, nhưng nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sư nghiệp của bạn.

Theo chuyên gia, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến công việc và quyết định nhảy việc của người lao động như: ngành làm việc, giai đoạn sự nghiệp, loại công việc ngắn hạn hay dài hạn… Đôi khi, việc nhảy việc là bắt buộc và tốt cho tương lai của bạn. Để quá trình thay đổi công việc thuận lợi và không gặp phải vướng mắc nào, dưới đây là một số yếu tố bạn cần phải xem xét trước khi quyết định.

Thế hệ nhảy việc - nhiều người trẻ không sẵn sàng hy sinh thời gian rảnh để chờ thăng tiến - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)

Không có cơ hội phát triển bản thân

Đôi khi, công việc hiện tại của bạn là những chuỗi việc lặp lại nhàm chán, không đổi mới và không thử thách. Bạn muốn học những kỹ năng mới để phát triển bản thân, nhưng bạn sẽ không thể học được nếu cứ tiếp tục làm công việc hiện tại. Để giúp bản thân tránh khỏi sự trì trệ, một công việc mới mang lại cảm hứng là một quyết định sáng suốt và cần thiết cho bạn ngay lúc này.

Bạn cảm thấy kiệt sức

Công việc hiện tại đang gây căng thẳng khi bạn bị quá tải và có một danh sách dài những việc cần làm. Bạn cảm thấy mệt mỏi và hoàn toàn “kiệt sức” với công việc. Tuy nhiên, cấp trên lại không hề có suy nghĩ giảm bớt công việc cho bạn. Trong trường hợp này, bạn có thể xin nghỉ phép do căng thẳng hoặc cân nhắc tìm một công việc có môi trường làm việc lành mạnh hơn.

Không có cơ hội thăng tiến

Nếu bạn làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ dưới sự quản lý của một giám đốc hoặc CEO trong thời gian dài, bạn sẽ khó có thể thăng chức. Sẽ rất hợp lý nếu bạn tìm kiếm cơ hội thăng tiến ở nơi khác.

Môi trường làm việc không phù hợp

Môi trường làm việc và văn hóa công ty là yếu tố rất khó xác định trong quá trình phỏng vấn. Sau một vài tuần hoặc vài tháng, bạn có thể cảm thấy mình không phù hợp lắm. Trong những trường hợp này, bạn nên cân nhắc về quyết định thay đổi và tìm một nơi làm việc khác phù hợp hơn.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM