Thế hệ "ăn bám" baby-boomer- quả bom nổ chậm của nước Mỹ

08/12/2016 08:00 AM | Xã hội

Gói trợ cấp xã hội trị giá 1,3 nghìn tỷ USD mà Mỹ đưa ra đang bị coi là quả bom nổ chậm đối với nền kinh tế quốc gia này khiến chính phủ buộc phải cắt giảm hàng loạt các dịch vụ công.

Bà Danielle DiMartino Booth cựu cố vấn của Fed đồng thời là chủ tịch của tổ chức Money Strong bày tỏ quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ trong thời gian sắp tới sẽ tụt dốc thẳng đứng mà nguyên nhân chủ yếu là do khủng hoảng trợ cấp.

Những người thuộc thế hệ Baby-boomers (thế hệ công dân sinh vào khoảng 1946 đến 1964) là đối tượng trực tiếp được hưởng khoản phúc lợi xã hội khổng lồ này. Sở dĩ gọi họ là Baby- boomers bởi họ được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số thế giới sau thế chiến thứ 2. Thời kỳ này tỷ lệ sinh ở các nước giàu như Đức, Anh, Nhật Bản và đặc biệt là Mỹ tăng lên nhanh chóng, cung cấp một nguồn lao động dồi dào, đem lại lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là những người thuộc thế hệ Baby- boomers dần bước vào tuổi nghỉ hưu, cũng với số lượng lớn như lúc sinh ra. Như vậy lợi thế của lực lượng lao động bị đảo ngược khi gánh nặng các khoản trợ cấp xã hội ngày càng lớn, đe dọa sẽ bóp nghẹt sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Khá nhiều người trong số họ đều đồng ý sẽ nghỉ hưu ở tuổi 70 thay vì 65 như trước đây. Tuy nhiên, theo bà Danielle DiMartino Booth hầu hết những người ủng hộ chính sách nghỉ hưu mới này đều đang dần bước sang tuổi 71. Nếu vậy, họ cũng chỉ có thể tiếp tục với công việc của mình trong một khoảng thời gian ngắn dẫn đến áp lực đè nặng lên phúc lợi xã hội không hề giảm.

Giới chuyên gia dự báo rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn thì chỉ trong vòng 10 năm tới, ngân sách dành cho các gói phúc lợi xã hội sẽ cạn kiệt. Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng người già nghỉ hưu sớm để hưởng trợ cấp đang gia tăng. Theo chuyên gia kinh tế Erick Eschker đến từ trường đại học Humboldt State ước tính trung bình mỗi người dân sinh vào năm 1945 có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 2,2 triệu USD trong suốt cuộc đời.

Vậy nếu tiếp tục khoản duy trì khoản trợ cấp khổng lồ trị giá 1,3 nghìn tỷ USD thì chính phủ sẽ lấy tiền ở đâu để bù vào? Bà Danielle DiMartino cho rằng hàng loạt các dịch vụ công sẽ bị cắt giảm từ y tế, lực lượng an ninh cho đến cứu hỏa.

Hơn thế nữa, các chính sách tiền thuế liên tục được cải cách, tuy nhiên vẫn chưa đủ hiệu quả để bù các khoản thâm hụt gây ra bởi các chi phí cho phúc lợi xã hội như tiền bảo hiểm, thuốc men...Theo thống kê của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2011 cho thấy tổng số tiền mà những người ở độ tuổi 65 nhận được nhiều hơn số thuế mà họ đã đóng tới 333 tỷ USD.

Số nợ mà thế hệ baby-boomer gây ra đang kìm hãm sự phát triển kinh tế quốc gia. Hai chuyên gia kinh tế Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff đến từ Đại học Havard ước tính khoản nợ công chiếm tới 90% GDP nước Mỹ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 1%. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư công hàng năm kéo theo đó mà cũng bị cắt giảm. Tỷ trọng GDP hàng năm chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng giảm từ 3% năm 1960 xuống còn khoảng 1% tính đến năm 2007.

Bài toán về phúc lợi xã hội ở Mỹ vẫn chưa có lời giải, tuy nhiên dù sớm hay muộn, quốc gia gia này cũng sẽ thoát khỏi bế tắc hiện tại.

Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM