Thế giới sẽ "chìm ngập" trong những tuyên bố đáp trả lẫn nhau?

25/07/2018 21:17 PM | Xã hội

Hãng tin RIA Novosti đã tiến hành lấy ý kiến của giới chuyên gia về thời hạn cũng như hậu quả của các cuộc chiến thương mại toàn cầu, theo đó đa số ý kiến đều cho rằng cuộc chiến này cần phải “được dập tắt” trong thời gian sớm nhất, nếu không không gian kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với một cuộc biến đổi lớn.

Giảng viên Viện Kinh doanh và quản lý kinh doanh Học viện Hành chính và kinh tế quốc dân thuộc Tổng thống Nga Galina Kuznesova cho rằng trong ngắn hạn, khoảng 1-2 năm tới, toàn thế giới sẽ "chìm ngập" trong những tuyên bố đáp trả lẫn nhau về tăng thuế nhập khẩu, siết chặt chính sách thương mại.

Tuy nhiên, bà Kuznesova cho rằng các nền kinh tế sẽ dần dần thích nghi với điều kiện mới, Mỹ sẽ “chấp nhận” những hàng hóa mà họ mua đắt hơn ở Trung Quốc, còn Trung Quốc thì cũng có động thái tương tự đối với hàng hóa Mỹ.

Đơn giản là giá sẽ tăng, các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ thay đổi. Song sau đó thương mại sẽ tiếp tục được tự do hóa. Theo bà Kuznesova, tự do hóa thương mại là xu hướng toàn cầu, vì không thể khác đi trong thế giới hiện đại, đặc biệt là trong điều kiện thương mại tự do đang thống trị trong lợi ích của các tập đoàn xuyên quốc gia. Họ sẽ quan tâm đến việc tự do hóa nền kinh tế.

Trong khi đó, Hiệu phó Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Nga Aleksey Zubets lại cho rằng thương mại sẽ không quay lại tự do hóa. Giai đoạn đó không thể đảo ngược.

Những động thái hiện nay của Mỹ là nỗ lực khôi phục lại tầng lớp trung lưu, hơn một nửa người dân Mỹ ủng hộ chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump. Vì thế, Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ buộc phải đi theo đường lối đó - bảo vệ thị trường Mỹ trước hàng nhập khẩu giá rẻ, khôi phục lại nền công nghiệp.

Ông Zubets cho rằng hiện đã bắt đầu thời kỳ phá thế toàn cầu hóa và trên thị trường thống nhất sẽ hình thành những “câu lạc bộ thương mại” kín đối với người bên ngoài.

Ông nhận định: “Sẽ không có không gian thương mại thống nhất trên thế giới. Một trong các cơ cấu của nền kinh tế thế giới có thể là tam giác Nga-Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc, nghĩa là tạo nên một không gian Á-Âu thống nhất trải dài từ Lisbon đến Thượng Hải.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC, Học viện Hành chính và Kinh tế quốc dân thuộc Tổng thống Nga, Tatyana Flegontova, xu thế xây dựng các liên minh kinh tế-thương mại song phương đang quay trở lại thay thế cho các dự án siêu khu vực. Tuy nhiên, đó chính là liên minh giữa các cường quốc.

Bà Flegontova cũng cho rằng Nga sẽ không nhắm đến các liên minh như vậy, cũng như đến tự do hóa thương mại, và công cụ then chốt để phát triển xuất khẩu là ủng hộ các nhà sản xuất trong nước, tăng sức cạnh tranh.

Hồi tháng Ba năm nay, với lý do an ninh quốc gia, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và hàng chục phần trăm đối với nhôm. Quy định có hiệu lực đối với EU và một số nước khác từ tháng 6 vừa qua. Hầu hết các nước bị ảnh hưởng đều tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.

Vào tháng Bảy, EU đã áp thuế nhập khẩu đối với 23 mặt hàng từ thép dưới hình thức hạn ngạch thuế quan. Mức thuế 25% đánh vào mỗi mặt hàng trong 23 loại trên sẽ được áp dụng khi nhập khẩu vượt quá mức trong 3 năm gần đây.

Biện pháp bảo vệ này có thể được áp dụng trong vòng tối đa 200 ngày và với tất cả các nước, trừ Na Uy, Iceland, Liechtenstein... Nga cũng áp thuế bổ sung đối với hàng loạt hàng hóa Mỹ có sản xuất tại Nga.

Từ tháng Bảy này, thuế nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu được áp dụng. Washington áp thuế nhập khẩu 25% đối với 818 chủng loại hàng hóa từ Trung Quốc với tổng trị giá nhập khẩu 34 tỷ USD mỗi năm.

Để đáp trả, Bắc Kinh cũng áp thuế nhập khẩu 25% đối với cùng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Ngày 20/7, Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo đánh giá của Ủy ban thống kê dân số Mỹ, năm 2017, tổng lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đạt 505,5 tỷ USD./.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM