Thế giới sẽ cần những hàng hóa này hơn trong năm 2021

10/01/2021 10:28 AM | Xã hội

Đợt phục hồi của kinh tế thế giới do Trung Quốc dẫn dắt sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu nhiều hàng hóa trong năm 2021.

Đợt phục hồi của kinh tế thế giới do Trung Quốc dẫn dắt sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu của những hàng hóa sau đây trong năm 2021, sau một năm đầy biến động của các thị trường do đại dịch Covid-19.

Đồng

Quặng sắt và thép có một năm 2020 bùng nổ vì đây là những nguyên liệu, vật liệu đầu vào cho nhiều hoạt động xây dựng và sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các kim loại cơ bản mới là mặt hàng được dự đoán dẫn đầu thị trường trong năm 2021 khi sự có mặt của nhiều dòng vaccine Covid-19 sẽ là ngòi nổ cho một quá trình hồi phục mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.

Đồng sẽ là kim loại có giá trị tăng cao nhất vì những ứng dụng phổ biến trong hoạt động xây dựng, sản xuất thiết bị gia dụng và hệ thống lưới điện. Bên cạnh đó, nhôm cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá này.

“Trong năm 2021, các kim loại cơ bản tăng giá mạnh hơn so với các kim loại đen. Cơ sở cho đà tăng giá này chính là tình hình kinh tế thế giới. Trong khi đó, kim loại đen lại phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc thông qua các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng”, theo Dong Hao, giám đốc viện nghiên cứu Chaos Research Institute, công ty con của công ty đầu tư Shanghai Chaos Investment- một trong những nhà quản lý tài sản hàng hóa lớn nhất tại Trung Quốc.

“Chúng ta có thể sẽ được chứng kiến đà phục hồi trên quy mô rộng lớn của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021, và các kim loại cơ bản sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Nhu cầu cho đồng sẽ tăng lên”.

Thế giới sẽ cần những hàng hóa này hơn trong năm 2021 - Ảnh 1.

Công nhân đang đổ sắt nung chảy vào khuôn tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Bã đậu nành

Bã đậu nành được dự đoán là mặt hàng nổi bật nhất của ngành nông nghiệp trong năm 2021, lấy động lực chủ yếu từ đà phục hồi nhanh chóng của tổng đàn lợn tại quốc gia đông dân nhất thế giới, vốn đã bị thiệt hại nặng nề sau đại dịch tả lợn châu Phi nổ ra vào năm 2018 và 2019.

“Ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc sẽ tiếp tục hồi phục và tăng trưởng. Giá lợn hơi vẫn đang ở mức cao, đồng nghĩa với việc nhiều hơn các trang trại chăn nuôi được xây mới. Kim ngạch nhập khẩu đậu tương trong năm 2020 vươn lên một kỷ lục mới”, theo Darin Friedrichs, chuyên gia phân tích cấp cao của StoneX.

“Sự dịch chuyển từ các trang trại quy mô nhỏ sang các trang trại có quy mô rộng lớn hơn trong quá trình Trung Quốc tái xây dựng lại ngành chăn nuôi lợn đồng nghĩa với việc nhu cầu bã đậu tương sẽ tăng cao”.

Quặng sắt

Quặng sắt là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ hàng hóa nào khác trong năm 2020, tăng gấp đôi lên mốc kỷ lục mới khi nhu cầu của Trung Quốc tăng cao.

Giá quặng sắt sẽ không tăng mạnh vào năm 2021 nhưng với việc nguồn cung mặt hàng này tại Brazil đang gặp phải nhiều vấn đề, cộng với đó là nhu cầu cao trong thời gian dài của nền sản xuất và ngành xây dựng tại Trung Quốc, thị trường mặt hàng này vẫn rất tiềm năng.

“Nhu cầu về thép mạnh, bên cạnh đó là thị trường bất động sản Trung Quốc có nhiều khởi sắc cho thấy đà tăng giá của quặng sắt vẫn chưa có dấu hiệu chững lại”, theo Howie Lee, nhà kinh kế học thuộc ngân hàng OECD.

Lee dự đoán giá quặng sắt sẽ chạm đỉnh vào quý II/2021 do nhu cầu cao từ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc. “Nhưng với việc nguồn cung quặng sắt tại Brazil ổn định trở lại và nhu cầu không còn quá lớn từ Trung Quốc, quặng sắt sẽ vấp phải không ít thách thức trong nửa cuối năm 2021”.

Dầu thô

Giá dầu xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử hồi tháng 4/2020, khi nhu cầu mặt hàng này giảm nghiêm trọng do các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội phòng dịch bệnh Covid-19. Sau đó, giá dầu dần hồi phục nhưng vẫn chưa thể chạm ngưỡng như trước đại dịch, dù có không ít hy vọng về việc các dòng vaccine sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu của mặt hàng này.

“Tuy nhiên, sẽ có nhiều thách thức trước khi chúng ta có thể khẳng định rằng quãng thời gian tồi tệ nhất đối với giá dầu đã chấm dứt”, theo báo cáo của ANZ Research. “Nhiều chính phủ đang gia tăng các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với một làn sóng lây nhiễm Covid mới, trong khi quá trình sản xuất và phân phối vaccine trên quy mô lớn vẫn đang được tiến hành".

Vàng

Giá mặt hàng “an toàn truyền thống” này lập đỉnh lịch sử trong năm 2020 khi các nhà đầu tư tìm kiếm các khoản đầu tư an toàn sau khi “chạy trốn” khỏi USD đang mất giá, bên cạnh đó là nguy cơ lạm phát tăng cao do sự chịu chi của nhiều chính phủ trên toàn thế giới nhằm cứu vớt nền kinh tế.

Giá vàng có phần hạ nhiệt khi những kỳ vọng về vaccine lan tỏa trên thị trường dẫn tới việc các nhà đầu tư muốn bố trí lại các khoản đầu tư của mình, nhưng triển vọng là mặt hàng này vẫn sẽ tiếp đà tăng giá trong năm 2021.

“Việc tâm lý rủi ro đang tăng lên quả thực là một cơn gió ngược đối với sự hấp dẫn của vàng với vai trò là một tài sản “thiên đường an toàn”, nhưng 3 yếu tố: USD yếu, tỷ suất lợi nhuận thấp cùng với đó là kỳ vọng lạm phát tăng cao vẫn sẽ tiếp tục là động lực đẩy giá vàng”.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM