The Economist: Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu nhưng cũng có nhiều "tác dụng phụ"

09/01/2023 16:53 PM | Kinh doanh

Sự tái kết nối của Trung Quốc với thế giới bên ngoài đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên: kỷ nguyên của đại dịch toàn cầu.

The Economist: Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu nhưng cũng có nhiều "tác dụng phụ" - Ảnh 1.

Sau một thời gian đóng cửa, hoạt động kinh tế của Trung Quốc có khả năng phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Reuters.

Đà phục hồi sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3

Đối với phần lớn người dân, nỗi sợ bị phong tỏa và cách ly đã biến mất. Sau thời kỳ hỗn loạn, hoạt động kinh tế tại Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, qua đó làm gia tăng nhu cầu năng lượng và hàng hóa trên thị trường toàn cầu. Các nhà đầu tư và giám đốc điều hành doanh nghiệp đa quốc gia sẽ sớm có thể đến thăm các văn phòng và nhà máy tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự bình thường sẽ không đến ngay lập tức. Các quan chức thừa nhận đang phải đối mặt với một thách thức to lớn là duy trì hoạt động của các dây chuyền sản xuất. Tesla, một nhà sản xuất ô tô, đã tạm dừng hoạt động tại nhà máy của họ ở Thượng Hải vào ngày 24/12/2022.

Tommy Wu, đại diện Ngân hàng Commerzbank, cho rằng nền kinh tế có thể suy giảm tăng trưởng trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi mở cửa, nhưng sự phục hồi sẽ đến sớm hơn dự kiến của các chuyên gia phân tích.

Nhiều người nghĩ rằng giai đoạn biến động sẽ kết thúc vào cuối tháng 3. Tại thời điểm đó, quá trình phục hồi sẽ bắt đầu trên đà tăng tốc cho đến hết năm. Các nhà kinh tế tin rằng những người bị mất việc làm sẽ quay trở lại làm việc khi có cơ hội, giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với việc mở cửa kinh tế, tiêu dùng cũng sẽ tăng trưởng. Nhiều ý kiến cho rằng các hộ gia đình đã tiết kiệm 1/3 thu nhập của họ vào năm ngoái. Nhiều người sẽ lấy lại tinh thần sau khoảng thời gian khó khăn, nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ tăng mạnh chi tiêu.

Dẫu cho các đánh giá không mấy lạc quan, Jacqueline Rong từ ngân hàng BnP Paribas cho rằng mức tiêu dùng hộ gia đình sẽ tăng khoảng 9% vào năm 2023 - một sự cải thiện lớn so với tốc độ tăng trưởng của năm trước, hoặc thậm chí còn cao hơn nữa sau quãng thời gian dồn nén do hạn chế chi tiêu trong những năm gần đây.

Việc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc vào tháng 12, các nhà hoạch định chính sách đã cam kết sẽ hỗ trợ “nhu cầu cơ bản” trên thị trường bất động sản, thay vì việc mua nhà mang tính đầu cơ. Về vấn đề này, giới chức để ngỏ khả năng có thể cắt giảm thêm lãi suất thế chấp và các yêu cầu thanh toán trước.

Jing Liu từ ngân hàng HSBC, dự báo ngành bất động sản Trung Quốc có thể tăng 3% trong năm nay – đóng góp 0,9 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Một kịch bản lạc quan hơn là tốc độ tăng trưởng ở mức 5%, tức sẽ đóng góp thêm 1,5 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng. Một số hộ gia đình có thể quyết định rằng bây giờ là thời điểm tốt để “mua lúc giá giảm”, trước khi giá tăng trở lại, hoặc trước thời điểm các quy định hạn chế đối với việc mua nhà được tái áp dụng.

Những "tác dụng phụ"

Ý nghĩa kinh tế của việc mở cửa trở lại còn có ý nghĩa lớn hơn.

Chính sách Zero Covid đã hạn chế nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa, dịch vụ toàn cầu. Ví dụ, trong thời gian phong tỏa Thượng Hải vào nửa đầu năm ngoái, nhu cầu dầu mỏ của nước này đã giảm 2 triệu thùng mỗi ngày.

Trong quá khứ, sự cắt giảm chi tiêu như vậy của Trung Quốc sẽ tước đi động cơ tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế thế giới. Nhưng lần này, mọi thứ đã khác. Sự trở lại của Trung Quốc trùng với thời điểm nền kinh tế Mỹ đang phát triển quá nóng, và nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn trên khắp châu Âu.

Louis Kuijs từ hãng đánh giá tín nhiệm S&P Global cho biết: “Ít nhất vào thời điểm này, Trung Quốc không góp phần gây ra lạm phát".

Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu vì lý do đơn giản là nước này là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới.

HSBC ước tính rằng một năm sau đây, vào quý đầu tiên của năm 2024, GDP của Trung Quốc có thể tăng hơn tới 10% so với thời điểm 3 tháng khó khăn đầu tiên của năm 2023. Theo tính toán sơ bộ của Economist, một Trung Quốc đang phục hồi có thể đóng góp tới 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn đó.

Tuy nhiên, theo thời gian, sự phục hồi của Trung Quốc có thể có những "tác dụng phụ". Ở các nền kinh tế lớn khác, hạn chế ràng buộc đối với mở rộng kinh tế là chính sách tiền tệ, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Nếu việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có vẻ như làm tăng nhu cầu toàn cầu và do đó gây áp lực về giá ở mức độ không mấy dễ chịu, các ngân hàng trung ương có thể phải phản ứng bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát rủi ro lạm phát.

Trong một kịch bản như vậy, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với phần còn lại của thế giới có thể không phải là tăng trưởng cao hơn mà là lạm phát hoặc lãi suất cao hơn.

Tác động với thị trường năng lượng

Kênh ảnh hưởng trực tiếp nhất của Trung Quốc là thông qua hàng hóa. Nước này tiêu thụ gần 1/5 lượng dầu của thế giới, hơn một nửa lượng đồng, niken và kẽm tinh chế, và hơn 3/5 quặng sắt. Vào ngày 4/11/2022, tin đồn về việc mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến giá đồng tăng 7% vào cuối ngày.

Khi Trung Quốc thực sự mở cửa, nhu cầu của Trung Quốc đối với kim loại, cây trồng và năng lượng sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu hàng hóa.

Nhu cầu về năng lượng có vẻ như không thay đổi đáng kể, đặc biệt là vào cuối thời kỳ Zero Covid. Nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Trung Quốc đã giảm khoảng 1/5 trong 11 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho phép châu Âu tăng mua để bù đắp cho sự gián đoạn từ nguồn cung khí đốt của Nga. Do đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc đóng vai trò như một đối trọng với cuộc xung đột Ukraine của Nga.

Các nhà phân tích giả định việc nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng của Trung Quốc tăng nhẹ trong năm nay, dựa trên các hợp đồng mà người mua đã ký. Nếu nhập khẩu phục hồi nhanh hơn, châu Âu có thể cảm thấy khó khăn. Vào tháng 12 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng khoảng một phần tư trong năm tới, trở lại mức của năm 2021; Nga sẽ cắt hoàn toàn đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu.

Trong một kịch bản như vậy, châu Âu sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt 27 tỷ mét khối khí đốt, tương đương 7% nhu cầu hàng năm, ngay cả sau khi đã tính đến những nỗ lực tăng nguồn cung hiện tại. IEA cảnh báo rằng nếu không có biện pháp nào khác được triển khai, châu Âu có thể buộc phải tiến hành giới hạn mức sử dụng năng lượng.

Tác động đối với dầu cũng có thể là đáng kể. Nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi hoàn toàn vào năm 2023, nước này sẽ tăng dần lượng dầu thô nhập khẩu trong suốt cả năm cho đến khi mức tăng them đạt trung bình 1 triệu thùng mỗi ngày, Soni Kumari của ngân hàng ANZ cho biết.

Điều này sẽ bù đắp cho nhu cầu giảm ở châu Âu và châu Mỹ, khi cả hai đều đang trên đà suy thoái. Tương tự, Goldman Sachs dự đoán rằng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc có thể đẩy giá dầu lên khoảng 15 USD/thùng. Giá dầu Brent có thể vượt quá 100 USD một lần nữa trong quý 3 năm nay, khiến cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Giá hàng hóa cao hơn sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu như Chile và Brazil, nhưng lại gây tổn hại cho các nước láng giềng nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc. Đối với Ấn Độ, thiệt hại do giá cao hơn có thể làm mất đi lợi ích từ việc tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tác động với ngành du lịch

Sự thúc đẩy lớn nhất đối với các nước láng giềng sẽ không đến từ việc bán hàng hóa cho Trung Quốc mà từ việc đón các đoàn khách du lịch Trung Quốc quay trở lại.

Ni Na, một bà mẹ hai con đến từ Thượng Hải, đã đi du lịch nước ngoài khoảng 5 lần một năm trước đại dịch, thường ở nước ngoài 3 hoặc 4 tháng một năm.

Khi các yêu cầu cách ly được dỡ bỏ, Ni Na sẽ lên đường trở lại. Hiện tại, cô đã gia hạn hộ chiếu và giấy tờ thông hành của các con trai mình.

Goldman Sachs cho rằng Thái Lan, một điểm du lịch nổi tiếng, có thể chứng kiến tăng trưởng thêm 3 điểm phần trăm sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.

Arup Raha của Oxford Economics cho biết điều đó sẽ sự bất định đè nặng lên giá hàng hoá, bao gồm cả đồng nội tệ, giảm áp lực buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Nhưng được lợi lớn nhất sẽ là Hồng Kông.

Xuất khẩu gia tăng, bao gồm cả du lịch, có thể thúc đẩy GDP của đặc khu này thêm gần 8% sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Thành phố từng thu hút hơn 4 triệu du khách đại lục mỗi tháng trước thời điểm Trung Quốc phong toả.

Thiệt hại với chuỗi cung ứng Trung Quốc

Tuy nhiên, cũng phải nói chính sách Zero Covid đã gây ra nhiều khó khăn cho Trung Quốc.

Nhiều tập đoàn kinh tế toàn cầu đã điều chỉnh đánh giá rủi ro đối với Trung Quốc và sẽ phân bổ ít hơn vốn đầu tư cho quốc gia này trong 3 năm tới, trừ khi họ nhận được những ưu đãi vượt trội.

Khoảng 18 tỷ USD ngoại hối đã chảy ra khỏi Trung Quốc trong tháng 11, tăng từ 11 tỷ USD trong tháng 10. Những dòng vốn chảy ra này dự kiến sẽ đảo ngược khi nền kinh tế Trung Quốc ổn định vào năm 2023, nhưng có lẽ sự hứng khởi của nhà đầu tư đối với thị trường Trung Quốc sẽ không còn như ở thời điểm trước đại dịch.

Bên cạnh đó, đã có những thiệt hại lớn đối với chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nhiều công ty hiện sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để sản xuất ở nơi khác.

Đồng thời, số lượng các công ty chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc đã tăng vọt, Alex Bryant của East West Associates, một nhà tư vấn chuỗi cung ứng, cho biết. Hầu hết các hợp đồng mà công ty của Bryant đã hỗ trợ trong năm qua đều là nhằm đưa hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Ông cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại khó có thể dẫn đến sự thay đổi ngay lập tức về tâm lý nhà đầu tư.

Theo Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM