The Diplomat: Khả năng sản xuất TV, điện thoại của Việt Nam đang ở đâu trong khu vực hậu Covid-19?

20/08/2021 20:44 PM | Kinh doanh

Theo báo cáo gần đây của Fitch Solutions, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2021

Từ trước đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp điện tử. Từ đó, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu điện tử chủ lực của thế giới, đứng thứ 12 trên thế giới kể từ năm 2015.

Trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng đều đặn từ 47,3 tỷ USD năm 2015 lên 96,9 tỷ USD năm 2019. Cùng với đó, giá trị nhập khẩu các sản phẩm điện tử năm 2019 cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Năm 2019, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 19,3% giá trị xuất khẩu hàng điện tử, tiếp theo là Mỹ (18,2%) và Hàn Quốc (9,1%). Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là điện thoại di động, TV và máy ảnh (41%), thiết bị điện (18,2%), vi mạch tích hợp điện tử và cụm vi mô (11,9%).

Các công ty nước ngoài hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Cụ thể, vào năm 2019, LG đã tuyên bố sẽ di chuyển hoàn toàn các cơ sở sản xuất smartphone từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Apple và Foxconn cũng đều đã chuyển một phần nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Panasonic cũng đã chuyển nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt từ Thái Lan sang quốc gia Đông Nam Á này.

Cho đến nay, Samsung đã đầu tư hơn 17,5 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó điện thoại di động cao cấp và linh kiện điện tử hiện chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hãng điện tử khổng lồ này hiện đang sử dụng hơn 170.000 lao động tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Tất cả cho thấy Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất điện tử chính của khu vực. Tất nhiên, ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần này cũng phần nào làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam. Nhưng bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế, Việt Nam vẫn có cơ hội để có thể duy trì quỹ đạo tăng trưởng trong sản xuất điện tử và thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Theo nhận định của tờ The Diplomat, hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được ký kết gần đây sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và tăng thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vào tháng 6/2019, Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu. Hiệp định tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho cả hai bên thông qua việc giảm hầu hết các loại thuế quan, hàng rào quy định.

Ngoài ra, vào năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách khuyến khích ngắn hạn, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số doanh nghiệp và công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như trong các khu công nghiệp cụ thể và các vùng kém phát triển.

Theo một báo cáo gần đây của Fitch Solutions, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2021 do "việc triển khai vắc xin toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng của các quốc gia đang dần tăng cao".

Fitch Solutions dự báo, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng tốc do "sự kết hợp của sức mua, nhân khẩu học và xu hướng hiện đại hóa kinh tế sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có triển vọng trong khu vực."

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam, bất chấp những đợt bùng phát hiện nay, nền kinh tế Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng từ 3,5 đến 4% trong năm 2021, tùy thuộc vào tốc độ có thể kiểm soát đại dịch Covid-19 trong những tháng cuối năm. The Diplomat nhận định, nếu Việt Nam thành công trong việc hạn chế các tác động lên kinh tế của làn sóng dịch Covid-19 hiện nay, thì có khả năng quốc gia này có thể trở thành một trung tâm sản xuất điện tử của khu vực.

Quỳnh Anh

Từ khóa:  sản xuất
Cùng chuyên mục
XEM