The Asean Post: Tác động đến việc làm của đại dịch Covid-19 khác gì với những cuộc khủng hoảng trước?
Tương tự như những cuộc suy thoái trong quá khứ, tỷ lệ thất nghiệp đều có xu hướng tăng đáng kể trong những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 lại gây ra một xu hướng mới về tỷ lệ thất nghiệp của người lao động, đặc biệt tại một số quốc gia thành viên ASEAN.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân cũng như nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng đại dịch đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái sâu nhất trong một thế kỷ vừa qua.
IMF nhận định rằng đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Tương tự như các cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính khác trong quá khứ, tỷ lệ thất nghiệp thường có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong những thời điểm khó khăn nói trên. Hàng triệu người lao động phải trải qua thời kỳ nghỉ việc, cắt giảm lương trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo rằng khoảng 68 triệu người lao động tại châu Á có thể mất việc làm do cuộc khủng hoảng.
Trong lịch sử các cuộc suy thoái kinh tế trước đây, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động từ 16 đến 24 tuổi luôn ở mức cao nhất, tiếp theo là nhóm lao động trong độ tuổi từ 25 đến 54, và cuối cùng là nhóm lao động lớn tuổi.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây của Hoa Kỳ cho thấy một xu hướng khác. Cụ thể, nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 là những người lao động lớn tuổi.
Điều này cũng xảy ra ở một số quốc gia thành viên ASEAN.
Nguồn: Asian Development Bank
Báo cáo mới nhất của Malaysia cũng chỉ ra nhóm lao động lớn tuổi, đặc biệt là những người từ 45 tuổi trở lên hiện rất khó có khả năng tìm được việc làm trên thị trường giai đoạn hậu Covid-19.
Hệ thống Bảo hiểm Việc làm của Malaysia cũng tiết lộ rằng trong năm nay đã có 18.397 người Malaysia trong nhóm lao động lớn tuổi mất việc làm.
Giám đốc Liên đoàn Chủ sử dụng lao động Malaysia (MEF), ông Shamsuddin Bardan khẳng định: "Các nhà tuyển dụng hiện đang tập trung vào kỹ năng và kinh nghiệp của ứng cứ viên trong việc phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hơn là dựa vào tuổi tác. Do vậy, thế hệ trẻ có lợi thế hơn, đặc biệt là những người nhanh nhẹn, am hiểu CNTT. Ngoài ra, họ có thể tiếp cận với các hình thức làm việc mới dễ dàng hơn, ví dụ như làm việc trên các nền tảng thương mại điện tử".
Tại Singapore, các chuyên gia nhận định rằng cuộc suy thoái kinh tế sẽ có tác động lớn đến những nhân viên có nhiều kinh nghiệm, do họ thường bị đánh giá là không linh hoạt cũng như không có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc mới.
Dữ liệu từ năm 2019 của Singapore cho thấy 6 tháng sau khi bị cho thôi việc, 76,3% người lao động ở độ tuổi 30 đã tìm được công việc mới. Con số này đối với nhóm lao động ở độ tuổi 40 và 50 lần lượt là 65,8% và 52,2%.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã khiến cho nhiều người lao động lớn tuổi buộc phải nghỉ hưu. Giải thích về điều này, đại diện MEF cho biết nhóm người gần đến tuổi nghỉ hưu có thể nằm trong số những người đầu tiên buộc cho thôi việc để đảm bảo những nhân viên trẻ hơn có thể tiếp tục cống hiến cho các công ty.