Thay vì gõ phím điện thoại hay máy tính, hãy chuyển sang viết bằng tay, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên trước những gì xảy ra với bộ não của mình

19/11/2016 14:42 PM | Sống

Tiến sĩ Marc Seifer nói trong cuốn The Book Definitive rằng não của chúng ta được hưởng lợi nhiều hơn khi viết lách, chứ không phải từ gõ những bàn phím trên điện thoại hay máy tính

Ở thời buổi hiện đại, chúng ta đang quá phụ thuộc vào công nghệ, từ smartphone đến laptop. Dường như, luôn luôn có bàn phím gắn liền với đầu ngón tay tại mọi thời điểm và số đông đều dành quá nhiều thời gian cho việc "chat chit" với người khác. Và vì thế rất có thể, chúng ta chẳng còn thể nhớ nổi lần cuối cùng mình cầm bút viết là khi nào.

Tiến sĩ Marc Seifer, một nhà bút tướng pháp, chuyên gia về chữ viết tay, tác giả cuốn The Book Definitive phân tích về chữ viết tay (xuất bản năm 2008) cho biết: Não của chúng ta được hưởng lợi rất nhiều khi viết lách, chứ không phải từ gõ những bàn phím điện thoại, máy tính hay những thứ tương tư.

Tiến sĩ Marc Seifer đã giải thích điều này bằng những lợi ích của chuyện viết bằng tay mang lại cho chúng ta. Cá là bạn hẳn sẽ không tìm thấy những điều này đối với việc gõ bàn phím đâu.

Làm dịu não bộ

Chỉ bằng cách viết một câu nhẹ nhàng hai mươi lần mỗi ngày có thể khiến đầu óc thư thái, giảm căng thẳng và áp lực. Trên thực tế, viết lách còn mang lại lợi ích đặc biệt cho những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

“Điều này khiến bạn bình tĩnh hơn và tăng cường năng lượng cho não”, Marc Seifer nói thêm.

Kết hợp các bán cầu não

Viết một điều gì đó bằng chữ thảo có thể tăng cường sự kết hợp các bán cầu não. Tuy nhiên, cách mà chúng ta sử dụng hai phần của bộ não là khác nhau. Do đó, đừng nhầm lẫn giữa thảo với chữ ký của bạn, vì chữ ký không mang lại tác dụng tương tự như khi bạn viết chữ thảo.

Viết còn giúp kết nối thần kinh giữa não và tay hiệu quả hơn là gõ bàn phím. Bàn tay vận động khi viết có khả năng tăng cường sự phát triển não bộ và kích thích chức năng não.

Tăng cường khả năng học tập

Nhiều nghiên cứu phát hiện, những sinh viên ghi chép bài trên giấy có khả năng ghi nhớ thông tin tốt hơn so với việc gõ tạch tạch trên laptop. Bởi những sinh viên sử dụng laptop hầu như gõ lại tất cả các thông tin mà họ nghe được mà không dành thời gian suy nghĩ hay chắt lọc thông tin. Đây chính là hoạt động sao chép vô thức của não bộ.

Theo Lifehack, những sinh viên ghi chép bài trên giấy không thể chép lại tất cả những thông tin mà họ nghe được. Do đó, họ phải tập trung lắng nghe và chắt lọc những thông tin quan trọng để ghi lại. Điều này giúp não bộ làm việc và ghi nhớ thông tin lâu hơn.

Giảm phiền nhiễu

Máy tính chính là bậc thầy trong việc lãng phí thời gian, lôi kéo bạn vào những trang tin hay chương trình vô bổ trên mạng và dễ khiến bạn mất tập trung khi đang làm việc hay học tập.

Một nghiên cứu vào năm 2012 khẳng định, dành riêng thời gian nghỉ 5 phút để duyệt BuzzFeed hoặc Tumblr thậm chí có thể tăng năng suất làm việc. Tuy nhiên, hãy thử làm nó với một cây bút và giấy. Bạn sẽ hoàn toàn tập trung và hiệu quả mang lại sẽ khiến bạn bất ngờ.

Giữ đầu óc sắc bén

Chữ viết tay là một công cụ tuyệt vời cho thế hệ trẻ, những người muốn đầu óc luôn sắc bén, nhanh nhạy khi già đi.

Kelsey Poe, Giám đốc Marketing & Bán hàng tại CMP khẳng định: “Viết bằng tay có khả năng ngăn ngừa lão hóa và tăng cường trí nhớ”. Thói quen viết cũng giúp con người tăng cường sự mạch lạc và logic trong lối suy nghĩ qua việc tổ chức và sắp xếp các nội dung theo một trình tự hợp lý.

Tăng cường trí nhớ

Trong thời đại công nghệ hiện nay, công việc soạn thảo văn bản đã chuyển từ viết tay sang gõ phím vì tốc độ gõ phím luôn nhanh hơn và hiệu quả hơn một cách đáng kể so với cách viết tay, nhưng khả năng ghi nhớ thông tin sẽ giảm.

Theo nhiều nhà tâm lý, chữ viết tay giúp tăng cường bộ nhớ ở cả trẻ em và người lớn. Tiến sĩ Seifer cho biết: “Nhiều nghiên cứu ở trẻ em cho thấy, những người hay viết bằng tay có bộ nhớ mạnh mẽ hơn”.

Kích hoạt não bộ

Chữ viết tay giúp não làm việc nhiều và hiệu quả hơn. Các vùng của não có liên quan đến đọc chỉ được kích thích khi viết chứ không phải khi nhắn tin hoặc đánh máy.

Tùng Dịch

Cùng chuyên mục
XEM