Thầy Park chưa tìm ra "Văn Hậu mới", U23 Việt Nam chớ vội lạc quan!

09/01/2020 19:54 PM | Xã hội

Hai năm về trước, U23 Việt Nam làm nên kỳ tích sau thất bại thảm hại ở SEA Games 29. Hiện tại, thầy trò ông Park đang cực kỳ hưng phấn, song lại thiếu khá nhiều thứ để thành công.

1. VCK U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam khởi đầu bằng một trận thua, trước U23 Hàn Quốc, song các học trò của HLV Park Hang-seo lại là người có bàn thắng mở tỷ số trận đấu từ khá sớm. Bàn thắng ấy đến từ pha kết thúc đẳng cấp từ ngoài vòng cấm địa của Quang Hải, nhưng những gì diễn ra trước cú sút ấy mới là điều đáng nói.

Trên sân vận động Côn Sơn, Văn Hậu cực kỳ tự tin đi bóng trước sức ép của hai cầu thủ Hàn Quốc, để căng đường bóng sệt tuyệt đẹp từ sát cột cờ góc tìm đúng chân Quang Hải. Pha bóng ấy của Văn Hậu, cú sút ấy của Quang Hải không thể đem về chiến thắng cho U23 Việt Nam trong ngày ra quân, nhưng nó tiếp thêm cho các cầu thủ trẻ Việt Nam rất nhiều sức mạnh tinh thần, sự tự tin để có thể đối đầu không hề e sợ với các đối thủ hàng đầu châu Á sau đó.

VCK U23 châu Á 2018 là giải đấu của Quang Hải. Trên con đường đến với chức Á quân châu lục, trừ trận tứ kết với U23 Iraq ra, tất cả các bàn thắng mà U23 Việt Nam ghi được đều mang tên ngôi sao người Đông Anh này.

Quang Hải sút tung lưới U23 Hàn Quốc.

Trận khai mạc, Quang Hải là người ghi bàn. Trận thắng duy nhất của U23 Việt Nam ở vòng bảng, Quang Hải là người ghi bàn. Trận bán kết, Quang Hải ghi 2 bàn. Và cuối cùng là "cầu vồng trên tuyết" ở Thường Châu trong trận chung kết, mang đậm dấu ấn của Quang Hải.

Nếu như Quang Hải là "vũ khí tối thượng" của U23 Việt Nam ở giải đấu 2 năm về trước, thì "vũ khí tối thượng" của Quang Hải là gì, để đưa tiền vệ người Đông Anh trở thành ngôi sao của giải đấu năm ấy, để rồi bật vọt lên thành ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam suốt hai năm qua?

Nó chính là thứ tạo nên sự khác biệt giữa chính những cầu thủ từng là niềm hi vọng lớn lao của bóng đá Việt Nam trong hành trình suốt hơn 2 năm qua, là sự khác biệt giữa Quang Hải với Công Phượng, giữa Văn Hậu, Tuấn Anh với Xuân Trường... và cũng là U23 Việt Nam 2 năm về trước với U23 Việt Nam hiện tại, dù đều được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo.

2. "Sự khác biệt giữa một cầu thủ giỏi với một tên tuổi vĩ đại trong bóng đá là khả năng dùng sự xuất sắc của mình để quyết định trận đấu, bên cạnh đó là khả năng lặp lại điều đó một cách thường xuyên", đấy chính là lời nhận xét của chuyên gia bóng đá châu Á - Gabriel Tan, về Quang Hải.

Không khó nhận ra sự xuất sắc đến từ những khoảnh khắc xuất thần của Quang Hải trong hành trình suốt 2 năm qua, tính từ VCK U23 châu Á 2018. Đáng nhớ nhất, có lẽ là cú "ngả bàn đèn" sát đất ghi bàn thắng duy nhất giúp đội tuyển Việt Nam có được chiến thắng trước Malaysia trên sân Mỹ Đình, và cú chuyền bóng "có mắt sau gáy" theo kiểu cầu mây cho Thanh Thịnh dẫn tới bàn ấn định tỷ số 4-0 cho U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan.

Trong khi đó, một cầu thủ khác, từng được đánh giá là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam - Công Phượng, lại đang tụt lùi thảm hại. Công Phượng càng đá, người hâm mộ lại càng có cảm giác anh dễ bị "bắt bài" hơn xưa rất nhiều. Nếu như ở Quang Hải, sự xuất thần là điều không khó để tìm ra, thì với Công Phượng, ấy là sự bất lực, dù được HLV Park Hang-seo dành cho không ít sự ưu ái.

Quang Hải ghi siêu phẩm tung lưới Malaysia

Sự khác biệt này cũng giống như giữa Tuấn Anh và Xuân Trường. Trở lại sau chấn thương, Tuấn Anh khiến người hâm mộ cũng như giới chuyên môn ngạc nhiên tột độ với phong độ đỉnh cao, và phong cách chơi bóng xuất thần, trong khi đó Xuân Trường sau VCK U23 châu Á 2018, lại tàn lụi dần cực kỳ đáng tiếc.

Ngày trở lại đội tuyển quốc gia, Tuấn Anh chơi bóng với phong cách khác hẳn những gì từng trình diễn trước khi dính chấn thương nặng. Thay vì chơi bóng theo phong cách "nghệ sỹ" như ngày nào, tiền vệ này chọn cách "đọc bài" đối phương, để triển khai lối chơi đánh chặn hiệu quả, cũng như thoát pressing tài tình.

Giống như Tuấn Anh, cả Văn Hậu lẫn Quang Hải đều cực kỳ đầu tư cho việc "đọc bài" đối phương, dù cho mình cầm bóng, hay đối phương đang cầm bóng. Từ đó, cùng trình độ của mình, Quang Hải khá dễ dàng tung ra những pha xử lý xuất thần với bóng, trong khi đó Văn Hậu cực kỳ tự tin trong tranh chấp, đánh chặn khi chọn vị trí tốt, đoán ý đồ của đối phương thành công, cũng như gây bất ngờ trong những pha dâng cao không chiến.

Văn Hậu - Bức tường bằng thép nơi hàng thủ U22 Việt Nam (nguồn: HTV)

Ngược lại, bước ra từ lứa U19 đình đám ngày nào, cả Công Phượng lẫn Xuân Trường vẫn giữ nguyên cách chơi bóng từng làm nên tên tuổi của mình, dựa vào kỹ thuật và kỹ năng tốt nhất của mình, không cần quan tâm đến khả năng và cách chơi của đối phương.

Ở đấu trường châu Á, Việt Nam hẳn nhiên chưa thể là đội bóng hàng đầu để có thể ép đối phương chơi theo cách mình muốn, cũng như đủ những cầu thủ lớn để đè bẹp đối phương. Điều đó đòi hỏi HLV Park Hang-seo phải có bằng được những nhân tố đột biến như Quang Hải, như Văn Hậu, như Tuấn Anh trong đội hình của mình.

Ở SEA Games 30, thiếu Quang Hải, Văn Hậu chính là nhân tố đột biến làm nên thành công của U22 Việt Nam ở trận chung kết với U22 Indonesia. VCK U23 châu Á lần này, Văn Hậu không còn trong đội hình của thầy Park, Quang Hải cũng mất đi yếu tố bất ngờ như đã từng có hai năm về trước.

 Thầy Park chưa tìm ra Văn Hậu mới, U23 Việt Nam chớ vội lạc quan! - Ảnh 4.

Trong đội hình U23 Việt Nam hiện tại, nếu Quang Hải bị "bắt bài" hay không đạt được phong độ cao nhất, khó có thể tìm ra được cái tên nào có thể là nhân tố đột biến, đem về bất ngờ cho đội nhà trước những đối thủ mạnh.

Hơn hai năm qua, HLV Park Hang-seo đã không ít lần khiến cả châu Á phải kinh ngạc vì tài điều binh khiển tướng, vì những "phép màu" làm nên kỳ tích cho bóng đá Việt Nam. Nhưng lần này, đứng trước giải đấu cực kỳ khắc nghiệt với phần thưởng là chiếc vé dự Olympic, e rằng sẽ rất khó để nhà cầm quân người Hàn Quốc tìm ra được một "Văn Hậu mới", để làm được cái điều như Văn Hậu từng làm ở trận ra quân hai năm về trước.

Gánh nặng giờ đây lại thêm lần đặt lên đôi vai Quang Hải. Vắng Văn Hậu, liệu ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại có "gánh" nổi không?

Theo Ngô Trà

Cùng chuyên mục
XEM