Thầy giáo ở Sài Gòn cùng học sinh biến chai nhựa thành đèn chiếu sáng cho những con hẻm nghèo

11/01/2017 21:03 PM | Sống

Dự án "Ánh sáng hạnh phúc" là một dự án ý nghĩa của thầy trò anh Phạm Thư Tùng, với mục đích đem lại ánh sáng cho những hộ gia đình nghèo trên địa bàn TP.HCM bằng những chiếc "đèn ve chai".

Biến chai nhựa bỏ đi thành những chiếc bóng đèn tiết kiệm điện, tại sao không nhỉ? Đối với những hộ gia đình nghèo thì việc có những chiếc đèn như thế sẽ giúp họ tiết kiệm được rất nhiều chi phí sinh hoạt và đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường. Dám nghĩ dám làm, thầy giáo trẻ Phạm Thư Tùng cùng các em học sinh trường THPT Ernst Thalmann đã chung tay lập nên một dự án ý nghĩa mang tên "Ánh sáng hạnh phúc" (Light Of Happiness) nhằm đem ánh sáng đến những con hẻm nghèo ở Sài Gòn.

Dự ánh Ánh sáng hạnh phúc biến những chai nhựa bỏ đi thành đèn chiếu sáng.
Dự ánh "Ánh sáng hạnh phúc" biến những chai nhựa bỏ đi thành đèn chiếu sáng.

Những chiếc "đèn ve chai" của thầy giáo Vật Lý

Thầy Phạm Thư Tùng (chủ nhiệm dự án) hiện là giáo viên giảng dạy bộ môn vật lý tại trường THPT Ernst Thalmann, anh cho biết mục đích ban đầu chỉ đơn thuần là mong muốn các em học sinh có được một môi trường thực hành sau khi tiếp thu các kiến thức trên lớp học. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện thì thầy và trò đều mong muốn sáng chế của mình có thể giúp ích được cho những người thật sự cần chúng.

Thầy Tùng cùng các em học sinh nghiên cứu chế tạo đèn trong phòng thí nghiệm của trường.
Thầy Tùng cùng các em học sinh nghiên cứu chế tạo đèn trong phòng thí nghiệm của trường.

Dự án hiện tại có hơn 50 thành viên trong đó có 45 em học sinh đang theo học từ lớp 10 đến lớp 12 của trường. Để chuyên nghiệp hoá công việc và giúp các em chuyên tâm hơn, thầy Tùng đã chia học sinh thành 5 nhóm theo đúng sở trường của bản thân, gồm: nhóm thi công (lắp sản phẩm thực tế), nhóm mô hình (thử nghiệm sản phẩm), nhóm điện tử (nghiên cứu đèn Led, pin mặt trời), nhóm design (thiết kế poster, Standee…), nhóm media (ghi lại tư liệu về dự án).

Chỉ dẫn từng chi tiết.
Chỉ dẫn từng chi tiết.

Các bạn gọi vui sản phẩm của mình là "đèn ve chai", bởi đèn được chế tạo từ những bình nhựa đã bỏ đi. Đèn Led được nối với một bộ pin mặt trời và ắc quy, sau đó để trong một ống nhựa kín (nhằm tránh tiếp xúc với nước), rồi đặt vào trong chai có chứa nước và dung dịch javen.

Các chai nhựa được vệ sinh trước khi đưa vào sử dụng.
Các chai nhựa được vệ sinh trước khi đưa vào sử dụng.

Ban ngày nhờ vào ánh sáng mặt trời, chiếc bình chứa nước sẽ truyền ánh sáng tự nhiên xuống nhà giúp ngôi nhà sáng hẳn mà không cần phải dùng đến đèn điện. Đồng thời pin mặt trời sẽ hấp thụ điện tích vào bình ắc quy để vào ban đêm người sử dụng chỉ cần bật công tắc là đèn Led sẽ phát sáng, ánh sáng của đèn không hề thua kém những chiếc đèn điện mà chúng ta vẫn đang sử dụng.

Ắc quy sẽ tích điện để thắp sáng đèn.
Ắc quy sẽ tích điện để thắp sáng đèn.

Thời gian đầu, gặp khá nhiều khó khăn do lịch học của các em dày đặc cộng thêm kinh nghiệm thực tế chưa nhiều nên thầy Tùng đã mất gần 1 tháng để giúp các học sinh của mình làm quen với công việc. Những sản phẩm ban đầu còn ngô nghê, nhiều sai sót, sau nhiều lần thử nghiệm cuối cùng "đèn ve chai" cũng đã hoàn thiện.

Các em học sinh lần đầu được tiếp xúc với công việc này.

Mang ánh sáng đến những con hẻm nghèo

"Rất nhiều thầy cô ái ngại việc tôi để học trò của mình leo lên những nóc nhà để lắp đặt đèn, hay trực tiếp lắp đặt các hệ thống điện... Tuy nhiên tôi rất tin vào khả năng của các em học sinh và tôi cũng mong rằng đây thật sự là một trải nghiệm tốt đối với những kiến thức mà các em đã được học ở trường" - thầy Tùng chia sẻ.

Việc phải leo lên mái nhà để thi công khiến không ít người lo ngại, tuy nhiên các em đều thực hiện rất chuyên nghiệp.
Việc phải leo lên mái nhà để thi công khiến không ít người lo ngại, tuy nhiên các em đều thực hiện rất chuyên nghiệp.

Sau nhiều lần lắp đặt thử nghiệm trong trường, thầy trò anh Tùng tự tin nghĩ đến việc tìm đến các khu ổ chuột để lắp đặt đèn miễn phí cho người dân. "Khi nghĩ đến chuyện này tụi em thật sự lo lắng. Lo lắng vì tụi em còn nhỏ, có thể mọi người sẽ không tin tưởng, không chấp nhận để tụi em leo trèo lên mái nhà, đục khoét mái tôn, câu dây điện, hoặc sau khi làm xong mọi người sẽ không vừa ý chẳng hạn" - bạn Nhật Quang (thành viên của dự án) chia sẻ.

Kể cả các bạn nữ cũng rất nhiệt tình trong công đoạn thi công.
Kể cả các bạn nữ cũng rất nhiệt tình trong công đoạn thi công.

Trái với những lo lắng đó, khi thầy Tùng cùng học sinh của mình tìm đến khu ổ chuột tại cầu Tám Nó (quận 8), các hộ dân đều tỏ ra rất hứng thú và ủng hộ công việc của các bạn. Tuy nhiên vì kinh phí của thầy trò còn hạn hẹp, thế nên trong lần lắp đặt này, nhóm chỉ lắp được 3 cái đèn cho 1 hộ, 1 đèn ở bàn học và 2 đèn dọc con hẻm.

Mọi công đoạn đều do các em tự tay thực hiện.
Mọi công đoạn đều do các em tự tay thực hiện.
Những chiếc đèn đầu tiên đã được lắp đặt.
Những chiếc đèn đầu tiên đã được lắp đặt.

"Ánh nắng mặt trời chói xuống sáng sủa trong nhà. Không nóng như đèn điện, thoải mái. Đỡ lắm á, cảm ơn Thầy Tùng với học sinh giúp chúng tôi" - cô Ba mừng rỡ cảm ơn cả nhóm.

Nụ cười của các em nhỏ, những cái ôm ấm áp cũng như những lời cảm ơn chân thành của bà con trong xóm thật sự là nguồn động lực to lớn để thầy trò anh Tùng mong muốn chia sẻ công nghệ này đến nhiều nơi, để nhiều người được giúp đỡ hơn nữa. Tôi gọi họ là những người trẻ tử tế, vì họ đã và đang đem kiến thức, tình yêu thương của mình để san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Niềm vui của người dân là động lực giúp các bạn trẻ quên đi những khó khăn.

Mọi hỗ trợ dự án xin liên hệ qua địa chỉ Email:

anhsanghanhphuctlm@gmail.com

Cùng chuyên mục
XEM