Thầy giáo ở Hà Nội phân chia mức độ khó trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6

27/02/2023 10:35 AM | Sống

Độ khó ở đây bao gồm các yếu tố tổng hòa giữa tỉ lệ chọi, số lượng câu hỏi mỗi môn và thời gian để giải quyết các câu hỏi đó.

Tuyển sinh vào các trường công lập chất lượng cao (CLC) luôn là mối quan tâm của đông đảo phụ huynh có con vào lớp 6, vì chỉ tiêu có hạn mà nhu cầu dự tuyển quá nhiều. Phần lớn phụ huynh đều mang tâm lý muốn gửi gắm con em mình vào một môi trường học tập tốt nhất. Do đó, mức độ cạnh tranh ngày càng tăng.

Theo thầy giáo môn Toán Trần Nhật Minh, tác giả cuốn sách "Các dạng bài và đề ôn thi vào lớp 6 CLC", thi vào lớp 6 cũng như thi vào cấp 3, thi Đại học, có những nhóm trường có mức độ cao hơn hẳn và có những trường ở mức độ tương đối. Độ khó ở đây bao gồm các yếu tố tổng hòa giữa tỉ lệ chọi, số lượng câu hỏi mỗi môn và thời gian để giải quyết các câu hỏi đó.

Phân chia mức độ khó trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 - Ảnh 1.

Thầy giáo Trần Nhật Minh, tác giả sách "Các dạng bài và đề ôn thi vào lớp 6 CLC"

Thầy Minh đưa ra những nhận xét, đánh giá về mức độ thi của các trường phổ biến để các phụ huynh tham khảo.

1. Ở vị trí dẫn đầu không khó để biết đó là Trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam (trường Ams). Không nói đến tình huống xét tuyển bất đắc dĩ ở năm ngoái, đề thi tuyển của Ams luôn là một thách thức đồng thời cả ở số lượng bài, độ khó từng bài và thời gian để làm. Đó là chưa kể vòng lọc hồ sơ rất gắt gao. Tuy nhiên dù lọc hồ sơ rồi thì thực tế kết quả thi của Ams phổ điểm rất thấp, trên 70% điểm Toán dưới trung bình và điểm 1, 2 thì rất nhiều.

2. Ở vị trí tiếp theo đó chính là THCS Ngoại ngữ. Dù là trường thi ưu tiên điểm tiếng Anh (hệ số 2) nhưng các bài Toán của trường Ngoại ngữ có độ khó và lắt léo cao, chỉ sau Ams. Nên bạn nào quá tập trung vào tiếng Anh thì rất dễ bỏ trắng phần Toán. Thêm nữa là đề tiếng Anh thi vào trường như một số giáo viên nhận xét là dài và khó không thua gì đề thi cho lớp 9, chưa kể tỉ lệ chọi lúc nào cũng ở mức ngất ngưởng.

3. Tiếp theo là mức độ thi vào lớp chọn của THCS Archimedes và THCS Ngôi Sao, có thể coi là tương đương nhau và đề cũng khá “xương”. Ngoài ra vì 2 trường này thường thi sớm hơn hẳn nên thời gian ôn luyện của học sinh bị thu hẹp, dẫn đến nhiều dạng bài, kỹ năng chưa kịp thuần thục đã phải bước vào kỳ thi.

4. Tiếp theo, đó là THCS Nguyễn Tất Thành và THCS chất lượng cao (CLC) Cầu Giấy. Thường thì mọi người vẫn đánh giá CLC Cầu Giấy nhỉnh hơn, nhưng đó có thể là quá trình về sau, còn nói về thi thì mức độ thi của 2 trường trong những năm gần đây có thể coi là tương đương. Đề khi không quá khó, không đánh đố nhưng lượng kiến thức phủ đều, đòi hỏi học sinh phải rất chắc kiến thức và tốt về kỹ năng.

5. Vị trí tiếp theo thầy Minh cho rằng đó là đề của THCS Lương Thế Vinh, CLC Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm. Đề thi các trường này đa số là các câu hỏi vừa sức, cả đề có khoảng 1-2 ý là nâng cao hơn để phân loại. Cái khó khăn là phải có sự phân bổ thời gian hợp lý do số lượng câu hỏi không phải là ít.

6. Tiếp nữa là nhóm trường tư như Lomonoxop, Marie Curie, Lê Quý Đôn... Nhìn chung nắm vững cơ bản và rèn thêm về kỹ năng làm bài là có thể làm ổn những đề này.

Thầy Minh lưu ý: Mức độ khó hay không khó là dựa trên mặt bằng phổ thông chung và đặt trong tình huống học sinh có sự ôn tập bài bản, chuẩn chỉ. Vì có những bạn siêu sao "nhạc nào cũng nhảy" thì thi gì đều đơn giản, còn những học sinh kiểu cưỡi ngựa xem hoa, nước đến chân mới nhảy, đi học "bừa phứa" cho có thì rõ ràng là thi gì vẫn là khó mà thôi.

Trong giai đoạn ôn thi nước rút, thầy Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là giữ được sự ổn định phong độ và ôn luyện thật kỹ các dạng bài căn bản, trọng tâm. Việc cố nhồi nhét hay sa đà vào học các bài quá khó, quá đánh đố hay học mẹo là điều nên hạn chế. Thời điểm này các học sinh đã ở ngưỡng giới hạn kiến thức nên cố ép thêm bài vở với mong muốn "giỏi" hơn là không cần thiết và không hiệu quả. 

"Chúng ta cần hiểu rằng, những bài khó nhất trong đề thi không phải là bài mang tính quyết định đỗ hay trượt, và số lượng học sinh có thể làm được cũng rất ít, thậm chí có năm không có học sinh nào làm đúng được bài cuối trong đề thi của một trường chuyên. 

Vậy điều nên làm trong giai đoạn này chính là ôn luyện và củng cố lại thật chắc chắn các dạng bài trọng điểm thường gặp, đồng thời rèn các kỹ năng cần thiết trong việc làm một đề thi tổng hợp và cách tối ưu thời gian. Ai ôn luyện kỹ hơn, thao tác tay cẩn thận hơn, sử dụng thời gian giới hạn tốt hơn mới là những người có lợi thế lớn nhất", thầy Minh chia sẻ.

Theo Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
XEM