Thấy gì đằng sau quyết định 'bom tấn' của quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán chính thức?

10/06/2021 14:21 PM | Kinh doanh

Kế hoạch của El Salvador có thể trả lời cho câu hỏi liệu Bitcoin có thể hoạt động trong thế giới thực, với những giao dịch bình thường như mua bán và chuyển tiền hay không?

Kể từ khi Bitcoin ra mắt với tư cách là đồng tiền số đầu tiên trên thế giới, những người ủng hộ đã rất tự tin về tiềm lực của nó trong việc nâng cấp hệ thống tài chính và thay đổi bản chất của tiền tệ. Tuy nhiên, một câu hỏi đơn giản vẫn chưa có lời giải, liệu Bitcoin có thể hoạt động trong thế giới thực, với những giao dịch bình thường như mua bán và chuyển tiền hay không?

Thông báo gần đây nhất của El Salvador – quốc gia Trung Mỹ, về việc đưa Bitcoin làm tiền pháp danh có thể sẽ là câu trả lời.

1. El Salvador đã làm gì?

Vị Tổng thống 39 tuổi - Nayib Bukele, đã được Quốc hội "bật đèn xanh" cho kế hoạch đưa El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng Bitcoin làm tiền pháp danh. Theo dự luật, người dân nước này có thể trả thuế bằng Bitcoin và các "đại diện kinh tế" sẽ có nghĩa vụ chấp nhận Bitcoin như một khoản thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ. Đồng USD sẽ tiếp tục lưu hành cùng Bitcoin, vẫn đóng vai trò là đồng tiền tệ quốc gia của El Salvador.

2. Bitcoin sẽ hoạt động như thế nào dưới dạng tiền pháp danh?

Có rất nhiều điều chưa rõ ràng. Về lý thuyết, Bitcoin sẽ tạo ra một kênh thanh toán song song với đồng USD. Giá cả có thể được niêm yết bằng Bitcoin và các sàn giao dịch sử dụng đồng tiền này có thể sẽ được miễn thuế lợi vốn. Dự luật được Quốc hội thông qua kêu gọi thành lập một quỹ được sử dụng để đảm bảo khả năng chuyển đổi Bitcoin thành USD.

3. Mục đích đằng sau động thái này là gì?

Tại El Salvador, kiều hối chiếm khoảng 20% GDP và chủ yếu đến từ những công dân làm việc tại Mỹ. Ông Bukele cho biết, phần lớn trong số những giao dịch này đều chịu phí chuyển khoản – yếu tố mà Bitcoin có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực.

Thấy gì đằng sau quyết định bom tấn của quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán chính thức? - Ảnh 1.

El Salvador là một nền kinh tế được gọi là đô la hóa, có nghĩa là những quyết định tài chính, tiền tệ của chính phủ Mỹ và Fed sẽ mang đến tác động to lớn với họ. Việc áp dụng Bitcoin làm đồng tiền tệ chính thức sẽ giúp quốc gia này độc lập hơn.

4. Bitcoin sẽ hỗ trợ El Salvador như thế nào?

Trong dự luật, ông Bukele cho biết El Salvador có thể trở thành một trung tâm khai thác Bitcoin. Chia sẻ trên Twitter, ông nói rằng, nếu chỉ 1% giá trị nổi bật của Bitcoin được đưa đến El Salvador thì điều đó sẽ thúc đẩy GDP của quốc gia lên 25%. Dẫu vậy, ông chưa nói rõ cơ chế nào có thể làm được như vậy.

5. Liệu El Salvador có thành công?

Hoạt động khai thác Bitcoin đã bị chỉ trích ngày càng nhiều về việc sử dụng điện với khối lượng lớn và khả năng gây ô nhiễm. Ông Bukele cho hay: "Tôi vừa đưa ra chỉ thị cho chủ tịch của @LaGeoSV (công ty điện địa nhiệt thuộc sở hữu nhà nước) lên kế hoạch cung cấp các phương tiện khai thác Bitcoin với giá rất rẻ, 100% sạch, 100% có thể tái tạo và 0 có phát thải năng lượng."

Dù kế hoạch có hiệu quả hay không, động thái này chắc chắn sẽ hỗ trợ cho nỗ lực của ông Bukele trong việc thể hiện là một nhà lãnh đạo Mỹ Latinh kiểu mới. Ngoài việc ủng hộ Bitcoin, ông còn thường kết nối với mọi người qua Twitter, có sở thích lướt sóng và đội mũ bóng chày.

6. Tại sao đây lại là một thử nghiệm mới lạ?

Bitcoin đã được sử dụng để giao dịch ở một số địa điểm. Ví dụ, đồng tiền này số này đã được sử dụng không chính thức ở một số vùng tại El Salvador, cụ thể là thị trấn gần biển El Zonte – nơi có 2 máy ATM Bitcoin và có hơn 30 doanh nghiệp đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.

Thấy gì đằng sau quyết định bom tấn của quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán chính thức? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, sự biến động của giá Bitcoin lại khiến nhiều người e ngại. Kể từ giữa tháng 4 đến nay, đồng tiền này đã mất gần 1 nửa giá trị. Do đó, nhiều doanh nghiệp không muốn chấp nhận Bitcoin làm công cụ thanh toán vì họ không muốn thấy một đồng tiền tệ có giá trị thấp hơn vào ngày mai, dù mức giá có thể tăng cao hơn.

7. Kế hoạch này có những rủi ro nào khác?

Các đồng tiền số thường nổi tiếng với những vụ tấn công mạng và Bitcoin có thể bị "mất" khi người dùng đặt nhầm mã xác định họ là chủ sở hữu. Việc áp dụng rộng rãi cũng có thể đưa El Salvador trở thành thiên đường thuế, hay nói cách khách là "thiên đường rửa tiền".

Ngoài ra, nếu quốc gia này thu hút những "cá voi" Bitcoin chuyển tiền đến, thì những đợt bùng nổ mà Bitcoin thường xuyên trải qua có thể gây hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế 27 tỷ USD.

8. Liệu có quốc gia nào đang làm điều tương tự?

Không hẳn vậy. Nhiều NHTW đang phát triển các loại tiền số của riêng họ. Tuy nhiên, những đồng tiền này khác xa với những đồng tiền như Bitcoin – nơi chủ sở hữu độc lập với chính phủ. Ví dụ, đồng Sand Dollar của Bahama chỉ đơn giản là một "nhánh" của đồng đô la Bahamas và được định giá 1: 1 với đồng đô la Bahamas.

9. Điều gì đã thúc đẩy El Salvador làm điều này?

Năm ngoái, nền kinh tế nước này đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong 4 thập kỷ, khi thâm hụt tài khóa tăng lên hơn 10% GDP do các biện pháp phong tỏa ngăn chặn đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Điều này khiến chính phủ buộc phải tìm kiếm nguồn tài trợ mới. Bộ Tài chính đang đàm phán với IMF về một quỹ hỗ trợ mở rộng trị giá 1,3 tỷ USD, nhằm giúp đáp ứng nhu cầu trong năm nay, nhưng cuộc đàm phán bị đình trệ.

Ông Bukele đã đặt niềm tin vào các chính sách an ninh của mình nhằm giảm thiểu các vụ giết người. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao gấp 4 lần Mỹ. Hơn nữa, mối quan hệ giữa ông Bukele và chính phủ Mỹ đã trở nên căng thẳng do ông ngược đã các tù nhân và đảng của ông sa thải các thẩm phán tòa án, cùng một tổng chưởng lý chống tham nhũng.

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM