Thay đổi tư duy để đối mặt với cảm giác bị chối bỏ

18/04/2016 19:40 PM | Sống

Chúng ta đều hiểu cảm giác bị chối bỏ. Đây là điều mà ai trên thế giới cũng phải trải qua (và tất cả chúng ta đều không thích thú gì), tuy nhiên cách mỗi người trải nghiệm lại khác nhau.

Hầu hết mọi người đều làm khá tốt việc tiếp tục cuộc sống bình thường, thậm chí còn tốt hơn họ tưởng tượng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc bị chối bỏ gây tổn thương nhiều hơn chúng ta nghĩ, đặc biệt là khi phản ứng tức thì của chúng ta là trở nên khắt khe với bản thân hơn.

Vậy thì điều gì khiến một người kiên cường hơn người khác khi đối mặt với việc bị từ chối?

Đây là một chủ đề phổ biến trong tâm lý học, các nhà nghiên cứu đã khảo sát nhiều yếu tố cấu thành, chẳng hạn như các kiểu quan hệ xã hội, cơ chế phản ứng và các mức độ của lòng tự trọng.

Tuy nhiên Lauren Howe - sinh viên tiến sĩ khoa tâm lý học xã hội tại Đại học Stanford đã tiến hành nghiên cứu với mong muốn hiểu được nguyên nhân tại sao một số người thay đổi cách nhìn nhận bản thân sau khi bị từ chối, đồng thời xu hướng này khác biệt thế nào giữa những người hồi phục sau một thời gian và những người tiếp tục nhấn chìm bản thân trong cảm giác đó.

Khi cô biết rằng giáo sư của mình - nhà tâm lý học Carol Dweck cũng quan tâm tới chủ đề đó, cả hai bắt đầu tìm hiểu những cơ chế tâm lý khiến con người có xu hướng liên hệ việc bị chối bỏ với bản thân, điều này khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn một cách trông thấy.

Dweck được biết tới nhiều nhất qua công trình nghiên cứu về lý thuyết tính cách tiềm ẩn. Lý thuyết này cho rằng con người sở hữu tư duy mở (họ tin rằng tính cách con người có tính dẻo) hoặc tư duy đóng (tính cách không thay đổi). Nghiên cứu trước đó của cô đã khám phá ra rằng con người với tư duy đóng (còn được gọi là các nhà lý luận thực thể) mắc căn bệnh kinh niên là thích phán xét bản thân và có xu hướng nhìn nhận những kết quả đạt được là bằng chứng về con người và khả năng của mình.

Ví dụ, việc bị điểm kém trong một bài kiểm tra khiến họ cho rằng mình không thông minh. Những người với tư duy mở (các nhà lý luận gia tăng) không xem các kết quả đạt được là bằng chứng về con người mình mà là cơ sở cho biết mình có thể cải thiện điều gì trong tương lai và những thử thách nào mình sẽ có khả năng vượt qua.

Bị từ chối trong tình cảm

Howe và Dweck đã thực hiện một loạt các nghiên cứu về việc liệu một mô hình tư duy có luôn đúng khi một người trải qua cảm giác bị chối bỏ không. Hãy tập trung vào việc bị chối bỏ trong quan hệ tình cảm, điều này có thể gây ra những suy nghĩ rất tiêu cực về bản thân.

Các nhà nghiên cứu dự báo rằng những người có tư duy đóng sẽ xem việc bị chối bỏ như một bằng chứng cho thấy bản thân họ có khuyết điểm hoặc không ai ưa. Họ dự đoán những người này sẽ bắt đầu đặt câu hỏi bản thân là ai, rồi mang mớ cảm xúc hổ lốn này theo và trì hoãn sự hồi phục về mặt cảm xúc.

Trong khi những người có tư duy mở sẽ không nghĩ rằng trải nghiệm này phản ánh giá trị của họ. Những nghiên cứu mới được công bố trong Tập san Tính cách và Tâm lý Xã hội.

Trong nghiên cứu đầu tiên, họ tuyển 194 người tham gia qua dịch vụ web Amazon’s Mechanical Turk. Các nhà nghiên cứu đánh giá tư duy con người bằng việc chú ý xem mức độ đồng tình của họ với những phát ngôn như “Bất kỳ ai cũng có thể thay đổi những cá tính cơ bản của mình một cách rõ rệt”“Việc bạn là kiểu người nào là một điều rất cơ bản về bản thân bạn, và điều đó không thể bị thay đổi quá nhiều”.

Các nhà nghiên cứu sử dụng một thang đo nhất quán nên họ sẽ không phân chia các đối tượng thành 2 nhóm dựa trên quan điểm của các cá nhân. Qua tất cả các nghiên cứu, có những người đồng tình nhiều hơn với quan điểm tăng thêm và số khác đồng ý với quan điểm thực thể về tư duy.

Sau đó các nhà nghiên cứu yêu cầu mọi người nhớ lại một trải nghiệm bị chối bỏ trong quan hệ tình cảm, tiếp đó họ được yêu cầu phản ứng với một chuỗi các mô tả về trải nghiệm đó cùng với ảnh hưởng của nó. Họ kiểm soát thời điểm xảy ra và mức độ nghiêm trọng của trải nghiệm đó, cũng như hiện tại những người tham gia có đang trong một mối quan hệ tình cảm nào không.

Họ nhận thấy rằng những người tham gia có tư duy đóng sẽ có xu hướng cho rằng mình đã làm gì đó sai. So sánh với những người có tư duy mở hơn, họ trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực hơn, như sự hổ thẹn, xấu hổ, giận dữ, và thất vọng. Họ cũng đồng tình một cách mạnh mẽ hơn rằng việc nhắc đến quá khứ sẽ làm hỏng những mối quan hệ mới, thậm chí cả khi việc bị chối bỏ đã xảy ra cách đây tới 5 năm.

Các nhà nghiên cứu tiến hành một nghiên cứu thứ hai để đo lường chính xác hơn về việc liệu trải nghiệm bị chối bỏ có thực sự thay đổi cách mà những người có tư duy đóng nhìn nhận bản thân mình không.

Họ xem xét mọi người cảm thấy thế nào khi nhìn lại quá khứ (“Tôi cảm thấy khá tệ về bản thân khi tôi nghĩ lại việc từng bị người đó từ chối”; “Đôi khi tôi thấy buồn mỗi khi nhớ đến người đó”) và liệu mọi người có sợ điều đó lại xảy ra lần nữa không (“Tận sâu thẳm, tôi thường hay lo rằng tôi có thể sẽ không tìm được ai thực lòng yêu mình nữa”; “tôi tự xây lên những bức tường để bảo vệ bản thân mình trong những mối quan hệ mới”).

Cũng như với nghiên cứu đầu tiên, họ nhận thấy rằng sau khi bị từ chối, những người được chứng minh có tư duy đóng cảm thấy tồi tệ hơn về cuộc sống nói chung và về bản thân họ nói riêng. Những quan điểm mạnh mẽ hơn về việc cá tính là cố định cũng cho thấy cảm giác sợ hãi bị từ chối một lần nữa và đau khổ nhiều hơn mỗi lần nhớ lại. Những người này nhìn chung đã không học được những bài học tích cực từ trải nghiệm đó; họ đơn giản chỉ ước rằng điều đó chưa bao giờ xảy ra.

Từ chối theo cách tiêu cực

Một nghiên cứu thứ ba bao gồm một câu hỏi mở trong bài luận: “Bạn học được điều gì từ trải nghiệm bị từ chối này?”. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng những người có tư duy đóng có giọng điệu tiêu cực hơn trong các phản hồi và bi quan hơn về những mối quan hệ trong tương lai.

Mỗi một thử nghiệm đặt ra một câu hỏi rằng phải chăng những ảnh hưởng này chỉ xuất hiện ở những trường hợp mà người ta có thể nhớ được hay không? Vậy là Howe và Dweck tiến hành một nghiên cứu khác để loại bỏ khả năng đó. Họ yêu cầu người tham gia phản ứng lại một trong hai giả thuyết, hai trải nghiệm bị từ chối, một có vẻ nhẹ nhàng và một nghiêm trọng hơn. Một nhóm được yêu cầu tưởng tượng về phản ứng của mình khi gặp một người ở một bữa tiệc, cảm thấy “bị thu hút”, và rồi nghe người đó nói với một người khác rằng họ không hứng thú. Nhóm khác phải tưởng tượng người yêu đã vài năm đột nhiên bỏ họ sau một trận cãi vã.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong khi con người nói chung phản ứng một cách tiêu cực hơn khi bị từ chối ở mức độ nghiêm trọng hơn, trong cả hai trường hợp, người có tư duy đóng phản ứng gay gắt hơn người có tư duy mở.

“Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những khác biệt đã xuất hiện trong những điều kiện nhỏ hơn,” Howe cho tôi biết. “Một lý do cho điều đó có thể là nếu ai đó từ chối khi thậm chí còn chẳng chịu hiểu bạn trước, bạn có thể sẽ băn khoăn liệu có một số đặc điểm rõ rệt nào ở bạn mà khiến người ta không thích tới mức khiến một người lạ phải thốt lên, “Không, không, cảm ơn nhưng tôi không có hứng thú.”

Do những phát hiện này có tương quan với nhau, Howe và Dweck đã thực hiện nghiên cứu thứ năm để cố gắng thiết lập một quan hệ nhân quả. Họ yêu cầu 121 đối tượng chấp nhận một tư duy nhất định rồi sau đó giả định trải nghiệm bị từ chối: Một nhóm đọc các bài báo mô tả những đặc điểm tính cách có vẻ như sẽ không thay đổi sau giai đoạn trưởng thành (ví dụ: “3 yếu tố quan trọng định hình bạn là ai”); nhóm thứ hai đọc về việc những đặc điểm này luôn có thể thay đổi như thế nào (“3 cách thức chủ chốt định hình bạn là ai”)

Bạn có lẽ sẽ đoán được kết quả. Những người được yêu cầu chấp nhận tư duy đóng thì lo lắng nhiều hơn về việc giả định bị từ chối có thay đổi cách họ và những người khác nhìn nhận bản thân họ không. Kết quả là họ cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân và nghĩ việc bị từ chối có thể sẽ xảy ra lần nữa. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là dấu hiệu về mối quan hệ nhân quả rằng kể cả việc bị ép phải chấp nhận quan điểm rằng đặc điểm tính cách là cố định có thể khiến việc hồi phục sau khi bị từ chối trở nên khó khăn hơn.

Hai điểm khác cũng rất đáng chú ý từ nghiên cứu. Thứ nhất, có lẽ khá ngạc nhiên, không có hiệu ứng giới tính nhất quán nào xuất hiện xuyên suốt các thử nghiệm. Thứ hai, sự thoả mãn trong cuộc sống không có tương quan với những lý thuyết tiềm ẩn và lòng tự trọng, cho thấy rằng nhìn chung những người có tư duy đóng không có thái độ bất mãn hơn những người khác.

Tất nhiên, việc bị từ chối trong chuyện tình cảm chỉ là một vấn đề, nhưng liệu những kết luận này có thể áp dụng được cho những trường hợp khác như trong sự nghiệp và các quan hệ xã hội? Howe chia sẻ họ đã nghĩ rằng những kết quả này có thể được phổ biến rộng hơn, có lẽ ở những loại hình quan hệ xã hội khác (với bạn bè và gia đình), nhưng họ sẽ phải tiến hành những nghiên cứu thực tế khác trong những lĩnh vực này để biết chắc chắn.

“Hãy tưởng tượng bạn bị từ chối một công việc mà bạn thực sự yêu thích. Bạn có thể sẽ bắt đầu tự hỏi bản thân, “Mình còn thiếu những kỹ năng gì? Điều gì sẽ khiến mình trở thành một nhân viên tồi? Mình nghĩ mình rất phù hợp với vị trí này, nhưng có vẻ là mình đã sai. Điều này nói lên cái gì về con người mình?””, Howe cho biết. “Tôi nghĩ việc bị chối bỏ trong trường hợp nào thì cũng tương tự nhau, nhưng chúng tôi cần thêm nghiên cứu để khẳng định điều đó.”

Cũng không rõ rằng liệu tư duy của con người có thay đổi không. Một số nghiên cứu cho thấy điều này phụ thuộc vào các yếu tố cụ thể, vì thế bạn có thể có một lý thuyết cố định về trí tuệ và một lý thuyết mở về tính cách. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm cách thức để con người phát triển những tư duy này.

Tuy nhiên điều quan trọng cần nhớ là có vẻ như con người có khả năng thay đổi cách nhìn nhận về những đặc điểm tính cách, như nghiên cứu thứ 5 đã chứng minh. “Tôi nghĩ nhiều người trong số chúng ta có bản năng tự vấn bản thân khi đối mặt với trải nghiệm bị từ chối,” Howe cho biết, “nhưng tốt hơn là nên dừng lại và nghĩ rằng sự việc đã xảy ra chẳng nói lên điều gì về chúng ta. Có những yếu tố thuộc về hoàn cảnh đã dẫn đến kết quả này? Điều gì đã xảy ra tại thời điểm đó? Điều gì đã xảy ra với người kia?”

Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM