Thâu tóm HTC là bước đi giúp Google đánh bại Samsung và Apple
Google vẫn còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, công nghệ, bằng sáng chế và thương hiệu để có thể trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.
Google đã quyết định đặt cược vào một canh bạc lớn, khi ra mắt chiếc smartphone Pixel của riêng mình và thể hiện tham vọng muốn lấy lại quyền kiểm soát của hệ điều hành Android. Đó là một quyết định đầy rủi ro nhưng cũng rất khôn ngoan của Google.
Rủi ro là vì nếu biến Android thành một hệ sinh thái khép kín, Google sẽ đánh mất rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Đó chính là những khách hàng của các hãng smartphone Android trên toàn thế giới. Chính việc mở rộng hệ điều hành Android, đã giúp Google có được số lượng người dùng dịch vụ rất lớn, vượt trội cả Apple.
Thế nhưng các nhà sản xuất smartphone lại đang muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Google. Liên minh Châu Âu cũng xem xét việc cấm Google ép buộc các nhà sản xuất cài đặt sẵn ứng dụng và dịch vụ. Vì vậy mà gã khổng lồ đã có một nước cờ cao tay hơn, đó là ra mắt chiếc điện thoại Pixel.
Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ, nếu như Google thực sự muốn đi theo con đường của Apple. Tức là từ một nhà cung cấp dịch vụ internet và phần mềm, trở thành một nhà sản xuất và kinh doanh phần cứng. Hiện tại doanh thu của Apple đến từ việc bán iPhone là chủ yếu, chứ không phải từ các dịch vụ.
Google có tiếng nhưng không có miếng
Google mang tiếng là tự sản xuất smartphone Pixel, nhưng trên thực tế khâu sản xuất linh kiện và lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh là do HTC thực hiện. Google chỉ thiết kế phần cứng, sau đó thuê dây chuyền của HTC để sản xuất.
Để có thể trở thành một nhà sản xuất và kinh doanh thiết bị phần cứng, Google sẽ cần phải sở hữu một dây chuyền sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận thu được từ việc bán sản phẩm. Bên cạnh đó, Google cần phải sở hữu rất nhiều bằng sáng chế liên quan đến thiết bị phần cứng, nếu như không muốn các hãng khác kiện vì vi phạm bản quyền bằng sáng chế.
Google có thể làm tất cả những điều đó bằng cách thuê HTC, nhưng đây không phải là một chiến lược dài hạn hợp lý. Vì vậy mà quyết định thâu tóm HTC sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho Google trong tương lai, giúp tối đa hóa lợi nhuận từ việc sản xuất và bán smartphone.
Google không có kinh nghiệm sản xuất smartphone
Mặc dù Google đã từng hợp tác với nhiều nhà sản xuất khác để ra mắt những chiếc smartphone Nexus. Nhưng Google chỉ đảm nhiệm mảng phần mềm và không liên quan tới việc nghiên cứu, phát triển phần cứng.
Vì vậy mà gã khổng lồ này vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất phần cứng smartphone. Bằng chứng có thể thấy rõ là việc Pixel không có nhiều tính năng phần cứng nổi bật, chúng ta chỉ thấy những công nghệ cũ mà các hãng khác đã sử dụng.
Thậm chí Pixel còn không có camera kép, chỉ có khả năng chống nước IP53 vô dụng, hiệu năng phần cứng với chip Snapdragon 821 không thực sự ấn tượng. Tất cả đều chứng minh rằng Google khá tệ trong việc thiết kế và sản xuất phần cứng.
Cũng có thể do đây là sản phẩm đầu tay, nhưng nếu như không đầu tư vào R&D thì Google vẫn sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Trong khi các hãng smartphone khác liên tục quảng cáo các tính năng nổi trội như camera kép, chống nước, bảo mật mống mắt …
Trong khi đó, HTC là một nhà sản xuất smartphone có nhiều kinh nghiệm, sở hữu dây chuyền sản xuất được đánh giá cao và cũng sở hữu không ít bằng sáng chế, công nghệ mới liên quan đến smartphone.
Bằng cách mua lại HTC, Google có thể tiết kiệm chi phí R&D và rút ngắn giai đoạn của mình. Một nước đi lợi cả đôi ba đường.
Google không có thương hiệu
Phải thừa nhận rằng Google là cái tên mà ai cũng biết, là một trong những thương hiệu hàng đầu trên thế giới. Nhưng trên thị trường smartphone, thương hiệu Google chỉ được biết đến là đối tác phát triển dòng Nexus, lại còn là đối tác phát triển phần mềm.
Không giống với Apple, Samsung hay thậm chí là Sony, Xiaomi, Huawei, LG hay HTC. Đó là những thương hiệu smartphone đã được khẳng định và biết đến trên toàn thế giới. Còn smartphone Google, vẫn là một cái tên còn quá mới để người tiêu dùng tin tưởng.
Việc sở hữu thương hiệu HTC có thể giúp người tiêu dùng cảm thấy quen thuộc và an tâm hơn. Bởi không phải ai cũng là chuyên gia về công nghệ, không phải ai cũng đọc tường tận các bài review trên các diễn đàn. Đôi khi thứ họ quan tâm chỉ là một thương hiệu uy tín.
HTC là một đối tác tốt và cũng là một món hời lớn
Tại sao Google lại nên quan tâm tới HTC mà không phải là một hãng smartphone nào khác? Có nhiều lý do, mà trong đó phải kể đến việc cả 2 công ty này đã từng hợp tác với nhau trong dự án Nexus.
Bên cạnh đó thì HTC cũng đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc kinh doanh smartphone. Khi mà thị phần cao cấp không thể cạnh tranh được với Apple và Samsung, trong khi phân khúc tầm trung bị các hãng smartphone Trung Quốc đe dọa. Đến mức HTC phải đi gia công và sản xuất cho các hãng smartphone khác.
Chính vì vậy mà đây là thời điểm thích hợp để Google thâu tóm đối tác của mình. Đó sẽ là quyết định có lợi cho cả 2 bên, bởi HTC thì cần tiền còn Google thì cần tất cả mọi thứ HTC có.
Tất nhiên đó chỉ là giả thuyết được chúng ta đặt ra, dựa trên những lợi ích mà Google sẽ có được nếu như thâu tóm HTC. Còn trên thực tế, gã khổng lồ này vẫn chưa để lộ bất kỳ tham vọng nào của mình.