Thanh toán thông minh tại Việt Nam: tiềm năng và thách thức

17/10/2017 09:27 AM | Công nghệ

Sự phát triển của các hình thức thanh toán thông minh đóng vai trò không hề nhỏ trong ngành du lịch nước nhà mà còn hứa hẹn thay đổi cục diện nền kinh tế, tài chính Việt Nam theo chiều hướng tích cực.

Theo kết quả khảo sát của Mastercard được đưa ra tại sự kiện Innovation Forum 2017 diễn ra tại Singapore vừa qua, Việt Nam đã vươn lên Top 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Theo đó, Hà Nội được xếp hạng 7 về mức độ tăng trưởng lượng du khách từ 2009 tới 2016 với tỉ lệ đạt 17,7%.

Mức tăng trưởng này không chỉ đem lại sự thay đổi tích cực không chỉ cho ngành du lịch nước nhà mà còn hứa hẹn thay đổi cục diện nền kinh tế, tài chính Việt Nam theo chiều hướng tích cực. Trong đó, sự phát triển của các hình thức thanh toán thông minh đóng vai trò không hề nhỏ.

Thẻ tín dụng có tính năng thanh toán chạm

Công nghệ payWave của Visa và PayPass của Mastercard đã không còn quá xa lạ với người dùng thẻ tín dụng quốc tệ, nhưng vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Giải pháp đến từ Mastercard đã được ứng dụng từ năm 2013 trong khi một số ngân hàng cũng đã phát hành thẻ Visa tích hợp payWave.

Cả hai công nghệ này dù giúp người dùng tiết kiệm đôi chút thời gian để "chạm" thay vì quét hoặc đưa thẻ vào máy POS (Point of Sale), nhưng còn tồn tại nhược điểm khi vẫn yêu cầu người sử dụng luôn phải mang thẻ theo bên người.

Ví điện tử

Các hình thức thanh toán thông qua một ví điện tử trung gian cũng đang nở rộ những năm gần đây, với những tên tuổi phổ biến là AirPay và Momo. Về cơ bản, các ứng dụng di động này sẽ liên kết các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng của khách hàng hay hỗ trợ nạp tiền vào từ Internet Banking hay các đại lý trên cả nước... để hỗ trợ thanh toán trực tuyến.

Ví điện tử chủ yếu phổ biến cho người dùng cần mua thẻ cào điện thoại, vé xem phim do hay có chiết khấu và khuyến mãi hấp dẫn. Ngoài ra, ví điện tử cũng đem lại sự an tâm phần nào khi thường yêu cầu xác minh hai bước với mật khẩu và OTP, hỗ trợ bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng.

Mặc dù ví điện tử vẫn đang đem lại nhiều lợi ích cho thanh toán trực tuyến trong nước, nhưng đối với các giao dịch online đi quốc tế thì hình thức thanh toán này dường như chào thua. Thêm vào đó, một số giao dịch do đi qua ứng dụng trung gian nên có thể phản hồi lâu hơn thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng.

Thanh toán thông minh từ smartphone

Nhu cầu thanh toán gọn nhẹ của người dùng đã kéo theo việc tích hợp các công nghệ thanh toán vào thiết bị di động với những các tên như Samsung Pay, Apple Pay hay Android Pay. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam hiện chỉ mới xuất hiện công nghệ Samsung Pay mới đây.

Tính năng thanh toán thông minh đến từ ông lớn di động Hàn Quốc có nhiều ưu điểm như có thể thanh toán tại hầu hết các điểm giao dịch trên cả nước (do hỗ trợ cả hai giao tiếp NFC và MST); đa dạng phương pháp xác thực với quét mống mắt, vân tay hay mã PIN cùng lớp bảo mật KNOX.

Có thể nói, Samsung Pay giúp người dùng nhiều dòng smartphone trung/cao cấp Samsung ra mắt 2 năm trở lại đây có thể thực hiện thanh toán trực tiếp mà không cần mang theo thẻ ATM, thẻ tín dụng bên mình. Nhược điểm duy nhất của công nghệ này là chưa có nhiều ngân hàng hỗ trợ do mới ra mắt.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM