Thảm cảnh lao động nhập cư xử lý xác người nhiễm Covid-19: Đối diện tử thần để mưu sinh
Không thể tìm được việc làm, những công nhân nhập cư ở Peru buộc phải làm công việc mà ai cũng sợ hãi: xử lý thi thể những người chết vì Covid-19.
Công việc không ai muốn làm
Mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân, Néstor Vargas và Luis José Cerpa đi thu gom thi thể của những người chết vì Covid-19 ở thủ đô Lima của Peru và những khu vực xung quanh. Đó là công việc ít người muốn làm vì tiếp xúc trực tiếp với loại virus đang reo rắc nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những người lao động nhập cư từ Venezuela này chẳng có cơ hội nào khác ngoài việc mạo hiểm mạng sống để có cái ăn mỗi ngày.
"Tôi sợ mình nhiễm bệnh và mang nó về nhà, nơi tôi đang sống cùng vợ, con và mẹ mình", Vargas nói và lôi chiếc điện thoại di động để khoe hình vợ con ở ngay màn hình chờ. Giống như hàng chục nghìn người khác, Vargas và Cerpa đến Peru để tránh thảm cảnh suy thoái kinh tế nơi quê nhà.
Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc, có gần 5 triệu người Venezuela đã rời quê nhà từ năm 2016 và khoảng 870.000 người chọn Peru là điểm đến. Họ phải làm những công việc lương thấp để kiến tiền nuôi thân hoặc dành dụm tiền để gửi về quê nhà cho những thân nhân nghèo khó.
Néstor Vargas và Luis José Cerpa trên chiếc xe được dùng để chở những nạn nhân xấu số của Covid-19. Họ làm việc 19 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần để đưa những thi thể tới nơi hỏa táng.
Cerpa, 21 tuổi, từng là sinh viên thiết kế đồ họa trước khi đến Peru. Rời quê nhà, Cerpa chỉ có thể làm công việc pha chế và bồi bàn để kiếm sống. Vargas, 38 tuổi, thì kinh doanh trong ngành dịch vụ tang lễ ở Venezuela. Tới Peru, ông làm nghề lái xe chở xăng. Khi virus bùng lên khắp khu vực, ngành dịch vụ tang lễ lại trở thành lĩnh vực tăng trưởng.
"Chúng tôi thất nghiệp trong suốt 3 tháng và chúng tôi cần có cái ăn, cần trả tiền thuê nhà và gửi về Venezuela. Công việc này thực sự rất khó khăn nhưng chúng tôi cần phải làm nó", Vargas cho biết.
Làm việc 19 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, Vargas và Cerpa kiếm được 500 USD/tháng, gấp đôi mức lương tối thiểu ở Peru. Bất chấp nỗ lực của nhà chức trách, Covid-19 vẫn lây lan mạnh mẽ ở Peru với 353.000 người được xác định nhiễm bệnh.
Trong mỗi ngôi nhà mà Vargas và Cerpa tới, tiếng khóc đã bao trùm ở đó. Công việc buộc hai lao động nhập cư người Venezuela đưa người xấu số đi càng nhanh càng tốt. Họ làm điều đó với sự tôn trọng dành cho người đã khuất.
Tuy nhiên, hầu hết những thi thể mà Vargas và Cerpa đưa đi đều từ các khu dân cư nghèo, từ những ngôi nhà mà những người còn sống không đủ khả năng thuê một dịch vụ mai táng đàng hoàng hơn. Có hơn 13.000 người chết vì Covid-19 ở Peru, nơi hệ thống y tế công cộng đang sụp đổ trước số ca mắc Covid-19 khổng lồ.
Nỗi đau bao trùm
Gia đình ông Raul Oliveras, 63 tuổi, gọi xe cứu thương khi ông xuất hiện những triệu chứng giống với Covid-19. Tuy nhiên, xe không bao giờ đến và họ đành nhìn ông chết ở nhà. Đêm đó, Vargas và Cerpa bước vào, đưa người đàn ông xấu số đi trong tấm ga trải giường. Những con chó nhà hàng xóm sủa inh ỏi càng khoét sâu vào nỗi đau của gia đình người xấu số đang bước đi trên con đường tối. Thi thể người đàn ông được đặt vào chiếc túi đựng xác màu đen trước khi đưa vào thùng chiếc xe tải chở tới nơi hỏa táng.
Tại đài hóa thân ở thành phố El Angel, nhiều nhân viên cũng là lao động nhập cư người Venezuela. "Người Peru không làm công việc này. Nó thật khó khăn. Ai đó phải làm việc này và chúng tôi thì cần việc làm", Orlando Arteaga, người làm việc 7 ngày mỗi tuần để có tiền gửi về cho 3 con ở Venezuela và nuôi cô con gái 2 tuổi ở Lima, chia sẻ. Arteaga nói rằng suốt cuộc đời mình, ông chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người chết đến vậy.
Người đàn ông 40 tuổi phụ trách vận hành lò hỏa táng, vốn chưa tắt lửa trong suốt một thời gian dài. Cạnh đó là những chiếc quan tài bằng bìa cứng nằm xếp chồng lên nhau. Arteaga nói rằng đó chưa phải tất cả những nạn nhân của Covid-19 chờ được hỏa táng. Thi thể những người xấu số được đặt ở những nơi khác nữa vì nơi này đã không còn chỗ trống.
Những chiếc quan tài bằng bìa cứng nằm tại nhà tang lễ.
Đến tối, Vargas và Cerpa đã đưa hơn 10 thi thể tới nơi hỏa táng. Họ rất mệt mỏi nhưng chưa xong việc. Khoảng 11 giờ đêm, họ nhận một cuộc gọi từ Bệnh viện Villa Maria del Triunfo. Các nhân viên bệnh viện yêu cầu hai người đàn ông này đưa 13 thi thể tới nơi hỏa táng vì nhà xác bệnh viện không còn chỗ chứa.
Vargas và Cerpa tới bệnh viện và chờ thủ tục. Họ tháo khẩu trang và găng tay, nghỉ ngơi và ăn một ít thịt gà được đựng trong thùng xốp. Đó là lần đầu tiên họ được nghỉ ngơi trong suốt cả ngày dài. Việc trở về nhà lúc 2 hoặc 3 giờ sáng đã không còn hiếm. Tắm xong, bữa tối của họ thường bắt đầu lúc 4 giờ sáng. 8 giờ, công việc của họ lại bắt đầu. Điều đó cứ tiếp diễn trong nhiều ngày liên tiếp.
Với Cerpa, những ngày pha chế đồ uống cho khách du lịch có lẽ là chuỗi thời gian hạnh phúc nhất mà anh mơ tới. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng giúp chàng trai 21 tuổi rút ra những điều cho riêng mình, nhất là về giá trị của cuộc sống mà một chàng trai như anh thường hiếm khi nghĩ tới trước đây.
"Bây giờ, tôi chỉ đơn giản là sống từng ngày. Mỗi ngày, tôi đều sống như thể đây là ngày cuối cùng của đời mình", Cerpa chia sẻ.