Tết Trung thu thời COVID-19: Đìu hiu 'thủ phủ' lồng đèn

19/09/2020 08:22 AM | Xã hội

Dù không còn nhiều gia đình giữ nghề nhưng mỗi năm, cứ đến dịp tết Trung thu, “thủ phủ” lồng đèn truyền thống ở giáo xứ Phú Bình (Q.11, TPHCM) lại được tô thêm sắc màu bởi những chiếc lồng đèn lung linh. Nhưng năm nay, dịch bệnh COVID-19 đã kéo làng nghề vốn đã ít ỏi lại càng thêm ảm đạm do chẳng mấy khách đặt hàng.

Vừa làm vừa ngóng khách

Len lỏi giữa những con hẻm ở giáo xứ Phú Bình (P.5, Q.11, TPHCM) một ngày giữa tháng 9, chúng tôi được người dân chỉ dẫn nhưng phải tìm “đỏ mắt” mới gặp được vài ba hộ còn đang chẻ tre, bọc giấy bóng kiếng, tô vẽ tạo hình để làm lồng đèn.

Chỉ lên trần nhà treo cả trăm chiếc lồng đèn đã làm sẵn, ông Nguyễn Đức Thắng (khu giáo xứ Phú Bình, Q.11) buồn nói, hiện số lồng đèn khách đặt năm nay chỉ bằng 1/10 năm 2019.

“Năm trước chúng tôi làm từ 3.000-40.00 chiếc lồng đèn, giờ chưa tới 200. Đó là số lượng khách đặt mới dám làm chứ không dám làm sẵn, gối đầu như mọi năm. Đến thời điểm hiện tại chỉ mới có mối ở Đồng Nai lấy hàng, một số cửa hàng, nhà sách ở TPHCM cũng nhận nhưng số lượng rất ít. Chúng tôi phải đem hàng đi ký gửi, bán được hàng mới lấy tiền chứ không còn cảnh thương lái đến tận nhà đặt sẵn tiền, chầu chực chờ lấy hàng như trước”- Ông Thắng nói và tâm sự thêm, vài năm trước, lồng đèn truyền thống đã rất chật vật trên sân nhà do phải cạnh tranh với các loại lồng đèn điện của Trung Quốc, nhưng sau đó gắng gượng vực dậy được đôi chút. Vậy mà năm nay dịch COVID-19 nên không biết cầm cự được đến đâu.

Ông Thắng là người có thâm niên hơn 25 năm trong nghề làm lồng đèn thủ công. Ngần ấy năm trong nghề, ông chứng kiến biết bao chuyện thăng trầm của nghề truyền thống, từ việc cạnh tranh trên sân nhà với lồng đèn điện tử của Trung Quốc đến những người tâm huyết dần bỏ nghề vì thu nhập không đủ sống… Nhưng chưa bao giờ, nghề làm lồng đèn lại đìu hiu, ế ẩm như năm nay.

“Dù phải cạnh tranh, dù giá cả thấp đến đâu chúng tôi vẫn cố cầm cự được vì ít ra vẫn có người mua, vẫn có trẻ em rước lồng đèn phá cỗ rằm Trung thu. Nhưng dịch bệnh thế này, người ta hạn chế tập trung đông người, trẻ con chỉ quanh quẩn trong nhà. Đèn làm ra không có người mua, không có người chơi thì coi như chịu chết” - người nghệ nhân thở dài buồn bã.

Cũng gắn với chiếc lồng đèn truyền thống từ ngày còn nhỏ, anh Nguyễn Sơn Lâm (ngụ đường Nguyễn Đình Trọng, Q.11) đang miệt mài phun sơn tạo màu cho chiếc lồng đèn có hình heo Peppa, mèo Kitty mỗi khi Trung thu về. “Nhà có mấy anh chị em thì tất cả đều theo nghề làm lồng đèn này hết. Đầu ngõ có người em, xa hơn có bà chị cũng đang bận rộn với lồng đèn” - anh Lâm khoe.

Anh Lâm cũng có công việc ổn định ở Bệnh viện Nhi đồng 1, nhưng tới mùa, sau khi tan ca, về nhà anh lại bày giấy kiếng, khung tre nắn nắn, tạo hình lồng đèn.

“Mọi năm tôi làm khoảng 2.000 chiếc, nhưng năm nay mới được vài trăm. Do dịch bệnh, khách mối không đặt hàng vì sợ bán không được, nhiều trường học, điểm tổ chức trung thu cũng không lấy hàng như mọi khi vì hạn chế tập trung đông người. Điều này đồng nghĩa với việc một mùa thu không vui. Bây giờ chúng tôi chỉ dám làm cầm chừng, chờ thị trường thêm ít ngày nữa xem tình hình thế nào rồi mới tính tiếp” - anh Lâm tâm sự.

Trên nhiều tuyến đường ở TPHCM như Phố lồng đèn Lương Nhữ Học (Q.5), Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình), Lạc Long Quân (Q.11)… cũng bày biện đủ các loại lồng đèn từ truyền thống đến hiện đại, giá trung bình từ 70.000-200.000 đồng/chiếc nhưng hầu như đều vắng khách mua.

Chỉnh lại chiếc khung tre lồng đèn bị lệch trong lúc vận chuyển, bà Thu (kinh doanh lồng đèn ở Q.5) lo lắng vì kinh doanh ế ẩm. Bà bỏ vốn gần 50 triệu đồng, nay không bán thì chắc chắn ôm lỗ.

 Tết Trung thu thời COVID-19: Đìu hiu thủ phủ lồng đèn  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Thắng đã có hơn 25 năm làm lồng đèn truyền thống

Sáng tạo để bán hàng

Tâm sự về chuyện nghề, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết, thị trường có bao nhiêu loại lồng đèn thì ông đều làm được từ gà, cá, thỏ… đến những chiếc lồng đèn cỡ đại như tàu thủy, xe tăng… “Muốn làm được một chiếc lồng đèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, nhưng hai công đoạn khó nhất là tạo khung và vẽ họa tiết. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn mỗi ngày, tất cả các công đoạn đều được phân công cho từng người khác nhau thực hiện, riêng 2 công đoạn khó nhất tôi sẽ làm” - ông Thắng chia sẻ.

Tận mắt thấy quy trình làm lồng đèn thủ công mới thấy sự tỉ mỉ, dụng công của nghệ nhân rất nhiều vào từng sản phẩm. Nếu tính từ khi chọn nguyên liệu cho đến hoàn tất sản phẩm, có cả chục công đoạn. Công đoạn nào cũng phải bỏ công sức và tâm huyết vào. Để làm ra chiếc đèn con bướm cũng phải cần năm loại nan khác nhau để tạo dáng. Khi uốn nan hay chẻ nan phải thật đều tay thì chiếc nan mới đều, mới tạo được dáng đẹp cho chiếc lồng đèn…

Để “kéo” thêm nhiều khách hàng, người bán và làm nghề gần đây dùng cả công nghệ để giới thiệu lồng đèn. Lê Văn Thành (16 tuổi, khu giáo xứ Phú Bình) có thâm niên hơn 5 năm trong nghề làm lồng đèn thủ công. Thành kể, thấy ba mẹ làm lồng đèn nên ngoài giờ học, cậu được giao những việc lặt vặt như quẹt hồ, phơi đèn, dán lông gà… Thế rồi “nghiện” lúc nào không hay.

“Lúc đầu em làm không đẹp, lồng đèn cứ ọp ẹp, đụng là méo. Dần dần lên tay, giờ em có thể tạo dáng bất cứ hình gì cho lồng đèn, từ những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Doremon, Pikachu, công chúa Elsa cho đến những mô hình truyền thống như bươm bướm, tàu thủy… Em còn làm các video hướng dẫn cách làm lồng đèn trên các trang mạng xã hội, lượng người theo dõi rất đông, sản phẩm cũng bán được nhiều hơn” - Thành khoe.

Còn anh Nguyễn Sơn Lâm năm nay tập trung làm lồng đèn thời trang theo các nhân vật trẻ em yêu thích như heo Peppa, mèo Hello Kitty… Ngoài sơn màu, anh còn phun xịt sơn lên giấy bóng kiếng để làm sản phẩm thêm ngộ nghĩnh, bắt mắt. “Mình phải sáng tạo, thay đổi theo nhu cầu khách hàng chứ không thể mãi chạy theo các mẫu truyền thống, có vậy mới có khách mua và người thợ có thu nhập ổn định mới có thể giữ nghề” - anh Lâm nhìn nhận.

Nghề đã ăn vào máu Dù vẫn mạnh miệng “bỏ nghề lâu rồi”, nhưng hễ đụng tới nan tre, cọng kẽm… ngón tay anh Lê Xuân Sĩ (ngụ đường Lạc Long Quân, Q.11) lại mân mê tạo hình thoăn thoắt. Thoáng chốc, những vật dụng vô tri đã thành hình, căng giấy kiếng hồng, đỏ, thêm vài nét vẽ… chú bướm xinh xinh như chỉ chờ tung cánh. Mỉm cười hồn hậu, anh Sĩ bộc bạch: “Nghề ăn vào máu rồi, khó bỏ lắm. Năm nay tôi làm đủ loại lồng đèn nhưng không phải chỉ để bán mà còn dành cho tặng và làm từ thiện. Chúng tôi dự kiến sẽ đến các trung tâm, trại trẻ mồ côi, chùa… tặng lồng đèn cho các em thiếu nhi. Nếu các em thích, chúng tôi cũng sẵn sàng hướng dẫn, truyền các nghề cho lớp trẻ. Tôi nghĩ, dù không sống bằng nghề nhưng vẫn phải giữ nghề để không bị mai một”.

Uyên Phương

Từ khóa:  tết trung thu
Cùng chuyên mục
XEM