img

ó một câu người ta hay nói nhất khi Tết về, đó là: “Năm nay chẳng thấy không khí Tết gì”.

Thật kỳ lạ, càng lớn lên, chúng ta càng khắt khe với ngày Tết. Hoặc giả, sự chán chường trước nhịp sống đô thị đã khiến chúng ta không nhìn Tết với đôi mắt hân hoan như ngày nhỏ nữa. Cuộc sống đầy đủ làm những sự hoành tráng, lấp lánh ngày Tết bỗng chốc trở nên bình thường, rườm rà và ảm đạm. Người ta nhiều mối lo hơn, bánh chưng lúc nào cũng ê hề, thay đổi khí hậu khiến ngày Tết chắc cũng không lạnh, hoa đào nở sớm và áo mới thì có thể mua cả năm chứ chẳng phải chờ đến Tết nữa.


Tết đã ở đây rồi, đã quẩn quanh trên màu hoa đào rực rỡ rong ruổi trên khắp các nẻo đường phố, làng hoa.

Nhưng giống như sáng nay, khi dừng đèn đỏ ngã tư, tôi gặp một cụ già thong thả đi bộ sang đường, tay xách một cái làn màu đỏ ( đúng là cái làn đỏ trong truyền thuyết ngày xưa!) - ở trong là một nhúm cành đào vẫn đương nụ, được cắt ra để mang về thắp hương sớm - cùng đủ thứ hoa quả, bánh chưng. Bỗng nhiên, nhìn thấy sự khoan thai của cụ và sắc đỏ bích của những nụ hoa đào - trong lòng tôi thấy Tết về rõ lắm. Và đúng là thứ cảm giác âm ấm, háo hức cứ rộn ràng trong tim giống như ngày bé, chứ không phải cảm giác mong ngóng Tết đến để nghỉ, để khỏi phải đi làm.

Khoảnh khắc ấy, tôi mới nhận ra, mình cứ nói: “Chẳng thấy không khí Tết gì” - là vì mình tự để bản thân thả trôi theo những bận rộn và lo âu đấy thôi. Tết vẫn ở đây, những mảnh ghép của cái Tết thanh bình và chậm rãi vẫn đang tồn tại hiển nhiên giữa đời sống thường nhật mà ta có thể dễ dàng lướt qua mà không hề hay biết. Tết không phải là cờ hoa rực rỡ, phố phường đỏ rực hay ai đó phải hét vào tai bạn là: “Tết đến rồi”. Tết là đây, không khí Tết cũng từ những ngóc ngách mà bạn vẫn dửng dưng. Tết đã về thật rồi, đã gần lắm rồi và chỉ khi đặt chân đến những nơi này, nhìn ngắm những con người ở đó, bạn mới thật sự nêm nếm được cái dư vị ngọt ngào, ấm áp và thân thương của một cái Tết đúng nghĩa mà thôi.

Tôi có một bà chị, cứ đến Tết là phải đi chợ hoa. Và phải đúng là chợ hoa vào buổi sáng sớm, lúc mặt trời còn chưa ló và sương vẫn giăng trên khắp các con đường. Trời thì vẫn rét thật là rét và chỉ nội cái suy nghĩ phải thò chân ra khỏi chăn thôi đã là một cực hình. Thế nhưng nhất định: Phải đi chợ hoa, và phải vào lúc sáng sớm.

Nhưng giống như sáng nay, khi dừng đèn đỏ ngã tư, tôi gặp một cụ già thong thả đi bộ sang đường, tay xách một cái làn màu đỏ ( đúng là cái làn đỏ trong truyền thuyết ngày xưa!) - ở trong là một nhúm cành đào vẫn đương nụ, được cắt ra để mang về thắp hương sớm - cùng đủ thứ hoa quả, bánh chưng. Bỗng nhiên, nhìn thấy sự khoan thai của cụ và sắc đỏ bích của những nụ hoa đào - trong lòng tôi thấy Tết về rõ lắm. Và đúng là thứ cảm giác âm ấm, háo hức cứ rộn ràng trong tim giống như ngày bé, chứ không phải cảm giác mong ngóng Tết đến để nghỉ, để khỏi phải đi làm.

Chợ hoa ngày Tết thì có gì khác nhỉ? Tôi cũng không rõ nữa, tôi không thích hoa. Nhưng có một cảm giác rất đẹp khi bạn đặt chân đến khu chợ hoa Quảng Bá vào lúc 5h sáng một ngày giáp Tết. Không khí vội vã, dồn dập. Những xe hoa từ khắp mọi miền đất nước đổ về nơi này. Không không, đừng tạt vào mấy hàng tulip hay mấy bông hồng kiểu Tây to bằng cái bát con. Đi bộ chậm lại và nhìn những xe đạp chở hoa kìa. Lay ơn, violet, thược dược, tất cả những bông đẹp nhất đang ngậm sương nằm im lìm dưới lá. Hoa cúc xếp chồng lên nhau như những đốm lửa vàng. Cũng đừng tiếc thời gian mà đi bộ thêm một chút để lựa một cành đào. Đào Nhật Tân trứ danh đều đã được “tập hợp” hết ở đây chứ đâu.

Và bằng một sự kết hợp nhịp nhàng thần kỳ nào đó, tất cả khung cảnh này, từ cái rét buốt thấu của Hà Nội mùa đông, cho đến tất cả những màu sắc rực rỡ từ những nhúm hoa xinh tươi này - đều được đặt cạnh nhau và tạo ra một xúc cảm hân hoan cho bất cứ ai đặt chân đến. Tết đậu trên những cành hoa, bay phấp phới trong không khí và quẩn quanh trái tim của mỗi người.

Hà Nội cũng có nhiều chợ hoa/ cây cảnh ngày Tết. Bạn có thể ghé những nơi này cả ngày chứ không cần “căn” lúc sáng sớm như chợ Quảng Bá. Ngày xưa đi làm ở dưới mạn Tam Trinh, tôi rất thích đi qua chợ hoa chỉ mở dịp Tết ở khu này. Hai bên đường, vỉa hè hẹp, không kể đào quất nhiều không đếm xuể, thì ở đây bày đầy những khóm đỗ quyên, cúc vạn thọ, những giò lan đủ màu sắc rồi cả cây trạng nguyên - mấy nhà có con thi Đại học, thi cấp 3 kiểu gì cũng mua nhiều.

Hoặc nhiều nhà, có thói quen - cứ đến cận Tết, là kiểu gì cũng dắt díu nhau lên chợ Bưởi. Cơ man nào là cây cối, nào là chó mèo lũn chũn trong những cái chuồng nhỏ. Khu chợ Bưởi bình thường vốn đã ríu rít xinh tươi, đến Tết lại được tưới tắm thêm cái tinh thần nô nức của dân tình - thế nên lại càng nhộn nhịp, càng ấm cái mùi gấp gáp rất dễ thương của Tết.

Cách đây mấy hôm đi siêu thị, đứng giữa hàng dài những chiếc hộp vuông vắn, thơm tho đựng đủ loại bánh kẹo nhập khẩu, tự dưng tôi nhận ra cái cảm giác hối thúc của Tết đúng là nó đã sát sàn sạt sau gáy mình rồi. Bao nhiêu siêu thị lớn đã nhập đủ kiểu bánh mứt, thịt thà sang xịn từ trời Tây về chỉ để chiều lòng những vị khách sành ăn khó tính, mua thì mua, nhưng mua xong bỗng thấy… hẫng hẫng. Không hẳn là tiếc tiền, mà tự dưng thấy cái cảm giác đi sắm Tết nó cứ… giống giống với đi siêu thị ngày thường, chỉ khác là mua nhiều đồ lên và đồ… đắt hơn thôi.

Chỉ có đi dạo một vòng chợ, bạn mới được nhìn ngắm những thứ nhỏ xinh, sống động và sực mùi Tết đến nhường này.

Nhưng lại có một cảm giác khác hẳn khi dậy sớm ra chợ mua đồ chuẩn bị Tết. Chợ Hàng Bè, chợ Hôm, quanh chợ Đồng Xuân, chợ Châu Long… hay thậm chí là chợ phiên họp hàng sáng ở đầu phố nhà bạn… ôi những nơi đấy mới đúng là cái kiểu chợ khiến lòng ta chộn rộn và thích thú chứ. Cả một cộng đồng thu nhỏ đông đúc, ồn ào với đủ thứ ngon lành được các mẹ, các bà thi nhau ngắm nghía, nâng lên đặt xuống. Cái văn hoá chợ phiên, văn hoá làng xã vui nhộn chỉ có ở những nơi này mới tạo ra cái không khí cập rập, vui tươi của ngày Tết. Tiếng nói thách, tiếng mắng nhau, tiếng cười, tiếng hỉ hả, tiếng gà quàng quạc hay tiếng một đứa trẻ cười khanh khách khi nhìn một chậu cá chép… những thanh âm nhộn nhịp, gần gũi và đủ để khiến ta cảm thấy thân thương.

Và đừng nói chưa có cảm giác “Tết đến” khi chưa đi một vòng chợ. Chỗ này bán bộ cúng Ông Công - Ông Táo, bên cạnh là bà bán gà đang thoăn thoắt chặt một cái má đùi căng tròn, núc thịt, trước mặt là những chú gà luộc được bày sẵn - nằm kiêu hãnh cạnh nhau như một cuộc thi sắc đẹp. Rồi chỗ kia là một bà hàng xôi, vừa bày ra một mẻ xôi gấc đỏ au đến là ngon mắt. Và tôi đã nhắc đến những khúc giò nóng hổi xếp chồng lên nhau chưa? Và cả những cái bánh chưng béo ú vẫn còn nghi ngút khói nữa?

Tìm đâu nhiều mùi hương Tết hơn những gian hàng này? Và cũng chỉ có những khu chợ này mới có nhiều đến thế những màu sắc, nhiều thanh âm, nhiều cảm xúc gợi nhắc bạn đến ngày còn bé - tay nắm chặt tay mẹ đi khắp gian chợ này đến sạp hàng khác trong những ngày cuối năm.

Có một nơi rất Tết, rất ấm tình yêu nữa, ấy chính là những nơi bến tàu, bến xe.

Người ta cứ nói, bến tàu/ bến xe là nơi chứng kiến sự chia ly. Nhưng có lẽ ngày Tết thì ngược lại. Chẳng ở đâu nhiều dư vị tình yêu thương như những chuyến xe vừa lăn bánh, những chuyến tàu vừa rời sân ga. Đó là những người con xa nhà đang khấp khởi nhớ mong, những người cha, mẹ đi làm xa tranh thủ được về ăn Tết sớm. Bước chân hối hả hơn ở những nơi này, và cảm tưởng như nếu bạn đi chậm lại và lắng nghe thật kỹ, bạn sẽ nghe được tiếng trái tim đập rất nhanh của những người đang vội về nhà.

Chẳng ở đâu nhiều dư vị tình yêu thương như những chuyến xe vừa lăn bánh, những chuyến tàu vừa rời sân ga.

Sân ga những ngày này chưa thật sự đông, nhưng cũng đủ để bạn nhìn thấy không khí Tết hiển hiện đến thế nào ở từng ngóc ngách. Mùi vị đoàn viên bay bổng trong không khí, vang lên theo những bước chân, những tiếng sột soạt của gói quà thành phố hay tiếng bánh xe vali lăn đều đều trên nền gạch. Ai đó cầm theo một cành đào, người khác lại cẩn thận gói một hộp bánh ngon vào túi bóng. Chỉ ít phút nữa thôi, ta sẽ lên chuyến tàu đưa ta về ăn Tết với những người yêu dấu. Và chẳng cần nhiều hoa đào, cũng chẳng cần cả một sạp bán bánh chưng, chỉ cần niềm vui hội ngộ, nỗi nhớ mong gia đình hằn lên trong ánh mắt, trong từng nhịp thở - cũng đã đủ để khiến cả sân ga trở nên ấm lại giữa cái rét ngọt của ngày cuối tháng Chạp.

Và ở nơi này - Tết, chẳng cần hiển hiện qua một sự vật cụ thể - cũng đã bên bạn rất gần rồi.

Trí thức trẻ