img

hông phải ai cũng may mắn được làm việc và học tập trên quê hương của mình, với những người đang sống nơi đất khách quê người thì tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Đó là lúc để tất cả chúng ta tạm ngừng mọi bon chen với đời để trở về nơi có những người luôn đếm từng ngày đợi ta quay về.

Người ta bảo nhau muốn nghe tết rộn ràng như thế nào, muốn nhìn tết hối hả ra làm sao thì cứ đến bến tàu sẽ cảm nhận được tất cả.

Tết, là giọt nước mắt tha hương và những chuyến tàu trở về - Ảnh 3.

Bến xe, bến tàu là những nơi mà tết đến sớm và cảm xúc nhất. Bắt đầu từ 20 tháng chạp cho đến ngày 30 tết, ở các bến tàu đã nhộn nhịp người đi kẻ ở. Từng dòng người hối hả ngược xuôi, tiếng cười nói, xen lẫn với gương mặt mệt mỏi của sự chờ đợi tạo nên một không khí vô cùng đặc biệt.

"Xin kính mời các hành khách đi trên chuyến tàu SE4 khởi hành lúc 13h40 đến khu vực soát vé để chuẩn bị lên tàu" - những thông báo liên tục được nhắc đi nhắc lại trên loa, mọi người vừa chăm chú lắng nghe thông báo vừa tất bật chuẩn bị lại hành lý tư trang cho một chuyến đi dài.

Tết, là giọt nước mắt tha hương và những chuyến tàu trở về - Ảnh 4.

Có vẻ đã đợi khá lâu ở ga, cô Hà (63 tuổi, Bắc Ninh) cùng những người bạn đồng hương trải hẳn một chiếc chiếu ở dưới sàn để ngồi nghỉ. Nhắc đến xuân quê hương, cô Hà không khỏi nghẹo ngào khi nhớ lại cái tết cách đây 17 năm. Năm 2000, chồng cô đột ngột qua đời, kinh tế gia đình rơi vào khó khăn, để có thể chăm lo cho 2 người con đang tuổi ăn học, cô đã quyết định vào Sài Gòn làm thuê. Đó là năm đầu tiên và chắc chắn cũng là lần duy nhất mà cô đón tết xa quê hương, bởi vì người phụ nữ ấy chẳng muốn trải qua cảm giác ấy thêm một lần nào nữa. "Nhớ con nhớ cái, nhớ quê hương, lúc đó chỉ có khóc thôi!" - cô Hà lấy tay lau vội những giọt nước mắt trên khoé mắt, những giọt nước mắt không chỉ của cô đơn, tủi phận.

Tết, là giọt nước mắt tha hương và những chuyến tàu trở về - Ảnh 5.

Một năm trời làm việc vất vả, chú Cường hào hứng khoe rằng chú đã dành dụm được một số tiền nho nhỏ để đem về cho vợ con đón tết. "Giờ chuẩn bị lên tàu thì tâm trạng bồi hồi lắm. Đi làm xa nhà cả năm trời, giờ chuẩn bị về với gia đình thì rất chi là thích, hồi hộp. Thích đoàn tụ với gia đình chứ!" - chú cười hạnh phúc khi chia sẻ về cảm giác trước khi bước lên tàu về quê.

Ấy thế mà chẳng phải ai cũng đủ may mắn để bước lên những chuyến tàu xuân trở về gia đình. Cô bạn Minh Hương (21 tuổi, sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM) chia sẻ: "Bạn của em có đứa nhịn ăn nhịn uống mấy tháng trước tết để có tiền mua vé tàu về quê, thế nhưng đến khi cận ngày lại hết vé đành ngậm ngùi ở lại Sài Gòn đón tết, tụi nó khóc nhiều lắm!". Có lẽ cảm giác ấy chỉ những người con xa xứ mới hiểu được.

Tết, là giọt nước mắt tha hương và những chuyến tàu trở về - Ảnh 6.

Ở phía ngoài cổng ga, cô bé Thảo Nguyên (6 tuổi) đang hỏi mẹ hết thứ này đến thứ khác về hành trình sắp tới của mình. Năm nay là lần đầu tiên bé được về Nam Định đón tết cùng ông bà nội. Mọi thứ thật sự mới mẻ với cô bé, chắc hẳn sẽ là một chuyến đi và một cái tết đáng nhớ của Thảo Nguyên.

Tết, là giọt nước mắt tha hương và những chuyến tàu trở về - Ảnh 7.

Tết quê hương luôn mang một hương vị rất riêng mà dù đi đâu, ở đâu người ta vẫn luôn khắc khoải muốn quay trở về, để lại được khóc được cười, đắm chìm trong cái không khí thân thương ấy. Là đêm giao thừa bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, là những ngày cuối năm cả gia đình cùng nhau dọn dẹp trang trí nhà cửa, hay đơn giản là nồi thịt kho của mẹ...tết đôi khi chỉ gói gọn trong những ký ức mà chỉ cần nhắc đến tim ta lại xao xuyến.

Tết, là giọt nước mắt tha hương và những chuyến tàu trở về - Ảnh 8.

Cô bạn Thanh Hoa (22 tuổi, Quảng Bình) tâm sự: "Bố em bảo dù ở xa cách mấy thì tết cũng phải cố gắng trở về bên gia đình". Đang theo học ngành giáo dục tiểu học tại trường đại học Đồng Tháp, Hoa đã đi một đoạn đường dài từ Đồng Tháp lên ga Sài Gòn để chuẩn bị lên tàu về Quảng Bình. Cô bạn chia sẻ rằng đã tự tay làm một cây lộc vàng và đang vô cùng hồi hộp để tận tay trao món quà này cho bố mẹ.

Với anh Dũng (35 tuổi, Huế, công nhân may) - một người đã có nhiều năm làm việc ở thành phố, không ít lần đón tết xa nhà, thì không tết nào vui và hạnh phúc bằng cái tết của quê hương, sẽ chẳng ở đâu có cái không khí thân thuộc như ở nhà. Chú Cường tiếp lời: "Tết ở quê vui vẻ lắm! Có người thân, bạn bè chúc tết nhau, không khí tết ở quê hạnh phúc hơn. Quê hương mà, quê hương là chùm khế ngọt mà!".

Tết, là giọt nước mắt tha hương và những chuyến tàu trở về - Ảnh 9.

Tết, là giọt nước mắt tha hương và những chuyến tàu trở về - Ảnh 10.

Cô Hà kể: "Các cháu ở quê mong đến tết lắm! Chúng nó cứ gọi vào hỏi ngày nào là ngày bà về, ngày nào là ngày tết. Mình bảo là sắp tết rồi, chúng nói lại hỏi sắp tết bao nhiêu ngày nữa để con đánh dấu, như thế là mình nhớ chúng nó lắm rồi đấy".

Cô bảo lương tâm ai cũng thế thôi, ai cũng nhớ về quê, nhớ tổ tiên ông cha, các con các cháu của mình. "Cứ xách túi đi ra tàu là sướng lắm, phấn khởi lắm, tư tưởng hào hứng, chả cần ăn cũng được, như trưa hôm nay, về trễ không kịp ăn gì mà cũng không thấy đói, được về quê là vui lắm rồi!" - mắt cô long lanh những hạnh phúc bình dị.

Nghĩ đơn giản, tết chẳng phải là cái gì đó to tát để chúng ta tranh luận với nhau nên gộp chung hay tách riêng, hãy để tết là giây phút ta được ở cạnh những người ta yêu thương. Như một ca khúc mà nhiều ngày nay người ta không ngừng hát cho nhau nghe - "Đi để trở về". Ai cũng có một nơi để về, tết đến rồi, về nhà thôi!

Toàn Nguyễn
Quỳnh Trân - Hoàng Việt
Quỳnh Trân - Đạt Phan
Tèo & Tí
Theo Trí Thức Trẻ25/01/2017

Trí Thức Trẻ