Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh "bánh chưng nhân cá"!

18/12/2019 08:46 AM | Kinh doanh

Trước cơn bão giá thịt lợn tăng chóng mặt nhiều ngày qua, và thậm chí sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, các tiểu thương bất lực trước tình cảnh hàng hoá ế ẩm, còn người tiêu dùng ám ảnh "Tết đến nơi, chả nhẽ chỉ có 'bánh chưng nhân cá'?".

Trước đây, với 100.000 đồng trong tay, chị Hương (30 tuổi) có thể thoải mái đi chợ cho bữa cơm gia đình. 5 lạng ba chỉ lợn hết khoảng 40.000 đồng, 20.000 đồng cho 3 lạng xương, 10.000 đồng tiền rau và 30.000 đồng còn lại dành để mua cá. Các món ăn "tuần hoàn" quanh gà, bò, cá và thịt lợn, mỗi bữa cơm 4 người ăn đều đặn hết khoảng 100.000 đồng.

Thế nhưng, những ngày gần đây, đi chợ mua 5 lạng rưỡi ba chỉ thôi, đã "bay" hết 100.000 đồng. Chị Hương "méo mặt" không biết xoay sở như nào trước bài toán chi tiêu, khi mà giá thịt lợn vẫn đang tăng lên từng ngày. Không riêng chị Hương, nhiều bà nội trợ đang đau đầu với câu hỏi "Hôm nay ăn gì?"

Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 1.

Tại các khu vực chợ tạm và chợ truyền thông, giá thịt lợn tăng không ngừng mỗi ngày.

Giá thịt lợn tăng chóng mặt, cầm 100.000 đồng đi chợ không biết mua gì? Thực hiện: Minh Hà/ Kingpro.

Giá thịt lợn tăng chóng mặt, tiểu thương than thở vì hàng hoá ế ẩm

Từ đầu tháng 11 năm nay, giá lợn hơi liên tục tăng mạnh, hiện nay đã ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg, có nơi lên đến 95.000 đồng, tăng 10.000 đồng/kg so với trước, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ dân sinh dao động từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước. 

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ truyền thống và chợ tạm ở Hà Nội, bình quân giá thịt lợn vào khoảng 150.000 đồng, thịt ba chỉ tăng tới 230.000 đồng, sườn non giá 260.000 đồng. Mức giá được cảnh báo có thể tăng liên tục nhiều ngày, thậm chí biến động mỗi ngày, khiến sức mua của người dân sụt giảm đáng kể.

Thịt lợn tăng giá, kéo theo đó nhiều loại thịt khác có xu hướng tăng theo, như gà, ngan, vịt,... Theo đó, giá thịt gà có mức tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg. 

Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 3.

Giá thịt lợn tăng chóng mặt khiến người dân và tiểu thương "méo mặt".

Cô G. (tiểu thương chợ Mỹ Đình) than thở, giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của bà con. Bình thường, khách hàng sẽ mua 5 lạng thịt, thì nay chỉ còn 3 lạng, thậm chí có những ngày hàng quán ế ẩm triền miên.

"Lợn bây giờ rất khan, không có hàng, chúng tôi phải tranh cướp nhau mới mua được một con. Đợt trước, mỗi ngày tôi bán ra 3-4 con, mà dạo này ngồi cả ngày còn chưa hết nửa con. Giá lợn tăng vọt khiến hầu như thực phẩm nào cũng tăng theo" - cô G. nói. 

Trong khi đó, tại một khu chợ tạm ở Bạch Mai, cô L. - chủ một sạp bán thịt lợn, cho biết phải chấp nhận bán lỗ vốn để không mất lượng khách quen thuộc. "Giá tăng vì nguồn hàng khan hiếm, thương lái cứ thế thông báo tăng vùn vụt chưa có dấu hiệu dừng. Đa số khách hàng đều thắc mắc vì sao giá tăng mạnh, nhiều người thậm chí còn bỏ sang hàng khác mua vì 'sốc' trước bảng giá cả mới cập nhật. Tôi chấp nhận lỗ, để giữ lại lượng khách ổn định ngày trước.

Anh N. (25 tuổi) mở quán khá muộn vào cuối giờ chiều, khách trong chợ đông, nhưng rất ít người vãn lại sạp thịt lợn của anh. Anh chia sẻ, nhiều ngày qua "buôn thì đắt, còn bán thì ế", người dân phải "ăn độn" thêm các thực phẩm khác, chứ mỗi thịt thì không... ăn thua.

"Tốn hơn 6 triệu nhập hàng về bán, nhưng tôi ngồi cả ngày lẫn tối vẫn không thể vớt vát nổi. Giá thịt lợn không ổn định, liên tục tăng, thậm chí một ngày tăng lên mấy lần" - anh N. nói.

Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 4.
Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 5.
Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 6.
Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 7.
Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 8.

Nhiều tiểu thương than thở chấp nhận bán lỗ vốn để không mất khách quen, duy trì số lượng khách hàng.

Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 9.

Thịt lợn tăng kéo theo mức giá thịt gà và một số loại thực phẩm khác cũng tăng theo.

Người tiêu dùng ám ảnh: Tết đến nơi, "bánh chưng nhân cá"?

"Hiện tượng" giá thịt lợn "lập đỉnh" không chỉ ảnh hưởng tới bà con tiểu thương, mà còn gây khó khăn cho người tiêu dùng. Một số người hóm hỉnh nửa đùa nửa thật, "Tết đến nơi, chả nhẽ ăn 'bánh chưng nhân cá'?".

Bà Oanh (50 tuổi, quận Thanh Xuân) tâm sự, nếu trước đây mỗi tuần nhà bà ăn 3 - 4 bữa thịt, thì bây giờ chỉ dám ăn một bữa, có khi không được bữa nào.

"Thịt lợn là loại thực phẩm phổ biến nhất với người dân, không có món gì có thể thay thế lâu dài được. Nếu như mấy tháng trước cả gia đình ăn thoải mái 50.000 đồng thịt lợn, thì hiện nay, với sức tăng chóng mặt của giá cả, 50.000 đồng còn không đủ một bữa. Cứ ngày hôm nay tăng lên 130.000 đồng, ngày mai 140.000 đồng, tôi chẳng rõ còn số này còn 'leo thang' tới mức nào nữa".

Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 10.

Người dân đắn đo mua hàng trước cơn bão giá thịt lợn.

Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 11.

Với 50.000 đồng, thay vì 5 lạng thịt lợn như trước đây, người tiêu dùng chỉ có thể mua 3 lạng.

Chị Kim Anh (26 tuổi, quận Thanh Xuân) cho biết, chị mua 60.000 đồng một dẻ sườn heo, nhưng chỉ được 6 miếng. Xách túi xương trên tay, chị hơi... bàng hoàng, phải nhờ người bán hàng cân lại cho chắc chắn.

"Nghe nói thịt lợn tăng giá, nhưng tôi không nghĩ tăng cao như vậy. Trước đây tôi chỉ cần 30.000 đồng tiền xương là đủ nấu canh, nhưng giờ 60.000 - 70.000 đồng vẫn thấy... lèo tèo. Thịt lợn tăng nhanh không kiểm soát ảnh hưởng nhiều tới đời sống người dân. Nói chung vì thịt lợn, mọi thứ theo đó tăng lên vùn vụt".

Chị Xuân (quận Đống Đa) chạy đôn chạy đáo nhiều ngày qua để tìm mối đặt giò chả Tết từ bây giờ. Trước đó, nhiều gia đình đã bắt đầu "săn" thịt lợn trữ đông ngay thời điểm này, để dành chế biến những món ăn không cần thịt tươi sống, đồng thời đề phòng khan hiếm dịp gần Tết.

Trong khi đó, bạn Phạm Mai Anh (20 tuổi, sinh viên) dự định sẽ nhắn mẹ gửi thịt lợn từ quê (Thái Bình) lên Hà Nội, vì... không đủ tiền đi chợ trước "cơn bão giá" cấp độ "gay gắt" như hiện nay. "Bình thường em rất thích ăn thịt lợn nướng, nhưng giờ chỉ ăn mỗi thịt gà hoặc cá, vì giá cả rẻ hơn. Nhiều bạn sinh viên như em, thậm chí chỉ biết ăn trứng hoặc đậu phụ, vì các quán cơm cũng bắt đầu có xu hướng tăng giá". 

Tết đến nơi mà giá thịt lợn cứ trên trời: Người mua ám ảnh bánh chưng nhân cá! - Ảnh 12.

Trong thời gian tới, theo cảnh báo, giá thịt lợn sẽ còn tăng liên tục.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu cung thịt heo trong tháng 12 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn. Vì thế lượng thịt thiếu hụt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ quanh mức 300.000 tấn, cao hơn con số Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra cuối tháng 11.

Nguyên nhân việc tăng giá nêu trên, theo Bộ Công Thương là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).

Việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng, trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, do dịch tả lợn Châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh, tình hình dịch bệnh và số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại. Đồng thời, với giá thịt lợn cao cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy cũng sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt. Ngoài ra, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn an toàn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm áp lực cho nguồn cung trong nước.

Theo MINH NHÂN - CLIP: MINH HÀ/ KINGPRO

Từ khóa:  thịt lợn
Cùng chuyên mục
XEM