img
Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 1.

Với người Việt, Tết nguyên đán là sự kiện đặc biệt nhất trong năm. Không chỉ là dịp gia đình đoàn tụ, Tết còn là cơ hội để người thân, họ hàng, bạn bè gặp gỡ, mời nhau li rượu đầu năm, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp để mong một năm mới may mắn, an lành.

Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, câu chuyện thăm hỏi, quan tâm nhau lại một lần nữa được đặt lại. Năm nào, chuyện hỏi thăm nhau dịp Tết cũng là một chủ đề nóng, người thì lo ngay ngáy khi bị hỏi, người đôi khi lại vồn vã hỏi han mà không biết sự quan tâm của mình khiến người khác khó xử. Thế nên, khi Tết đã cận kề, lại cần phải học một chút cách quan tâm tinh tế để cảm nhận tình yêu thương của nhau một cách chân thành hơn.

Vì với nhiều người, Tết là nỗi sợ, khi phải đối phó với muôn vàn câu hỏi “khó chịu” từ người khác.

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 2.

Phải tới 5 năm liền, C bạn tôi chưa biết mùi Tết là gì. Đơn giản vì cứ đến dịp này là cậu lại book vé đi du lịch, hoặc tìm mọi cách để không ở Hà Nội. Vốn quá sợ hãi mớ câu hỏi của họ hàng, làng xóm mỗi dịp Tết, kiểu “bao giờ mới lấy vợ?” “đang làm đâu, lương tháng bao nhiêu?” …nên cứ Tết đến là C lại phải lên một kế hoạch đi trốn. Cậu cười bảo, trả lời người nào cũng như người nào, rồi lại giục giã. Cứ mỗi lần C về quê là họ hàng lại đến đông đủ, để xem ông cháu trưởng có dắt cô nào về ra mắt không. Không chỉ tác động vào C, bố mẹ cậu cũng bị lôi vào cuộc hỏi thăm không biết bao giờ mới đến hồi kết này.

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 3.

Bạn sẽ giật mình nhận ra, không hiểu từ bao giờ, những câu hỏi về mức lương, chuyện gia đình, chuyện yêu đương, chuyện sinh nở… trở thành những câu cửa miệng mà người ta thường hỏi nhau dịp Tết. Chưa thi đại học thì hỏi năm nay thi trường gì, sao không thi kinh tế mà đâm đầu vào kiến trúc. Vào đại học rồi thì lại hỏi học trường nào, có người yêu chưa, nhớ tem tém lại lo mà học ra trường kiếm việc làm ngon ngon. Ra trường rồi thì hỏi đang làm gì, ở đâu, lương tháng có thế thôi à, có người yêu chưa? Có người yêu rồi thì hỏi bao giờ cưới, định để các bác móm mém hết mới mời ăn cỗ à? Cưới rồi thì hỏi bao giờ đẻ, năm nay đẹp đó không đẻ đi còn đợi gì?


Mãi chưa đẻ thì bị xì xào, đẻ rồi thì lại bao giờ làm đứa nữa?... Trọn cuộc đời, chúng ta cứ phải sống mãi trong mớ câu hỏi xã giao có, quan tâm có… mỗi khi Tết đến.

Ơ, nhưng xét cho cùng, Tết là dịp để nghỉ ngơi, an nhàn, dành cho nhau sự quan tâm thật lòng, đúng không?

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 4.

Tiền lương thể hiện sự đánh giá năng lực lao động của bạn, nhưng không phải thước đo của hạnh phúc. Cả nhà tôi từng ngã ngửa khi nghe tin ông anh họ, du học sinh từ Mỹ về, vừa nghỉ việc lương tháng mấy nghìn đô ở một tập đoàn tư vấn chiến lược, để bắt đầu start up với dự án làm nông nghiệp sạch. Người lớn trong nhà vừa chê ông anh dại, lại vừa lấy đó làm gương để răn dạy lũ lít nhít. Anh tôi chỉ cười, không nói hay giải thích gì nhiều. Chỉ có lúc bên chén rượu cùng mấy anh em, anh mới chia sẻ thật lòng. Công việc của anh gần như không có ngày nghỉ, ngày nào cũng phải làm việc tới tối muộn. Giữa guồng máy của những người chạy đua cùng nhau, không chỉ là vị trí ngon hay mức lương cao, tới một ngày anh nhận ra mình đã chậm hơn cả thế giới này... phải vài chục mét. Anh tôi từng tự hỏi, đã bao lâu rồi mình chưa ra rạp xem một bộ phim, mua một cuốn sách mới hay hẹn hò với một cô gái nào đó? Mình có thực sự hạnh phúc với công việc hiện tại? Quyết định nghỉ việc trong một nốt nhạc, giờ anh đang bắt đầu một công việc mới, không có lương, nhưng hạnh phúc.

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 5.

Vì sao cứ phải lấy một ai đó mới tính là hạnh phúc? Vì sao con gái sau tuổi 25 lại bị ví như “quạt điện mùa đông”, bố mẹ chỉ muốn “giải quyết” nhanh cho gọn nhà? Bạn tôi vừa trở về sau chuyến du lịch Châu Phi. Với cô ấy, tự do là hạnh phúc. Được đi đến nơi mình yêu, làm điều mình thích mới là hạnh phúc. Dĩ nhiên, bạn tôi cũng không phải kiểu người tôn thờ cuộc sống độc thân hay bài xích chuyện yêu đương. Đơn giản với cô ấy, tình yêu sẽ đến vào một ngày nào đó, càng nôn nóng càng khó đến đích.

Hay như một cô bạn khác, vừa mới ra tòa tháng trước. Bước chân ra khỏi cuộc hôn nhân không có hạnh phúc, bạn tôi gần như được hồi sinh một lần nữa. Giờ cô mới hiểu thế nào là tự do và ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Không còn những trận cãi vã triền miên, không còn những lời lẽ làm nhau thương tổn, giờ cô sống một mình cùng con gái. Hai mẹ con làm mọi việc cùng nhau, thỉnh thoảng cuối tuần cô lại đưa con đi học vẽ hoặc làm bánh, vài tháng đi du lịch một lần. Dù biết chắc chuyện li hôn của mình sẽ lại là một đề tài Tết cho họ hàng, nhưng với cô điều đó đã không quan trọng nữa.

Hạnh phúc của mỗi người do chính họ cảm nhận. Không ai sống thay được cuộc đời người khác. Chỉ khi bạn quan tâm đến ai đó chân thành, bạn mới biết cách đặt những câu hỏi không khiến người khác khó xử.

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 6.

Từ kinh nghiệm mỗi lần đến nhà chúc Tết họ hàng, bạn bè, từ muôn vàn câu chuyện được nghe kể lại, tôi nhận ra rằng, có rất nhiều cách để bắt đầu một cuộc trò chuyện dịp Tết mà không khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Đầu tiên, bạn cần tránh xa một số chủ đề nhạy cảm như chuyện sinh nở, kết hôn, tiền bạc, lương bổng…

Hãy bắt đầu bằng những sự quan tâm. “Năm nay nhà bác có gì mới không?” “Công việc mới của anh thú vị chứ ạ?” “Cành đào đẹp quá, chắc cô chú phải lựa khéo lắm mới mua được” hoặc dành cho nhau những lời chúc về sức khỏe. “Năm nay cháu thấy bác trẻ hơn năm ngoái đấy, chắc bác vẫn đi tập dưỡng sinh đều đặn chứ ạ?” Người lớn khi nghe những câu hỏi đấy, chắc chắn sẽ đề cao sự quan tâm và tính cách của bạn.

Rồi hãy tiếp đến bằng việc nói chuyện sở thích. Trong vô số khách khứa đến nhà mỗi dịp Tết, tôi thích nhất ông chú họ của mình. Biết tôi thích đọc sách, lần nào đến, chú cũng đến xem giá sách một lượt, rồi hỏi han tôi có cuốn nào mới hay không, cuốn này đọc thì thế nào. Sẵn cơ hội được khoe tí kiến thức của mình về lĩnh vực này, tôi có thể nói chuyện cùng ông cả buổi không thấy chán.

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 7.

Hay như bác ruột tôi rất thích hoa lan. Chỉ chưa đến 15 phút Google, tôi đã có thể hỏi bác rất nhiều về các loại lan, cách trồng lan thế nào, nhà có ban công hướng không thuận sáng thì trồng loại lan nào phù hợp… Vì lẽ đó, bác tôi quý ông cháu nhất nhà, lần nào đến chúc Tết cũng pha ấm trà ngồi đàm đạo chuyện hoa trái.

Người Việt thường quan niệm, đầu năm nên nói những câu chuyện may mắn để cả năm được may mắn. Để tránh những câu chúc hố, những câu nói khó nghe, hãy nhớ rằng một cuộc trò chuyện sẽ thể hiện khả năng giao tiếp của bạn. Giao tiếp là một cách để thể hiện trình độ văn hóa. Thay vì dùng hàng loạt những mẫu câu chung chung, xã giao, hãy gắng đầu tư cho mỗi cuộc trò chuyện bằng cách tìm hiểu chút chút về gia đình bạn chuẩn bị đến chúc Tết. Đảm bảo phụ mẫu của bạn sẽ cung cấp thông tin đầy đủ ý mà. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 8.

Tất nhiên, không chỉ mình bạn là “nạn nhân” của những câu hỏi khó chịu ngày Tết. Rất nhiều người xung quanh chúng ta cũng sẽ có lúc phải đối mặt với những câu hỏi khó chịu. Thay vì đóng vai người bị hại, hãy chọn một thái độ đón nhận tích cực hơn, hoặc giản đơn, đổi chủ đề câu chuyện.

Bạn có biết đến 80% những cuộc hội thoại ngày Tết đa phần là nghi thức xã giao? Người họ hàng từng hỏi bạn sinh năm bao nhiêu năm ngoái, năm nay sẽ lặp lại câu hỏi y hệt. Bộ nhớ của chúng ta không cho phép mỗi người nhớ được mọi thứ. Đặt vào bạn, có phải bạn cũng quên sạch sẽ rằng mấy đứa em họ lâu không gặp năm nay bao nhiêu tuổi không? Mà đã là xã giao, chúng ta không cần quá đặt nặng tính nghiêm trọng trong mỗi câu nói.

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 9.

Bố mẹ cô bạn tôi luôn biết cách “đỡ đòn” cho con gái trước mỗi câu hỏi liên quan đến chuyện kết hôn. “Cưới xin gì, ở nhà bố mẹ còn phải chăm đây này, phải vài năm nữa tốt nghiệp lớp nữ công gia chánh mẹ dạy thì may ra mới “xuất chuồng” được”. Bác gái luôn cười chống chế như vậy, rồi nhìn con gái đầy âu yếm. Xem nào, nếu bạn bị dị ứng với những câu hỏi tế nhị như vậy, tại sao không nghĩ đến chuyện lôi kéo bố mẹ về phe mình nhỉ?

Hoặc thay vì đợi người khác hỏi, sao không chủ động đặt câu hỏi trước để chiếm được thế chủ động? Năm nay hai bác có đi du lịch được nhiều nơi không? Các anh chị vẫn ổn cả chứ ạ? Cháu nghe nói lĩnh vực anh nhà mình làm đang hot lắm, sau này ra trường chắc phải cần anh chỉ bảo nhiều. Hay như chị bạn tôi, thay vì chờ đợi câu giục cưới, toàn tìm cách “phủ đầu”: “Cô phải chuẩn bị may áo dài mới đi nhé, còn đi đám hỏi cho cháu nữa chứ…” Nhớ nhé, trong mọi trường hợp, chủ động luôn khiến bạn điều khiển được cuộc nói chuyện sao cho mọi người cùng vui vẻ.

Hoặc bạn cũng có thể đáp trả những câu hỏi “kém sang” ấy bằng cách trả lời hóm hỉnh. Nhờ tính năng AI được trang bị trên TV LG OLED, biết đâu bạn cũng sẽ như Jun Vũ, được “giải vây” khỏi những câu hỏi hóc búa ngày Tết và đem tới không khí năm mới dí dỏm cho cả gia đình.

Năm nào cả nhà cũng hỏi tôi bao giờ cưới vợ. Năm nào tôi cũng cười hề hề bảo các bác yên tâm, cỗ lúc nào cũng sẵn sàng, chỉ còn đợi cô dâu. Cả nhà lại cười rộ lên rồi nói sang chuyện khác. Dù đôi lúc cũng hơi khó chịu nhất là khi bị hỏi về chuyện này quá nhiều, nhưng tôi ngầm hiểu đằng sau những câu hỏi đó là sự quan tâm và tình yêu thương vô bờ bến của những người trong gia đình.

Tôi đã thấy mùi của Tết qua những cô hàng bán lá mùi. Tôi đã nhìn thấy Tết qua sắc hồng cành đào, màu vàng cây quất. Dù trong câu chuyện đầy những tính toan của mọi người để mong một cái Tết trọn vẹn mọi bề, vẫn không giấu được niềm vui lấp lánh. Niềm vui về những bữa cơm đoàn tụ, nơi bạn bè tôi đi học, đi làm xa có thể trở về bên mái nhà. Niềm vui nhìn thấy tụi nhóc lớn lên ngập tràn sức sống, trông thấy người già vẫn khỏe mạnh tinh thần minh mẫn. Niềm vui khi đứa em họ ngượng ngùng đưa bạn trai về nhà giới thiệu. Và niềm vui ấy chắc chắn cũng sẽ hiện hữu trong những lời hỏi han ân cần, qua sự quan tâm tế nhị, qua những câu hỏi đáng yêu để người ta thêm “nhớ về nhau”, thay vì “làm nhau đau”. Luôn nhắc nhớ: Tết mà, sao phải làm khó nhau! Tết năm nay, nhất định phải hơn Tết năm trước, bạn nhé!

Tết để yêu thương, hãy dành cho nhau những lời chúc thật ý nghĩa và tinh tế - Ảnh 11.
Trần Việt Anh
Nhật Ánh, Quân NH
Theo Trí Thức Trẻ31.01.2019

Trí Thức Trẻ