Test mãi mới ra dương tính: Có phải biến thể Omicron "né" xét nghiệm nhanh?

05/03/2022 19:55 PM | Xã hội

Nhiều trường hợp có đủ triệu chứng của Covid-19 nhưng test nhanh nhiều lần vẫn âm tính. Nhiều người lo lắng biến chủng Omiron "né" được cả xét nghiệm nhanh. Sự thật là gì?

Virus né test nhanh?

Chị Nguyễn Thị V. Hà Đông, Hà Nội chia sẻ chị xét nghiệm nhanh Covid-19 cho con trai học lớp 11 nhiều lần nhưng vẫn âm tính.

Được biết ở lớp, con chị ngồi học cạnh bạn bị F0 và cháu trở thành F1 phải nghỉ học ở nhà. Vài ngày sau cháu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, chị V. ra nhà thuốc gần nhà mua 2 bộ xét nghiệm.

Ngày đầu chị xét nghiệm cho con nhưng chỉ lên 1 vạch - âm tính. Nghi ngờ mình làm không đúng cách, hôm sau chị V. cẩn thận xem kỹ cách lấy mẫu trên mạng và làm xét nghiệm lại cho con nhưng vẫn lên 1 vạch. Trong khi đó, con chị vẫn đang sốt đến 38,5 độ, đau rát họng…

Chị V. định gọi dịch vụ xét nghiệm PCR, nhưng chị được người quen làm bác sĩ hướng dẫn lấy lại mẫu lần nữa bằng loại test khác. Chị V. ra nhà thuốc lớn mua một bộ kit xét nghiệm khác do một hãng dược lớn của Đức sản xuất. Lần xét nghiệm lại cho cậu con trai lớp 10 này đã cho kết quả 2 vạch.

Một trường hợp khác là chị Vũ Thị H. Hoàng Mai, Hà Nội, chị H. cho biết chị đau họng, sổ mũi, người sốt nhẹ khoảng 38 độ C nhưng chị làm xét nghiệm lại ra kết quả âm tính. Chị H. sốt ruột vì trong nhà ba mẹ có bệnh nền. Chị H. được giới thiệu ra trạm y tế hoặc bệnh viện lấy mẫu cho đúng. Kết quả, dù sau hai ngày có triệu chứng ho sốt nhưng khi ra ngoài lấy mẫu thì kết quả xét nghiệm vẫn âm tính.

Test mãi mới ra dương tính: Có phải biến thể Omicron né xét nghiệm nhanh? - Ảnh 1.

Test nhanh vẫn dò được virus chủng Omicron.

Bản thân chị H. vẫn tự cách ly trong phòng, đến ngày thứ 3 chị tự lấy mẫu xét nghiệm thì cuối cùng cũng lên hai vạch.

Theo BS Huynh Wynn Trần – Tổ chức y khoa VietMD, Hoa Kỳ, tình trạng âm tính giả không phải là hiếm và nó đã từng xuất hiện ở Mỹ vào tháng 1 khi làn sóng biến chủng Omicron diễn ra.

BS Wynn cho biết, với làn sóng Omicron đang đổ bộ vào Việt Nam, nhiều người có triệu chứng test âm tính và tưởng mình không mắc Covid mà chỉ bị cảm cúm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng vô tình lây bệnh cho người khác dù xét nghiệm nhanh âm tính. Tình trạng âm tính giả khá phổ biến khi thực tế có nhiều bệnh nhân có triệu chứng giống như Covid-19, xét nghiệm âm tính nhưng khi gửi đi xét nghiệm PCR thì phần lớn đều dương tính.

Vì sao âm tính giả?

Lý do xuất hiện tình trạng âm tính giả được bác sĩ Wynn giải thích như sau:

Thứ nhất, với người đã tiêm vắc-xin bị nhiễm virus thì cơ thể phản ứng nhanh hơn người chưa tiêm vắc-xin, virus vừa vào cơ thể thì kháng thể đã xuất hiện và tải lượng virus của người đã tiêm giảm hơn người chưa tiêm vắc xin nên bạn xét nghiệm âm tính.

Ngoài ra, xét nghiệm nhanh chỉ tìm ra 1 phần vỏ thông tin, mảnh protein của virus nên nếu mật độ virus thấp thì sẽ cho kết quả âm tính. Khoảng 1-2 ngày sau, khi lượng virus nhân đôi hoặc tăng lên thì chúng ta xét nghiệm lại sẽ lên dương tính.

Thứ hai, nếu virus không tập trung ở khoang mũi mà tập trung ở khoang miệng nhiều hơn thì chúng ta test cũng âm tính. Đã có nghiên cứu cho thấy với biến thể Omicron, virus thường tập trung ở nước bọt nhiều hơn ở phần tị hầu mũi. Vì vậy, người nhiễm Omicron hay xuất hiện các dấu hiệu hô hấp trên như chảy nhiều nước miếng, sổ mũi. Nên trong tương lai có thể kết hợp dùng các loại test nước bọt và dịch mũi để xét nghiệm biến thể Omicron.

Thứ ba, lấy mẫu xét nghiệm không đúng cách cũng cho kết quả test âm tính. Hiện có nhiều loại test nhanh và hiệu quả khác nhau nên cũng làm tăng tỷ lệ âm tính giả. Biến thể Omicron không phải né test nhanh, test nhanh vẫn dò được nếu đủ mật độ virus. Chúng ta dò đủ "ổ" của virus thì test nhanh vẫn có độ nhạy.

Với biến thể Delta, độ nhạy của test nhanh kháng nguyên là 81 % nhưng với biến thể Omicron độ nhạy giảm xuống chỉ còn 37% nên phần lớn đều cho kết quả test âm tính. Vì vậy, phần lớn chúng ta khi có triệu chứng và test nhanh thì sẽ âm tính. Điều này cũng khiến nhiều cơ quan xem xét lại giá trị của kết quả test nhanh hoặc cân nhắc thêm chất phụ gia kích thích để tăng độ nhạy của test nhanh – BS Wynn nói.

Khi có triệu chứng, lúc đầu xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính giả nhưng 1,2 ngày sau có thể sẽ dương tính. Vì vậy, khi có đủ các triệu chứng của Covid-19 thì người bệnh vẫn cần tự cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Mọi người cần chữa bệnh theo triệu chứng chứ không chữa theo xét nghiệm – BS Wynn cho biết.

Các triệu chứng kinh điển của Omicron là triệu chứng cảm thông thường kết hợp đau họng, sổ nước mũi. Nếu test nhanh âm tính, người bệnh cũng không nên vội mừng và có thể làm xét nghiệm PCR hoặc chờ thêm 1,2 ngày để test lại. Người bệnh cũng cần chữa các triệu chứng của bệnh ngay lập tức để giảm nhẹ tình trạng bệnh.

Theo Ngọc Anh

Từ khóa:  f0
Cùng chuyên mục
XEM