Tế bào ung thư mạnh hơn tế bào thường: 5 sai lầm có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh

13/05/2022 21:50 PM | Sống

Hiện nay rất nhiều người tin vào việc chữa ung thư qua những tin đồn. Bác sĩ chỉ ra 5 quan niệm sai lầm phổ biến người mắc ung thư hay gặp phải.

Theo các nghiên cứu hiện nay, ung thư đã và đang là gánh nặng trên toàn cầu. Theo các số liệu thống kê, tính đến 2020, cả thế giới có khoảng 19,2 triệu người mắc ung thư mới, số người tử vong vì ung thư lên đến gần 10 triệu người. Các con số này lần lượt tại Việt Nam là 182.000 và 123.000 người. Ung thư đứng thứ 2 trong số các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam.

Ung thư đang là vấn đề nổi bật, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trong khi các đơn vị y tế chính thống đang nỗ lực truyền đạt những thông tin mang tính khoa học thì mạng xã hội lại nhan nhản những tin đồn không đúng về ung thư, khiến nhiều bệnh nhân hoang mang.

TS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết, việc điều trị ung thư dễ bị ảnh hưởng bởi các tin đồn bởi cơ chế bệnh sinh và việc điều trị ung thư rất phức tạp, đòi hỏi đa mô thức và kết hợp nhiều chuyên khoa. Căn bệnh này vẫn còn nhiều bí ẩn, những cơ chế chưa được làm sáng tỏ và nhiều bệnh cảnh chưa được nghiên cứu phương thức điều trị, từ đó dẫn tới việc thường xuyên có các tin đồn sai về căn bệnh này, dẫn đến bệnh nhân bệnh ung thư dễ bị lợi dụng.

 Tế bào ung thư mạnh hơn tế bào thường: 5 sai lầm có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh - Ảnh 1.

Ung thư là "mảnh đất màu mỡ" cho những tin đồn. Ảnh minh họa.

Những quan niệm sai lầm về ung thư

BS Tuấn Anh liệt kê một số tin đồn hiện nay nhiều người mắc phải:

1. Ung thư là bệnh nan y không điều trị được

Đây là quan niệm mắc bệnh ung thư có nghĩa mang bản án tử hình. Nhiều người đang cảm nhận chủ quan rằng sau thời gian điều trị sẽ là tử vong, mà ít biết đến những người bệnh đã được điều trị thành công, đang sống khỏe mạnh. Hơn nữa, mỗi người bệnh là một trường hợp khác nhau. Với tiến bộ y học ngày nay, bệnh ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi hoặc có thể kéo dài thời gian sống đáng kể tùy loại ung thư, giai đoạn bệnh và đặc điểm sinh học. Một số loại ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh hơn 5 năm, vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm như: Ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng…

2. Ung thư là do... nghiệp báo

Yếu tố về tâm linh hoàn toàn sai lầm. Thực tế, ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư, gây thương tổn DNA của tế bào không hồi phục. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, xâm lấn phá hủy các tổ chức xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau.

3. PET/CT phát hiện sớm ung thư

Hiện nay rất nhiều người sử dụng PET/CT để chẩn đoán ung thư sớm nhưng điều này không phù hợp với tiêu chuẩn của xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm. Vai trò chủ yếu của PET/CT là đánh giá giai đoạn ung thư hay mức độ lan tràn của bệnh, đặc biệt là đánh giá di căn trên bệnh nhân đã có chẩn đoán mô bệnh học là ung thư.

PET/CT cũng được sử dụng trong đánh giá đáp ứng điều trị, theo dõi tái phát, tiến triển sau kết thúc điều trị. Còn trên đối tượng chưa có chẩn đoán mô bệnh học ung thư, giá trị của PET/CT rất thấp. Giá trị chẩn đoán của PET/CT cũng không phải là 100%.

4. Phẫu thuật sẽ làm bệnh phát triển, tử vong sớm hơn

Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai lầm này. Có một số trường hợp, kể cả những bệnh nhân giai đoạn muộn, được chỉ định phẫu thuật, nhưng là để giải quyết tạm thời tình trạng khối u, ví dụ như bít tắc đường tiêu hóa. Những phẫu thuật này ít có giá trị thay đổi tiên lượng, thay đổi thời gian sống thêm của người bệnh. Do đó, từ những thực tế này, nhiều người hiểu lầm việc "đụng dao kéo" sẽ gây tử vong sớm.

Ngoài ra, một số trường hợp cần phải phẫu thuật mới có thể đánh giá được tình trạng khối u. Việc chẩn đoán trước mổ chỉ là gián tiếp, vì đôi khi chẩn đoán có thể mổ, nhưng khi tiến hành mổ thì đã quá giai đoạn. Kể cả những bệnh nhân mổ đã được vét sạch khối u, nhưng do bản chất khối u ác tính nên vẫn tiến triển xấu đi.

5. Tin đồn sai về chuyện ăn uống khi mắc ung thư

TS.BS Đào Thị Yến Phi, nguyên Trưởng bộ môn dinh dưỡng, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết dinh dưỡng là một trong những khía cạnh dễ có những tin đồn không đúng nhất về bệnh ung thư. Bởi người bệnh thường có khuynh hướng tiếp nhận những thông tin đơn giản, còn những thông tin phức tạp họ sẽ né ra hoặc không muốn tiếp nhận nó.

Nhiều người quan niệm: "Nếu chẳng may ăn phải đồ ăn hay thực phẩm chức năng không phù hợp với người bệnh ung thư thì cũng không nguy hiểm gì". Thực tế, nếu người bệnh ăn phải những thực phẩm không được khuyến cáo dành cho bệnh nhân ung thư, như vậy sẽ dẫn đến rất nhiều nguy cơ.

Ví dụ, chế độ ăn đơn thuần là thực vật, chế độ ăn gián đoạn để bỏ đói tế bào ung thư có thể dẫn đến tình trạng suy kiệt cơ thể. Nguyên nhân là do tế bào tế bào bình thường sẽ chết trước do tế bào ung thư mạnh hơn rất nhiều lần so với tế bào bình thường.

 Tế bào ung thư mạnh hơn tế bào thường: 5 sai lầm có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh - Ảnh 2.

Dinh dưỡng cũng là 'mảnh đất màu mỡ' cho những tin đồn về căn bệnh ung thư.

Theo TS.BS Phạm Nguyên Quý, khoa ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), hậu quả của tin đồn không đúng về bệnh ung thư ảnh hưởng đến tiên lượng sống, chất lượng sống của người bệnh.

Có những người được chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm, những loại ung thư đáp ứng rất tốt với hóa trị và điều trị. Nhưng họ lại tin nhiều người dùng các loại thuốc, thực phẩm chức năng mà bỏ đi quá trình điều trị bằng các phương pháp hiện đại.

"Nhiều ca ung thư giai đoạn 4 vẫn có thể chữa lành, như Lymphoma/Ung thư hạch, ung thư tinh hoàn. Gần đây các thuốc đích và liệu pháp miễn dịch chính thống lại có thể giúp bệnh nhân giai đoạn 4 sống lâu hơn, nhiều ca ung thư thực sự chữa lành hoặc thành 1 bệnh mạn tính", BS Quý nhấn mạnh.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tin vào những lời đồn trên mạng mà chưa có ý kiến xác thực.

Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và phòng tránh:

Như việc hút thuốc, uống rượu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn, không tiêm phòng viêm gan B và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời,…

Có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được là tuổi tác, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh. Hầu hết từng trường hợp cụ thể, bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán nguyên nhân vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong toàn bộ đời sống.

Theo Lê Liên

Cùng chuyên mục
XEM