Tàu vũ trụ Orion đáp xuống Trái đất an toàn sau chuyến thám hiểm mặt trăng

12/12/2022 14:56 PM | Công nghệ

Tàu không gian Orion của NASA đã đáp xuống Thái Bình Dương an toàn vào ngày 11/12, hoàn thành sứ mệnh Artemis 1.

Đây là hành trình kéo dài hơn 25 ngày thám hiểm quanh mặt trăng với mục tiêu đưa con người trở lại đó sau vài năm.

Sau khi bay qua bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ 40.000 km/h (25.000 dặm/h), tàu vũ trụ Orion không người lái đã hạ cánh xuống biển với sự trợ giúp của ba chiếc dù lớn màu đỏ và trắng. Sau vài giờ, con tàu được một tàu Hải quân Mỹ trục vớt ở vùng biển ngoài khơi bờ biển Baja California của Mexico.

Tàu vũ trụ có hình dạng như một viên kẹo cao su này phải chịu được nhiệt độ 2.800 độ C (5.000 độ F) khi nó đi vào bầu khí quyển của Trái đất. Mục tiêu chính của nhiệm vụ lần này là kiểm tra lá chắn nhiệt của tàu Orion trước khi thực hiện chuyến bay có phi hành đoàn ở trên tàu.

NASA đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào sứ mệnh Artemis nhằm đưa con người trở lại mặt trăng và chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo vào một ngày nào đó tới sao Hỏa.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tàu được thực hiện vào năm 2014, nhưng lúc đó tàu vẫn ở trong quỹ đạo của Trái đất, quay trở lại bầu khí quyển với tốc độ chậm hơn, khoảng 20.000 dặm/h.

Tàu vũ trụ Orion đáp xuống Trái đất an toàn sau chuyến thám hiểm mặt trăng - Ảnh 1.

NASA và Lockheed Martin đang chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên của tàu vũ trụ Orion trong Sứ mệnh Thám hiểm 2, dự kiến vào tháng 4/2023. (Ảnh: Lockheed Martin)

Tàu USS Portland được định vị để thu hồi tàu Orion, nhiệm vụ được NASA cho diễn tập trong nhiều năm. Máy bay trực thăng và thuyền bơm hơi cũng được triển khai cho nhiệm vụ này.

Tàu vũ trụ hạ xuống và giảm xuống tốc độ còn 20 dặm/h (30 km/h) một giờ khi nó chạm vào vùng nước trong xanh của Thái Bình Dương.

NASA hiện để Orion trôi nổi trong khoảng hai giờ, lâu hơn rất nhiều so với khi tàu có các phi hành gia ở bên trong, để thu thập dữ liệu. Ông Jim Geffre, Giám đốc tích hợp tàu Orion của NASA, cho biết: "Chúng tôi sẽ kiểm tra cách nhiệt hấp thụ trở lại module phi hành đoàn và điều đó ảnh hưởng đến nhiệt độ bên trong như thế nào".

Sau đó, các thợ lặn gắn dây cáp để nâng Orion lên tàu hải quân USS Portland và đi tới hướng đến San Diego, California, nơi tàu vũ trụ sẽ được dỡ xuống vài ngày sau đó.

Khi trở về Trái đất, tàu vũ trụ đã bay được 1,4 triệu dặm kể từ khi nó cất cánh vào ngày 16/11 với sự trợ giúp của Hệ thống Phóng Không gian (SLS) thế hệ tiếp theo của NASA.

Tàu Orion đã bay cách bề mặt mặt trăng chưa đến 80 dặm (130 km). Và nó đã phá kỷ lục về khoảng cách đối với mặt trăng có thể đạt được của một tàu vũ trụ, cách Trái đất khoảng 268.000 dặm (432.000 km).

Theo Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục
XEM