Tàu chở container chạy thẳng châu Âu mở ra hướng đi kinh tế cho đường sắt

02/03/2022 19:45 PM | Xã hội

Từ tháng 7/2021, sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khai trương chuyến tàu chuyên container đầu tiên sang Bỉ (châu Âu) xuất phát từ ga Yên Viên (Hà Nội), đến đầu tháng 3 tới, VNR dự kiến sẽ tổ chức tiếp đoàn tàu chuyên container xuất phát từ Đà Nẵng chạy thẳng châu Âu bằng đường sắt liên vận quốc tế, mở ra hướng đi mới cho ngành Đường sắt.

Tàu chở container liên vận quốc tế ngày càng phát triển

Theo Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (VNR), đường sắt sẽ tổ chức đoàn tàu chuyên container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi châu Âu vào tháng 3/2022. Đoàn tàu gồm 23 container 40 feet, chạy từ Đà Nẵng đến Đông Anh (Hà Nội) bằng đường sắt khổ 1.000 mm, sau đó chuyển toàn bộ container sang toa khổ 1.435 mm. Tàu sẽ tiếp tục chạy đến ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng, làm thủ tục thông quan sang đường sắt Trung Quốc, đến ga Trịnh Châu và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích.

Đoàn tàu chuyên chở hàng nội thất của hãng IKEA xuất châu Âu. Hàng sẽ được trả tại nhiều thành phố như Liege (Bỉ), Hamburg (Đức), Melzo (Italia)... Hãng IKEA là một trong những đối tác của VNR có khối lượng hàng từ Việt Nam đi châu Âu bằng đường sắt lớn nhất hiện nay, với tổng khối lượng đã xuất hàng bằng đường sắt đến nay đạt khoảng 900 FEU (tương đương 1.800 TEU). Hàng container của hãng này được gom tại các điểm về Hà Nội bằng đường sắt hoặc đường bộ để lập tàu liên vận quốc tế, nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí logistics cho khách hàng.

 Tàu chở container chạy thẳng châu Âu mở ra hướng đi kinh tế cho đường sắt  - Ảnh 1.

Tàu chở container chạy thẳng châu Âu mở ra hướng đi mới cho đường sắt. Ảnh: Ratraco.

Từ trước đến nay, ngành Đường sắt Việt Nam vẫn chạy tàu hàng liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa sang châu Âu, nhưng bằng hình thức gom container về các ga tập kết tại Trung Quốc và nối vào các đoàn tàu Trung Quốc đi tiếp đến điểm trả hàng, chưa có hình thức chuyên tuyến tàu container chạy thẳng. Hiện  nay, VNR đang duy trì khoảng 3 đoàn tàu chuyên container/tuần xuất phát tại ga Yên Viên và hình thức tàu liên vận quốc tế này cho thấy ngày càng hiệu quả, được nhiều khách hàng lựa chọn.

Đường sắt Việt Nam đến nay đã vận chuyển hàng hóa chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, giầy da, hóa mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh, trái cây.. .từ Việt Nam sang các nước như: Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức... Ngoài ra, Đường sắt Việt Nam cũng  đang tiếp nhận vận chuyển hàng từ Thái Lan, Campuchia… bằng đường bộ sang Việt Nam, sau đó vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đi các nước.

Thời gian cụ thể của đoàn tàu container chuyên tuyến xuất phát tại ga Yên Viên đến ga Almaty (Kazakhstan) từ 12 - 14 ngày, đến ga Moscow (Nga) từ 23 - 25 ngày, đến ga Duisburg (Đức) từ 25 - 26 ngày.

Hiệu quả kinh tế 

Qua tìm hiểu, các đoàn tàu chuyên container chạy liên vận quốc tế sang Bỉ xuất phát từ ga Yên Viên (Hà Nội), điểm đến là thành phố Liege (Bỉ), sau đó chuyển container tiếp bằng đường bộ đến điểm đích là TP Rotterdam (Hà Lan). Các chuyến tàu này hiện do Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco - VNR) kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến điểm đích.

Việc tổ chức thành công các đoàn tàu này mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi sâu nội địa châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan. Ratraco và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến/tháng xuất phát tại Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong nước và quốc tế, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn, vận tải đường sắt liên vận đang được nhiều khách hàng lựa chọn, vì có ưu thế kết nối khép kín với hệ thống đường sắt quốc tế, thời gian vận chuyển đi/đến đúng giờ, chi phí vận tải phù hợp...

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo VNR, việc tổ chức các đoàn tàu chuyên biệt liên vận quốc tế còn mở ra tuyến vận tải không nguyên đoàn, chạy theo đơn đặt và nhu cầu của khách hàng tùy đích đến ở châu Âu trong tương lai.

Thực tế, về hạ tầng, Đường sắt Việt Nam hiện đã kết nối với đường sắt Trung Quốc qua 2 cửa khẩu chính là ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng và ga Liên vận quốc tế Lào Cai. Ga Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) là ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, được nối với ga Bằng Tường (tuyến Hành Dương - Bằng Tường), kết nối với Trung Quốc tại khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Thông qua cửa khẩu này, hàng hóa từ Việt Nam có thể vận chuyển bằng đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc, quá cảnh Trung Quốc đến các nước Trung Á, Tây Á, Châu Âu và ngược lại.

Tại cửa khẩu ga Lào Cai, đường sắt Việt Nam kết nối ray với đường sắt khổ 1.000 mm Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - ga Sơn Yêu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Thông qua cửa khẩu này, hàng trên tàu khổ 1.000 mm từ Việt Nam vào trong nội địa Trung Quốc có thể sang toa trên tàu khổ 1.435 mm tại ga Hà Khẩu Bắc để hòa mạng đường sắt Trung Quốc đi các tỉnh khác của Trung Quốc hoặc tiếp chuyển tàu tốc hành Trung - Âu (China-Europe Express) để đi châu Âu.

Với tuyến đường sắt container, đang mở ra cho ngành Đường sắt Việt Nam trục vận tải mới chuyên tuyến, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp dọc tuyến vận chuyển bằng đường sắt, vì phía Trung Quốc có cơ chế giá linh hoạt để thu hút nhiều mặt hàng vận chuyển. Trong khi, tại các đích đến Trung Á, Tây Á, châu Âu, đường sắt tồn tại nhờ hàng quá cảnh, đang tạo ra các chính sách giá cước ưu đãi. Đây sẽ là cơ hội vận chuyển cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu với chi phí, thời gian vận chuyển hợp lý.

Vân Sơn

Từ khóa:  tàu
Cùng chuyên mục
XEM