Tàu Cát Linh - Hà Đông tuần đầu bán vé: Mỗi ngày chở bao nhiêu khách? Có phải bù lỗ không?

30/11/2021 10:24 AM | Kinh doanh

Theo TS Bình, số bình quân hơn 16.000 khách/ngày trong tuần đầu bán vé của đường sắt Cát Linh - Hà Đông tương đối khả quan và so với khách đi 1 tuyến xe buýt phải gấp 5 - 6 lần.

Hơn 16.000 khách đi tàu mỗi ngày không phải ít

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, trong tuần đầu thực hiện thu tiền từ 21 đến 27/11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác 1.421 chuyến tàu, chở 113.024 hành khách. Bình quân mỗi ngày có 16.146 hành khách đi tàu.

Tính trung bình mỗi chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông có 79,5 khách, tương đương 8,2% sức chở tối đa của đoàn tàu (mỗi đoàn được thiết kế với sức chở tối đa 960 người). Trong đó, tỷ lệ khách thuộc đối tượng miễn phí là 4%, khách mua vé tháng 20,3%.

Theo ông Trường, hành khách đi thường xuyên bằng vé tháng có xu hướng tăng, khách đi trải nghiệm có xu hướng giảm vì đã đi trải nghiệm nhiều trong 15 ngày miễn phí.

Trước đó, trong 15 ngày tàu Cát Linh - Hà Đông chạy miễn phí, bình quân mỗi ngày có hơn 25.000 hành khách đi tàu.

Trao đổi với PV, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho hay, với hơn 16.000 hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông mỗi ngày là con số không phải ít.

 Tàu Cát Linh - Hà Đông tuần đầu bán vé: Mỗi ngày chở bao nhiêu khách? Có phải bù lỗ không? - Ảnh 1.

Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Việt Hùng.

"Trong 2 tuần mở cửa miễn phí thì một phần lớn lượng khách mang tính chất tham quan, trải nghiệm chứ không phải người có nhu cầu đi thực tế.

Sau khi bước vào thu phí thì nhu cầu thật mới thể hiện, do vậy, số lượng khách giảm nhiều so với trước là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, con số bình quân hơn 16.000 khách/ngày tương đối khả quan, nhất là so sánh với lượng khách đi lại ở một tuyến xe buýt, thì phải gấp 5 - 6 lần", TS Bình nêu.

Vị chuyên gia này chỉ rõ, không nên so sánh số lượng hành khách đi lại trong thời gian đầu của dự án với công suất thiết kế, bởi đây là loại hình giao thông hoàn toàn mới, người dân cần phải có thời gian để làm quen, có thể từ 3 - 6 tháng chứ không thể tăng vọt lên bằng công suất thiết kế trong vài ba tuần đầu.

Đồng thời, con số trong 1 tuần qua chưa thể đánh giá được điều gì mà cần vài tháng mới chính xác.

"Chưa kể, việc đi lại bằng tàu này chỉ là một phần của chuyến đi còn hành khách sẽ phải đi bộ, hoặc xe ôm, taxi ở hai đầu chuyến đi hay chuyển đổi sang xe buýt ở các ga giữa chừng... Điều này sẽ khiến người ta phải cân nhắc nhiều.

Tuy vậy, với tình hình giao thông luôn ùn tắc ở đường Nguyễn Trãi và một số khu vực khác vào giờ cao điểm thì việc đi tuyến đường sắt này có ưu điểm cực kỳ lớn là giúp di chuyển qua một cách dễ dàng rồi chuyển sang dùng các phương tiện khác", TS Bình bày tỏ.

Đối với, tỷ lệ khách đi vé tháng mới đạt hơn 20%, theo ông Bình là thấp, bởi, tỷ lệ sử dụng vé tháng ở nhiều nước lên đến 70% vì đây là phương tiện chính cho những người đi học, đi làm.

Với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Bình nhìn nhận cũng rất phù hợp với những người có lộ trình đi lại cố định như học sinh, sinh viên và dân văn phòng.

Nhưng do dịch Covid-19, hành khách chính của tàu điện là học sinh, sinh viên các trường dọc tuyến vẫn học online, còn dân văn phòng nhiều nơi vẫn làm việc cách nhật.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chắc chắn phải bù lỗ

Một số ý kiến cho rằng, lượng khách đi mới chỉ đạt trung bình 8,2% so sức chở tối đa của đoàn tàu, như vậy, lượng tiền thu về chưa thể bù lại chi phí vận hành chứ chưa nói đến trả nợ cho chi phí xây dựng.

Về việc này, TS Bình nêu rõ, dự án này được vay bằng vốn ODA của Trung Quốc và trả nợ bằng ngân sách Nhà nước chứ không phải nguồn thu từ dự án. Do đó, không nên đặt ra vấn đề lấy nguồn thu của dự án để trả nợ cho chi phí xây dựng.

 Tàu Cát Linh - Hà Đông tuần đầu bán vé: Mỗi ngày chở bao nhiêu khách? Có phải bù lỗ không? - Ảnh 2.

Hành khách mua vé tại ga tàu.

"Quá trình vận hành phải trả các chi phí thường xuyên cho lực lượng phục vụ, tiền điện, khấu hao..., tuy nhiên, với nguồn thu từ giá vé khó có thể trả đủ chi phí thường xuyên chứ chưa nói đến việc hoàn vốn xây dựng.

Việc này cũng dễ hiểu, bởi giá vé phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với túi tiền của người dân. Đường sắt đô thị của các nước khác cũng vẫn phải bù lỗ và chắc chắn, với Cát Linh - Hà Đông sẽ phải bù lỗ", ông Bình nêu thêm.

Vị chuyên gia giao thông này nhấn mạnh, chắc chắn đơn vị quản lý sẽ phải có nhiều biện pháp để tăng tính hấp dẫn, thu hút thêm người dân đi tàu nhằm giảm phần bù lỗ cho Nhà nước.

"Trong lúc việc bù lỗ từ ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ xảy ra thì tôi cho rằng, có một nguồn thu ngoài bán vé có thể giúp giảm bớt vấn đề này đó là quảng cáo bằng cách dán các tấm pano, decal lên thành tàu, trong tàu hoặc các nhà ga.

Nguồn thu quảng cáo này sẽ là khá lớn và tôi khuyến nghị nên thực hiện", TS Bình đề nghị.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cũng cho hay, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới đi vào hoạt động được một vài tuần nên chưa thể đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, với con số hơn 16.000 người/ngày sử dụng sau 1 tuần bán vé là tín hiệu đáng mừng bước đầu.

Ông Thủy cho rằng, với những người dân sinh sống, làm việc… ở cách các trạm dừng lên - xuống của tàu khoảng 1km trở lại thì đi tàu Cát Linh - Hà Đông rất thuận tiện.

Tuy nhiên, để người dân sử dụng tàu điện trên cao đông hơn cần có sự kết nối giữa các loại hình giao thông thật tốt, ví dụ như trạm xe buýt, taxi, điểm trông giữ phương tiện cá nhân…

“Có như vậy, hành khách khi sử dụng mới thấy được tính tiện ích khi kết nối với tuyến đường sắt, nhiều người có thể sử dụng.

Nếu đi cả tuyến đường sắt chỉ mất chưa đầy 30 phút mà lại mất thêm 30 phút để chờ xe, đi bộ hay bắt xe tới nơi khác thì sẽ ít người sử dụng", ông Thủy nêu.

Do vậy, theo ông Thủy, thành phố cần nghiên cứu để bố trí, ưu tiên những khu vực phục vụ nhu cầu này của người dân và cần phải kết hợp nhiều giải pháp để thay đổi thói quen từ bỏ phương tiện cá nhân, chuyển sang phương tiện công cộng.

Để lượng khách chọn tàu Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện di chuyển trong thời gian tới đông hơn nữa, ông Vũ Hồng Trường mong muốn người dân tăng cường đi bộ đến các nhà ga. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tăng cường thêm các phương tiện công cộng để tiếp cận nhà ga.

"Chỉ một tuyến đường sắt đô thị không thể giải quyết căn cơ được toàn bộ vấn đề, song nó là sự khởi đầu và nỗ lực của thành phố trong việc phát triển giao thông công cộng.

Chúng tôi cũng đã cố gắng triển khai các giải pháp để đảm bảo chạy tàu an toàn và thu hút đông người dân đi tàu. Nhưng muốn thành công thì cần người dân phải thay đổi thói quen, đặc biệt là hình thành văn hoá đi bộ”, ông Trường nói thêm.

Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM