Tàu cao tốc Lào-Trung "đắt hàng" với các doanh nghiệp láng giềng - Gạo, cà phê Lào vươn xa

02/02/2022 20:15 PM | Xã hội

Một quan chức Lào cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Myanmar giao thương với Trung Quốc bằng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung.

Báo Vientiane Times (Lào) hôm 1/2 dẫn lời Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI), ông Daovone Phachanthavong, cho biết nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia Thái Lan, Việt Nam, Campuchia hiện đang sử dụng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc để xuất nhập khẩu hàng hóa đến và đi từ Trung Quốc và xa hơn nữa.

"Cửa sáng" cho kinh tế Lào và ASEAN

Theo ông Daovone, số lượng hàng hóa được vận chuyển giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN thông qua tuyến đường sắt này đang tiếp tục gia tăng, và đây là một thông tin tích cực đối với kinh tế Lào.

Ông Daovone cho hay: "Tôi kỳ vọng nền kinh tế của Lào sẽ cải thiện trong năm nay nhờ tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung đã được đưa vào sử dụng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Myanmar giao thương với Trung Quốc bằng tuyến đường sắt này."

"Ngoàn việc vận chuyển hàng hóa qua lại giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN kể trên, nhiều người dân ở các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan, đã bày tỏ mong muốn được đi trên tàu cao tốc Lào-Trung thăm Vang Vieng và Luang Prabang khi đại dịch COVID-19 lắng xuống", quan chức này nói thêm.

Cũng theo ông Daovone: "Tôi chắc chắn rằng khi tình hình dịch bệnh lắng xuống và các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, nhiều người Trung Quốc cũng sẽ đến du lịch tại Lào và các quốc gia ASEAN khác, và sẽ sử dụng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung. Điều này sẽ đem lại lợi nhuận trực tiếp cho các khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn".

Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 12/2021, tuyến Đường sắt cao tốc Lào-Trung đã mở rộng khả năng xuất khẩu đến Trung Á, Trung Đông, Nga và châu Âu cho Lào, cũng như các quốc gia láng giềng.

Ông Daovone cho biết: "Nhiều công ty đang xem xét đầu tư vào Lào vì hàng hóa từ các nước ASEAN hiện có thể được vận chuyển đến châu Âu thông qua tuyến Đường sắt cao tốc Lào-Trung. Gạo và cà phê từ Lào đã được chuyển đến châu Âu thông qua tuyến đường sắt, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian so với hình thức vận chuyển bằng đường biển".

Đến nay, tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung đã vận chuyển hơn 1 triệu hành khách và 500.000 tấn hàng hóa, bao gồm 100.000 tấn hàng hóa xuyên biên giới kể từ khi đi vào hoạt động vào tháng 12/2021.

Tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung là một dự án mang tính bước ngoặt, kết nối giữa Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường do Trung Quốc đề xuất và chiến lược của Lào nhằm chuyển mình từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm liên kết với đất liền.

Theo Công ty Đường sắt Côn Minh của Trung Quốc: "Hiện tại, danh mục hàng hóa của tuyến đường sắt không ngừng mở rộng, từ các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và phân bón đến các sản phẩm thông tin liên lạc, điện quang, ô tô và các sản phẩm dệt may. Khối lượng vận chuyển gạo, bia, thực phẩm khác và các mặt hàng sử dụng hàng ngày cũng đang tăng lên".

 Tàu cao tốc Lào-Trung đắt hàng với các doanh nghiệp láng giềng - Gạo, cà phê Lào vươn xa - Ảnh 1.

Thông tin về tuyến đường sắt Lào-Trung

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, một ví dụ gần đây nhất là trong tháng 1 vừa qua, Thái Lan đã xuất khẩu lô hàng 1.000 tấn gạo đầu tiên bằng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung - sự kiện đánh dấu "chương mới trong lịch sử trong lịch sử xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan sang thị trường tỷ dân."

Lô 1.000 tấn gạo Thái nói trên đã được chất đầy 20 toa tàu cao tốc Lào-Trung Quốc và được vận chuyển đến thành phố Trùng Khánh. Ông Alongkorn Polabutr, cố vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan, cho biết nước này sẽ tiến tới xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp khác thông qua tuyến đường sắt cao tốc mới này.

Theo ông Alongkorn, trái cây Thái Lan có thể được vận chuyển đến Trùng Khánh chỉ trong vòng 1-2 ngày nhờ tuyến đường sắt, do đó chúng vẫn giữ được độ tươi ngon. Điều này sẽ cho phép Thái Lan mở rộng sang các thị trường ở Trung Quốc.

Với những lợi thế này, chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch tận dụng tuyến đường sắt Lào-Trung nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Bộ Giao thông vận tải Thái Lan trước đó đã tiết lộ kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt kết nối với tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung để tạo ra một liên kết giao thông liên biên giới liền mạch.

Việt Nam hiện đang giữ vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên việc tận dụng lợi thế của tuyến đường sắt Lào-Trung có thể giúp Thái Lan có thêm lợi thế trong cuộc đua này./.

Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM