Tập trung giải ngân, kiên quyết xử lý nhà thầu yếu kém thi công cao tốc Bắc-Nam

25/11/2022 14:10 PM | Kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Sở GTVT, ban Quản lý dự án (QLDA) các địa phương tập trung cao độ vào công tác giải ngân, có thái độ kiên quyết đối với những nhà thầu có năng lực thi công yếu kém trên cao tốc.

Tập trung giải ngân, kiên quyết xử lý nhà thầu yếu kém thi công cao tốc Bắc-Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải ngân các dự án của Bộ GTVT vào chiều 24/11

Chiều 24/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các cơ quan tham mưu, các chủ đầu tư, ban QLDA, Sở GTVT các địa phương nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án giao thông do Bộ GTVT quản lý.

Giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước

Báo cáo Bộ trưởng, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, dự kiến đến hết tháng 11/2022, Bộ GTVT giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm) gồm: 31.174 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 63% và 3.709 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 68,2%.

Con số này hiện cao hơn so với bình quân giải ngân của cả nước (cả nước giải ngân khoảng 57% theo số liệu cập nhật của Bộ Tài chính).

Để đạt được mục tiêu phấn đấu giải ngân 95-100% kế hoạch, trong 2 tháng cuối cùng của năm 2022, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.150 tỷ đồng.

Trong đó, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng; 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải giải ngân 4.968 tỷ đồng; các dự án ODA phải giải ngân thêm 1.731 tỷ đồng; các dự án trọng điểm, cấp bách phải giải ngân 874 tỷ đồng; các dự án giao thông trong nước còn lại cần giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng.

24 dự án chưa đáp ứng kế hoạch giải ngân

Mặc dù có kết quả giải ngân tương đối tốt, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết vẫn có tới 24 dự án chưa đáp ứng kế hoạch giải ngân.

Cụ thể, đối với nhóm các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn chậm khoảng 17,3% (262 tỷ đồng); Nha Trang - Cam Lâm chậm khoảng 9,8% (gần 77 tỷ đồng); Diễn Châu - Bãi Vọt chậm khoảng 27,3% (164 tỷ đồng).

Đối với nhóm các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, 4 dự án giải ngân vốn giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm gồm: Dự án đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng chậm khoảng 17% (71 tỷ đồng); Vũng Áng - Bùng chậm khoảng 12% (29 tỷ đồng); Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chậm khoảng 37,6% (492 tỷ đồng) và Vân Phong - Nha Trang chậm khoảng 55,4% (268 tỷ đồng).

5 dự án ODA chưa đáp ứng tiến độ giải ngân như: Tân Vạn - Nhơn Trạch chậm khoảng 54,1% (350 tỷ đồng); Kênh nối Đáy - Ninh Cơ (WB6) chậm khoảng 14,5% (gần 59 tỷ đồng)...

11 dự án thuộc nhóm sử dụng vốn đầu tư công chậm giải ngân, trong đó có các dự án như: Tuyến tránh TP. Cà Mau; dự án nâng cấp QL279; dự án tuyến tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…

Tập trung giải ngân, kiên quyết xử lý nhà thầu yếu kém thi công cao tốc Bắc-Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao cho 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) phải được giải ngân hết. Ảnh: Huy Hùng

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhận định, đối với khối lượng phải giải ngân còn lại, lo ngại nhất là nhóm các dự án giao cho 7 địa phương đều chậm.

“Với những dự án như công trình nâng cấp QL 21B đoạn Sở Dầu - Ba Đa, nếu địa phương không quyết liệt triển khai, đặc biệt là công tác GPMB, Bộ GTVT sẽ xem xét khoanh lại, bàn giao cho địa phương, không đầu tư tiếp”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Kiên quyết xử lý nhà thầu yếu kém

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đánh giá, nhóm dự án quan trọng, cấp bách được giao cho 7 địa phương đang là nhóm có nguy cơ khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ giải ngân nhất. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu Sở GTVT, ban QLDA các địa phương tập trung cao độ, có thái độ kiên quyết đối với tất cả các nhà thầu có năng lực thi công yếu kém.

“Tăng cường phân cấp phân quyền đúng nơi, đúng chỗ, nơi nào tập trung làm tốt thì phân cấp. Đồng thời, phải có chế tài xử lý đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, không thể đánh giá người làm tốt như người làm không tốt", Bộ trưởng yêu cầu.

Riêng đối với 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), Bộ trưởng yêu cầu 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao cho các dự án này phải được giải ngân hết.

"Đoạn Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn phải tập trung tối đa nhân lực, máy móc, tăng cường '3 ca, 4 kíp' bảo đảm đưa vào khai thác vào ngày 31/12/2022.

Đối với 2 dự án còn lại phải dồn lực để đạt được mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay và đưa vào khai thác từ tháng 4/2023. Các ban QLDA phải được bám sát, theo dõi từng ngày, vướng mắc ở đâu phải gỡ ngay ở đó”, Bộ trưởng yêu cầu.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng yêu cầu các ban QLDA phải khẩn trương hoàn thành hồ sơ thẩm định, thiết kế, dự toán để 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công vào cuối năm 2022 theo đúng kế hoạch.

Còn 13 gói thầu còn lại, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng phải tiếp tục phối hợp với các ban hoàn thiện hồ sơ phê duyệt, thực hiện chỉ định thầu sớm nhất có thể. Các công đoạn này phải cơ bản xong trước Tết Nguyên đán (trước ngày 15/1/2023).


Theo Phan Trang

Cùng chuyên mục
XEM