Tập thể dục ngày nắng nóng có thể hại sức khỏe: Chuyên gia nêu 3 điều cần làm để bảo vệ bản thân

21/06/2021 15:45 PM | Sống

Theo chuyên gia, tập thể dục thể thao là hoạt động tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, khi trời nắng nóng đỉnh điểm tới 40 độ C, nếu không tập thể dục đúng cách có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Tập thể dục ngày nắng nóng không đúng cách sẽ gây hại

Ngày 18/6, Bộ Y tế đã có công văn 4919/BYTT-KHTC đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân trong điều kiện nắng nóng 2021.

Theo Bộ Y tế, miền Bắc đang phải trải qua một đợt nắng nóng cao điểm với nền nhiệt độ trung bình từ 37-40 độ C. Với điều kiện thời tiết như hiện tại, người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà, nhất là vào thời điểm ánh nắng còn gay gắt, nhiệt độ ngoài trời vẫn còn ở mức cao.

Theo PGS.TS.BS. Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn sẽ rất tốt cho cơ thể, nhằm phát triển thể chất, nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng. Nhưng trong điều kiện nắng nóng, nếu tập luyện thể dục thể thao không đúng cách thì có thể gây hại sức khoẻ.

 Tập thể dục ngày nắng nóng có thể hại sức khỏe: Chuyên gia nêu 3 điều cần làm để bảo vệ bản thân  - Ảnh 1.

Tập thể thao khi trời nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Nắng nóng khiến cho nhiệt độ tăng cao, kéo theo hiện tượng bức điện từ lớn, tia cực tím UV (UVA, UVB, UVC) xuyên qua tầng ozon gây tác hại lên sức khỏe con người. Ngoài ra, nắng nóng còn khiến chất độc (bụi kim loại nặng, hữu cơ bay hơi…) từ chất lỏng, chất khí, chất rắn bốc hơi làm tăng ô nhiễm không khí, càng bất lợi cho sức khoẻ.

TS.BS Kha cho hay: "Tình trạng nắng nóng kéo dài, nếu làm việc hoặc tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời có thể gây ra tình trạng bức xạ nhiệt, tích nhiệt, mất nước, mất điện giải, rối loạn điều hòa thân nhiệt, mất năng lượng… và xuất hiện các hiện tượng như: cảm nắng, cảm nóng, kiệt sức, đột quỵ…".

Lưu ý khi tập thể dục ngày nắng nóng

TS.BS Kha cho hay để đảm bảo an toàn khi tập luyện thể thao trong mùa nắng nóng thì cần lưu ý những điều sau:

- Người tập thể dục thể thao phải lựa chọn địa điểm, không gian thời gian tập luyện phù hợp, nên chọn địa điểm khu vực thoáng, mát, đảm bảo khí lưu thông như: công viên, quảng trường, nhà văn hoá, sân vận động, gần ven rừng, nơi có nhiều cây xanh; tránh tập nơi công trường, xí nghiệp, nhà máy.

- Về thời gian, người dân nên tập thể dục trước 7h sáng và sau 18h chiều, thời lượng giảm bớt còn 50-70% so với thời tiết thuận lợi.

- Trang phục tập luyện phải sáng màu, thoáng, dễ thấm mồ hôi… Dùng kèm chống nắng bôi vùng da hở trước khi ra ngoài tập thể dục. Phải chuẩn bị khăn lau mồ hôi, nước uống đầy đủ.

TS.BS Kha lưu ý với người cao tuổi và người có bệnh lý nền cần phải lắng nghe cơ thể khi tập thể dục ngày nắng nóng:

- Nên chọn không gian tập luyện, thời gian, thời lượng tập luyện phù hợp tình trạng sức khoẻ, không tập luyện quá lâu, không gắng sức tập luyện.

- Nên tập luyện môn thể thao phù hợp tại nhà, phòng tập đảm bảo các yếu tố thoáng khí, thoát mát, không nên tập luyện ngoài trời khi đã có ánh nắng, nhiệt độ tăng cao.

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM