Tập đoàn Trung Quốc Evergrande còn nợ 300 tỉ USD, hứa trả trong năm 2023

03/01/2023 17:46 PM | Kinh doanh

Hãng bất động sản China Evergrande - Hằng Đại cam kết trả nợ trong năm nay, giữa bối cảnh phải đối mặt với việc tái cấu trúc sau cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc.

Tập đoàn Trung Quốc Evergrande còn nợ 300 tỉ USD, hứa trả trong năm 2023 - Ảnh 1.

Evergrande đã gấp rút bán tài sản trong những tháng gần đây và tham gia vào các cuộc đàm phán tái cơ cấu tập đoàn - Ảnh: BARRONS

Trong một email nội bộ mà Hãng tin AFP xem được, Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn nói với nhân viên rằng "2023 là năm quan trọng để Evergrande thực hiện trách nhiệm của công ty và làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo thực hiện các dự án xây dựng".

"Miễn là mọi người ở Evergrande cùng nhau đoàn kết, không bao giờ bỏ cuộc và làm việc chăm chỉ…, chúng ta chắc chắn sẽ có thể đảm bảo giao nhà, trả mọi khoản nợ và giải quyết rủi ro", ông Hứa viết.

Cũng theo thông báo trên, Evergrande đã nối lại công việc tại 732 công trường xây dựng và bàn giao 301.000 căn hộ cho người mua nhà. Ông Hứa nhận định các nhân viên của mình đã "chịu đựng căng thẳng về thể chất và tinh thần, vượt qua vô số khó khăn để làm được điều không thể".

Evergrande đã gấp rút bán tài sản trong những tháng gần đây và tham gia vào các cuộc đàm phán tái cơ cấu tập đoàn, sau khi phải "ôm bom" khoản nợ 300 tỉ USD.

Theo AFP, tập đoàn này đã trở thành một điển hình khi người ta nhắc đến cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Bất động sản chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Các nhà phát triển bất động sản lớn như Evergrande đã không thể hoàn thành các dự án nhà ở sau khi Bắc Kinh siết điều kiện vay vốn của lĩnh vực này từ năm 2020, khiến những người mua nhà biểu tình và tẩy chay thanh toán thế chấp.

Trong khi đó, nhiều công ty nhỏ hơn đã vỡ nợ hoặc gặp khó khăn trong việc huy động tiền mặt.

Vào tháng 11-2022, một tài liệu chính thức cho thấy Evergrande đã bán khu đất dành cho trụ sở chính tại trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến với giá 1 tỉ USD.

Cùng tháng đó, cơ quan quản lý ngành ngân hàng và ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã ban hành các biện pháp mới để thúc đẩy "sự phát triển ổn định và lành mạnh" của ngành bất động sản.

Các biện pháp này bao gồm hỗ trợ tín dụng cho các công ty mắc nợ, hỗ trợ tài chính để đảm bảo hoàn thành dự án và hỗ trợ các khoản vay trả chậm cho người mua nhà.

Theo Nguyên Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM