Táo Quân có ngang với hoa đào, hoa mai không thể thiếu mùa Tết?
Nhiều ý kiến băn khoăn đêm 30 không biết làm gì nếu không có những Nam Tào, Bắc Đẩu… nên người ta mới nâng tầm quan trọng của Táo Quân ngang với hoa đào, hoa mai trong mùa tết… Chứ thực ra làm gì đến mức thiếu một chương trình hài kịch truyền hình ngày tất niên là thiếu cả hương sắc mùa xuân?
Mấy năm nay, cứ đến mùa tết, người ta lại loay hoay hỏi nhau: Dẹp “Gặp nhau cuối năm” (còn gọi là Táo Quân) hay giữ? Bởi vì món ăn tinh thần này đã có sức sống hơn chục năm trời, khiến thượng đế quen tới mức có người coi đó như phần không thể thiếu của ngày tết, giống hoa đào, hoa mai. (Tuy nhiên, có người vặn trước đây Tết chưa có Táo Quân thì cũng có sao?).
NSND Khải Hưng, người có công khai sinh Táo quân - Gặp nhau cuối năm, cũng phải thừa nhận: Chương trình đang chững lại, không hay hơn mà cũng không dở đi. Nhưng hỏi ông, có nên dẹp Táo thì NSND thiên về hướng, không nên dẹp, vì “không làm thì làm gì, xem gì bây giờ”. Đạo diễn nổi tiếng còn hỏi vậy, thì “thượng đế” biết hỏi ai? Bởi việc của “thượng đế” chỉ là thưởng thức, dở thì chê, hay thì vỗ tay, khen ngợi.
Nhân chuyện Táo Quân, người có công khai sinh chương trình này, có thể lại tạo ra một cuộc tranh luận lớn trong dư luận cũng như những người làm nghề, khi phân chia hài thành hai dòng: Hài giải trí và hài bác học. Và ông xếp Táo quân vào dòng bác học. Nhưng chỉ tiếc rằng, hài bác học đang rơi vào tình trạng lúng túng, ngày càng rơi rụng khán giả. Người ta phân tích một số nguyên nhân khiến Táo quân chưa đã: Vì chương trình bị cắt một số đoạn khi lên sóng, ảnh hưởng tới chất lượng tổng thể, vì Táo Quân những năm gần đây ngại va chạm... Ý kiến khác: Cạn ý tưởng, rơi vào tình trạng nhàm, sượng. Một khán giả băn khoăn: “Các dữ liệu xã hội (chất liệu cho kịch bản Táo Quân) luôn vận động, phát triển, trong khi tác giả kịch bản và dàn diễn viên thì “đóng đinh” hầu như không có thay đổi gì… già cỗi mọi nhẽ”.
Tuy nhiên cũng giống như mọi loại hình sân khấu khác, Táo Quân cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của thời buổi công nghệ phủ sóng. Có khán giả thành thật: Chỉ xem Táo Quân lúc Internet chưa phổ biến, đến khi mỗi người trong gia đình đều ôm một điện thoại lướt sóng thì không xem nữa, “vì bận lướt sóng điện thoại xem nhiều trò hay hơn”. Cho nên, Táo Quân đừng cậy thế dòng bác học, bác học hay giải trí đều có nguy cơ bị khán giả bỏ rơi như nhau. Cũng đừng hỏi, không làm Táo Quân thì làm gì? Bởi nếu làm Táo Quân chỉ vì những người sáng tạo không biết làm gì thì chương trình còn lâu mới tiến bộ, giữ được mức “không hay hơn cũng không dở đi” đã khó.
Tiếng cười giữ vai trò quan trọng trong đời sống. Vì thế, phải khẳng định luôn luôn có đất sống cho hài. Nhiều năm trở lại đây hài bung nở không chỉ trên truyền hình mà cả trên sân khấu, xuất hiện nhiều danh hài với thu nhập khủng. Song không vì thế, khán giả được thỏa mãn nhu cầu của mình.
Có người nói: Bây giờ xem hài khán giả phải tự “cù” mới cười được. Nhưng lỗi có lẽ cũng một phần thuộc về “thượng đế”? Họ chưa dũng cảm để nói “không” với những món ăn chưa hợp khẩu vị. Có ý kiến thừa nhận Táo Quân vài năm trở lại đây kém hấp dẫn song lại bày tỏ băn khoăn đêm 30 không biết làm gì nếu không có những Nam Tào, Bắc Đẩu… Từ bỏ một thói quen không dễ nên người ta mới nâng tầm quan trọng của Táo Quân ngang với hoa đào, hoa mai trong mùa tết… Chứ thực ra làm gì đến mức thiếu một chương trình hài kịch truyền hình ngày tất niên là thiếu cả hương sắc mùa xuân?