Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường

29/10/2016 09:03 AM | Kinh tế vĩ mô

Câu hỏi trên là thắc mắc của nhiều người làm chính sách khi bàn về đề án tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong quý 1/2016, cả nước có khoảng 1,070 triệu người đang trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó 190.900 người là các cử nhân và trên cử nhân, chiếm 3,93%. Điều này đặt ra thách thức về việc làm cũng như chất lượng đào tạo của giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xem xét đề án tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 65, nữ từ 55 lên 58 hoặc 60, nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng thiếu việc làm ở lứa tuổi lao động, đặc biệt những cử nhân đại học đang thất nghiệp trầm trọng.

Tại "Tọa đàm trực tuyến tăng tuổi hưu", ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nguồn nhân lực sẽ thiếu dần đi song vấn đề quan trọng vẫn phải đảm bảo việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Theo ông Lợi, đây là lực lượng lao động có bằng cấp, có đào tạo, năng lực nên không thể để đội ngũ này thiếu việc làm như hiện nay. Do đó, tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán kỹ: tăng bao nhiêu, lộ trình ra sao cần đảm bảo nhu cầu thị trường lao động, việc làm và đảm bảo ổn định xã hội. Đặc biệt đừng quên đội ngũ lao động có trình độ cao, năng lực đang thiếu việc làm.

Tăng tuổi hưu không ảnh hưởng đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường

Trái ngược với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, chính sách tăng tuổi hưu không ảnh hưởng đến sinh viên ra trường không có việc làm. Đất nước chưa giàu đã già mới là thách thức rất lớn của chúng ta.

Việt Nam lo ngại chưa giàu đã già. Ảnh minh họa.
Việt Nam lo ngại chưa giàu đã già. Ảnh minh họa.

Theo ông Huân, tăng tuổi nghỉ hưu và già hóa dân số là câu chuyện chung của nhiều quốc gia hiện nay chứ không riêng Việt Nam. Đặc thù của dân số nước ta là đan xen giữa quá trình già hóa và thời kỳ dân số vàng. Điều này đặt ra cho Nhà nước 3 vấn đề cần giải quyết tốt là tận dụng nguồn nhân lực, đảm bảo công ăn việc làm và giữ an toàn quỹ lương hưu.

Nhiều bạn bè quốc tế cho rằng Việt Nam nên tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 song vẫn phải đánh giá rất kỹ những vấn đề liên quan đến thể chất, kinh tế và đặc biệt là thị trường lao động. Trong đó, lao động trong công chức cũng cần có thay đổi, có vào thì có ra. Hiện nay nhiều người vào công chức là nghiễm nhiên làm công việc đó suốt đời là không phù hợp.

"Hiện nay cả nước có 2,8 triệu công chức trong đó chỉ có gần 500 cán bộ địa phương. Do đó, cần chuyển đơn vị sự nghiệp công sang các đơn vị tự chịu trách nhiệm và Nhà nước tự khoán đầu ra. Việc gần 191.000 sinh viên ra trường không có việc làm không có nghĩa là cứ vào Nhà nước", ông cho hay.

Sau 20 năm chỉ 9 người đóng cho 1 người hưởng lương hưu

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN cũng cho rằng, mức đóng BHXH thấp hơn mức hưởng lương hưu, tỉ lệ tham gia BHXH ngày một giảm là nguyên nhân khiến phải điều chỉnh tuổi hưu.

Theo ông Liệu, người hưu trí ở Việt Nam đang được hưởng mức tối đa 75% mức lương, nhưng mức đóng hiện nay là 22% trên nền lương tối thiểu vùng. Trong khi đó, lương tối thiểu chỉ là căn cứ để tính 1 khoản trong tổng thu nhập. Đây là mức cao trong khu vực. Nhưng nếu so với con số tuyệt đối thì lại thấp vì đa số doanh nghiệp chỉ đóng BHXH ngang hoặc trên mức lương tối thiểu một chút (60% thu nhập).

Năm 1996, trung bình 217 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng lương hưu. Và hiện nay chỉ 9 người đóng cho 1 người.

Trong khi đó, quỹ BHYT là quỹ chia sẻ, BHXH là không chia sẻ mà dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều. Tiền đóng vào BHXH là “khoản để dành” của người lao động và được Nhà nước bảo hộ.

Bên cạnh đó, xét về khía cạnh lợi nhuận, hiện nay DN không muốn sử dụng lao động có tuổi mà thay vào đó là lao động mới. Sau một năm đào tạo, kinh nghiệm của họ sẽ ngang bằng với những người về hưu.

M.Lan

Cùng chuyên mục
XEM