Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại

28/06/2016 19:01 PM | Kinh tế vĩ mô

GDP đang có xu hướng giảm tốc dần so thời điểm đầu năm cũng như cùng kỳ năm 2015...

Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 28/7, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đang có xu hướng giảm so với quý 1 tăng 5,48%; quý 2 tăng 5,55%.

Đóng góp vào mức tăng GDP này, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực 1) giảm 0,78%.

Nguyên nhân do sản lượng lúa Đông Xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn (giảm 6,4%) so với vụ đông xuân 2015. Giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp tăng 5,75%; ngành thủy sản tăng 1,25%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015. Ngành sản xuất và phân phối điện và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng khá tốt với mức tăng tương ứng là 11,7% và 8,1%. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,8%.

Đáng chú ý, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay. Trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước: bán buôn, bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thông tin và truyền thông; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; giáo dục và đào tạo.

Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77%, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,94%; khu vực dịch vụ chiếm 41,01% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,31%).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm đặt trong bối cảnh năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch kinh tế giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó là giá dầu thô thế giới giảm xuống thấp nhất là 27 USD/thùng vào ngày 20/1/2016 và đã thoát đáy, tăng lên 52,5 USD/thùng vào tháng 6.

Ngoài ra, ảnh hưởng của các đợt rét đậm rét hại đầu năm đến tình hình sản xuất nông nghiệp ở phía Bắc, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực phía Nam, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp.

Theo ông Lâm, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế song, kinh tế thế giới năm 2016 theo dự báo vẫn gặp khó khăn và tăng trưởng có chậm lại, tình hình tài chính tiền tệ và giá dầu có diễn biến phức tạp, khiến kinh tế Việt Nam chịu khá nhiều ảnh hưởng.

Theo Song Hà

Cùng chuyên mục
XEM