Tăng trưởng GDP dưới góc nhìn sử dụng

09/10/2017 14:25 PM | Kinh tế vĩ mô

Tăng trưởng kinh tế được xét ở các góc độ khác nhau, không chỉ ở góc độ sản xuất, mà cả ở góc độ sử dụng GDP...

Tăng trưởng kinh tế được xét ở các góc độ khác nhau, không chỉ ở góc độ sản xuất, mà cả ở góc độ sử dụng GDP (tức là tích lũy, tiêu dùng cuối cùng và xuất/nhập siêu).

Có thể nhận thấy gì từ góc độ sử dụng GDP trong 9 tháng đầu năm 2017?

Tích lũy tài sản

Tích lũy tài sản là một nội dung quan trọng trong sử dụng GDP; mà sử dụng GDP là động lực của tăng trưởng GDP. GDP sản xuất ra không thể để tiêu dùng hết mà phải có một phần để tích lũy, nhằm tái sản xuất với quy mô lớn hơn.

Tích lũy tài sản có tác động về hai mặt. Một mặt, tích lũy tài sản là tiền đề để đầu tư. Đầu tư là tiền đề của tăng trưởng, hơn nữa còn là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng GDP. Nếu đầu tư thấp hơn tích lũy, thì cần cân nhắc bởi đó có thể là sự lãng phí nguồn lực, kiểu như “chôn vốn” vào vàng, ngoại tệ của khu vực dân cư. Nếu đầu tư lớn hơn tích lũy, thì phát sinh làm tăng nợ công, tăng nợ xấu, gây ra bất ổn vĩ mô.

Các thông tin về tích lũy tài sản trong 9 tháng đầu năm 2017 cho biết: tốc độ tăng của tích lũy tài sản đều cao hơn tốc độ tăng của GDP (9,8% so với 6,41%). Thông tin trên cũng cho thấy, tỷ trọng đóng góp của tích lũy tài sản đối với tăng trưởng GDP đều ở mức khá và 9 tháng đầu năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP 9 tháng đầu năm nay đạt 33,9%, cao hơn tỷ lệ theo kế hoạch cả năm (31,5%) và cũng là một yếu tố góp phần làm cho tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước (6,41% so với 5,99%).

Tuy nhiên, tốc độ tăng của tích lũy tài sản của 9 tháng năm nay thấp hơn của cùng kỳ năm trước (9,8% so với 10%) đã tác động chưa thật tốt đối với tăng trưởng, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi tăng trưởng kinh tế đang là tiền đề để chống các nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “sập bẫy thu nhập trung bình”, “chưa giàu đã già”, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường...

Tiêu dùng cuối cùng

Tiêu dùng cuối cùng có tác động về hai mặt. Một mặt, tiêu dùng cuối cùng là động lực của tăng trưởng kinh tế; do tiêu dùng cuối cùng thường chiếm trên dưới 70% GDP, cao gấp đôi tỷ trọng của tích lũy tài sản; do trong cơ chế thị trường, cơ sở, điểm xuất phát và mục tiêu của mọi dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh là tiêu thụ, trong đó có tiêu thụ trong nước - một bộ phận quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong tiêu dùng cuối cùng.

Tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng/GDP của Việt Nam đứng thứ bậc cao so với các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh (thứ 5/10 ở khu vực Đông Nam Á, thứ 18/38 ở châu Á và thứ 81/116 trên thế giới). Mặt khác, tiêu dùng cuối cùng thể hiện mức sống của người dân, xóa đói, giảm nghèo và đó là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế.

Các thông tin về tiêu dùng cuối cùng trong 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy, có ba kết quả tích cực và tín hiệu khả quan. (1) Tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng cao hơn tốc độ tăng của GDP (tăng 7,3% so với tăng 6,41%). (2) Tốc độ tăng của 9 tháng đầu năm 2017 cao hơn của cùng kỳ năm trước. (3) Đóng góp của tiêu dùng cuối cùng vào tốc độ tăng trưởng GDP rất cao (tới 8,75 điểm phần trăm, bằng 136,7% tốc độ tăng GDP).

Đúng ra, với các kết quả trên của tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng sẽ làm cho tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay phải cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Nhưng thực tế do quý 1 năm nay tăng thấp (5,15%), nhờ quý 2 (tăng 6,28%), quý 3 (tăng 7,46%) tăng trưởng cao hơn, nên tính chung 9 tháng cũng cao hơn nhưng không nhiều (6,41% so với 5,99%). Điều ngược này được lý giải do nhập siêu.

Xuất/nhập khẩu và xuất/nhập siêu

Trong 9 tháng năm 2017, xuất khẩu hàng hóa đạt 154 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu dịch vụ đạt 9,74 tỷ USD, tăng 7,3%. Cộng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 163 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng qua, nhập khẩu hàng hóa đạt 154 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu dịch vụ đạt 12,55 tỷ USD, tăng 2,9%. Cộng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 167,05 tỷ USD, tăng 21,3%.

Theo đó nhập siêu trong 9 tháng đầu năm nay về hàng hóa là 0,5 tỷ USD, về dịch vụ là 2,81 tỷ USD. Cộng chung, nhập siêu hàng hóa và dịch vụ là 3,31 tỷ USD... Trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu hàng hóa là 3.029 triệu USD, nhập siêu về dịch vụ là 3,12 tỷ USD. Nhập siêu làm giảm 7,13 điểm phần trăm, bằng 111,3% tổng tốc độ tăng GDP.

Như vậy, chính nhập siêu lớn hơn đã làm giảm mạnh GDP sử dụng; việc tăng lên của tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng trong 9 tháng đầu năm nay có một phần quan trọng là do sử dụng phần nhập siêu này, chẳng những không làm tăng GDP như đúng ra phải có mà trái lại còn “chèn lấn” thị phần của sản xuất trong nước, tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP. Đây là một cảnh báo quan trọng, cần lưu ý và khắc phục trong những tháng cuối năm.

Theo Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM