Tận dụng triệt để tâm lý đám đông, Donald Trump đã chứng minh mình là một marketer thông thái

01/09/2016 10:53 AM | Kinh doanh

Tâm lý đám đông là cách giải thích cho những mong muốn của con người dựa trên kinh nghiệm và gợi ý từ người khác khi tiến hành lựa chọn bất cứ thứ gì.

Chuyên gia Robert Ciadini, người đã xây dựng nghiên cứu về nghệ thuật thuyết phục, trưởng bộ phận Marketing của Commerce Sciences đã nhắc đến tâm lý đám đông trong Marketing như là một hiện tượng tâm lý khi khách hàng của bạn bị tác động bởi hành động của người khác, và rất có khả năng sẽ lặp lại hành động đó.

Sức mạnh của tâm lý đám đông đã được ghi nhận từ rất sớm, và Trump chính là một ví dụ cho việc tận dụng đòn bẩy tâm lý đám đông để lấy được những lợi thế trong cuộc đua đến vị trí Tổng thống Mỹ.

Tận dụng tâm lý đám đông tích cực: Sự khẳng định từ những người không chuyên

Dù là những người ủng hộ hay những người ghét bỏ, không thể phủ nhận rằng Trump đã thiết lập một mối quan hệ thân thiết với những người theo dõi mình. Lời nhắn của ông gửi tới mọi người vô cùng ngắn gọn: “Tôi không phải là một chính trị gia. Bởi vì tôi không phải người làm chính trị, nên tôi có thể trở thành một chính trị gia tốt hơn.” Lời nhắn này còn được nhấn mạnh hơn khi ông phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng hòa.

“Đối thủ của tôi đề nghị những người ủng hộ bà ấy cam kết về lòng trung thành. Đó là: “Tôi luôn ở bên bà ấy.” Tôi lại chọn một cam kết khác, đó là “Tôi ở bên bạn: tất cả những người dân Hoa Kỳ”. Tôi chính là tiếng nói của các bạn.”

Đó thực sự là một lời phát biểu có sức thuyết phục mạnh mẽ. Việc gắn kết chính bạn với người khác sẽ tạo nên một sự gắn bó vượt xa cả việc mua bán sản phẩm và dịch vụ đơn thuần. Tuy vậy, bạn cần phải tạo ra một tuyên bố đanh thép về bản thân bạn để khiến khách hàng cũng đưa ra cam kết ngược lại. Trong suốt cuộc hội nghị vào tháng trước, Trump đã liên tục nhấn mạnh những tuyên bố của mình và thực hiện một cách chính xác. Các học giả và diễn viên hài thậm chí còn chụp lại những bức ảnh của Trump cho chiến dịch này và đưa ra các câu hỏi về tín nhiệm chính trị.

Tuy vậy sự thiếu tín nhiệm mới chính là điểm nhấn của Donald Trump. Thông điệp “Tôi là tiếng nói của các bạn” của Trump đã được thổi bùng lên bằng sự ghi nhận không chỉ từ phía các ngôi sao nổi tiếng mà còn từ các lãnh đạo doanh nghiệp như Robert Kiyosaki – tác giả của cuốn “Cha giàu, cha nghèo” và thậm chí cả Steve Forbes.

Bạn cũng nên áp dụng việc tận dụng tâm lý đám đông như vậy. Sự ghi nhận từ phía các chuyên gia nhiều khi lại không có sức mạnh bằng những người không chuyên. Ví dụ, sự cộng tác của Ellen Degeneres và Queen Latifah với nhãn hiệu mỹ phẩm CoverGirl lại đươc đánh giá là hai trong số những sự bảo trợ thành công nhất mọi thời đại, bởi lẽ không ai trong số hai người này là người mẫu nhưng họ chính là mẫu hình lý tưởng, phá cách như đối tượng khách hàng mà CoverGirl muốn nhắm đến.

Thậm chí việc tận dụng những người không chuyên và không nổi tiếng nữa thì càng có sức mạnh hơn. Có được những phản hồi của những khách hàng thân thiết có thể không đáng kể, nhưng điều này sẽ lan tỏa đến các khách hàng tiềm năng của bạn thông điệp rằng: “Bạn có thể đặt niềm tin ở doanh nghiệp này bởi lẽ những người khác đều đã tin tưởng ở họ.”

Tận dụng tâm lý đám đông tiêu cực: Lời phản bác của những chuyên gia

Một sự thật đáng ngạc nhiên là chính những sự phản đối đặc biệt lại củng cố vị thế của Donald Trump với lời hứa hẹn trở thành tiếng nói của quần chúng. Bài phát biểu của Ted Cruz tại Đại hội Đảng Cộng hòa và phản ứng của Trump đã trở thành nghệ thuật áp dụng tâm lý đám đông đích thực, mặc dù người viết ngờ rằng đây là sự phối hợp của cả đôi bên. Bằng việc từ chối nhắc đến tên của Trump, Cruz đã phải về nhà trong tình cảnh Trump có được thành công lớn tại Đại hội.

Tiếp tục thể hiện rằng mình là một người làm marketing thông thái, Trump ngày càng mở ra cơ hội của mình, ngay lập tức tập trung vào “mặt trận” ông vô cùng ưa thích – Twitter.

Hai ngày sau, việc Trump sụt giảm gấp đôi tín nhiệm sau hành động của Cruz đã tạo nên “cơn sóng” lớn ở giới truyền thông và chính điều này làm tăng sự tín nhiệm để ông có thể xây dựng chiến dịch của mình.

Vậy bài học ở đây là gì?

Những sự phản đối tiêu cực cũng quan trọng không kém sự ủng hộ trong việc vận dụng tâm lý đám đông. Sự thật là những người phản đối bạn thậm chí còn là đồng minh có sức mạnh hơn rất nhiều về mảng marketing. Điều này đã được chứng minh trong lĩnh vực chính trị, thế còn trong kinh doanh thì sao?

Câu trả lời là cũng giống như vậy. Forbes, HBR và MIT Technology Review đều ghi lại những trường hợp cho thấy tâm lý đám đông tiêu cực cũng là một phương pháp để giành được thành công. Vậy chúng ta cần làm gì?

Hãy chủ động, phản hồi một cách công khai với những tâm lý đám đông tiêu cực và tận dụng điều đó để thể hiện sự minh bạch của doanh nghiệp khi bạn có thể chuyển hóa những nhận xét tồi tệ để thúc đẩy kinh doanh. Sau cùng, truyền thông báo chí không phải là một điều gì quá tệ hại. Và không ai có thể áp dụng những nguyên tắc này tốt hơn Donald Trump.

Minh Hằng

Cùng chuyên mục
XEM