Tấn công mạng khiến Việt Nam thiệt hại hàng nghìn tỷ mỗi năm

16/09/2017 09:27 AM | Xã hội

Hệ thống mạng thông tin Việt Nam mỗi năm phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng...

Trong điều kiện đất nước khó khăn, chúng ta xác định đảm bảo mục tiêu phòng thủ, bảo vệ an ninh mạng quốc gia, bởi hiện trên thế giới đã xuất hiện những cuộc “chạy đua vũ trang” trên mạng với những máy móc, trang bị, nhân lực hết sức tốn kém.

Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật An ninh  mạng, diễn ra chiều 15/9.

Tại đây, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, dù hoạt động bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam phải thực hiện trên nền tảng mạng thông tin chung của thế giới, quốc gia nào có đầy đủ khả năng, tiềm lực vươn lên được thì chi phối được không gian đó, nhưng Việt Nam cũng sẽ cố gắng giảm thiểu một cách tốt nhất các tác động tiêu cực.

Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng đã nêu nhiều lý do thuyết minh sự cần thiết phải xây dựng dự án luật này.

Đó là phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.

Luật được ban hành cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, phòng, chống chiến tranh mạng.

Tờ trình về dự án Luật An ninh mạng nêu rõ, hiện nay, hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Hệ thống mạng thông tin Việt Nam mỗi năm phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, và là tiền đề để thực hiện các hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, tài liệu trái pháp luật.

Nhận định của cơ quan soạn thảo là khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, không gian mạng đã trở thành môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động. Hiện nay, tình hình này đang diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt là các hoạt động xâm nhập, tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia...

Các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phải ban hành luật và khẳng định đây là một dự án luật rất quan trọng. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải thêm việc xử lý mối quan hệ với các luật khác để bảo đảm tính thống nhất và tránh sự chồng chéo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn: đối với hành vi truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu quốc gia để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật Nhà nước, có cần yếu tố “theo sự chỉ đạo của nước ngoài” thì mới xử lý về tội gián điệp mạng hay không?

Theo Bộ trưởng Tô Lâm thì đặc trưng của tội gián điệp theo Bộ luật Hình sự là phải có liên hệ với nước ngoài. “Nếu chỉ đánh cắp thông tin thông thường mà không chuyển ra nước ngoài thì chưa cấu thành tội gián điệp. Cái này chúng tôi quán triệt tinh thần chung của Bộ luật Hình sự”, ông nói.

Về xử lý mối quan hệ với các luật khác, Bộ trưởng nói: “Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi đã tham khảo các luật và cố gắng chỉ những vấn đề đặc trưng nhất của an ninh mạng mới đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này. Đây cũng là sự cố gắng hết sức của ban soạn thảo. Qua sự phát hiện, góp ý của các đồng chí, còn những lĩnh vực chưa bao quát hết hoặc chồng lấn nhau, chúng tôi sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để không trùng dẫm, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo để thẩm tra chính thức dự án luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM