Tấm ảnh khiến nhân loại chạnh lòng vì thảm họa đang xảy ra với châu Phi ngay lúc này

16/12/2021 15:23 PM | Sống

Những con hươu cao cổ nằm bất động với thân xác gầy mòn. Chúng là nạn nhân của cơn hạn hán kinh hoàng nhất nhiều thập kỷ qua, đang xảy ra với Kenya.

6 con hươu cao cổ nằm bất động trên nền đất khô cằn. Thân xác chúng gầy mòn, xen kẽ, và ánh lên vẻ thương đau.

 Tấm ảnh khiến nhân loại chạnh lòng vì thảm họa đang xảy ra với châu Phi ngay lúc này - Ảnh 1.

Bức ảnh khiến nhiều người xót xa về thảm họa châu Phi đang gánh chịu

Bức ảnh trên được thực hiện bởi phóng viên ảnh Ed Ram. Nó cho thấy sự tàn khốc của cơn hạn hán tại Kenya - đất nước ở châu Phi, nơi con người và các loài vật đang khổ sở tìm kiếm thức ăn lẫn nước uống.

Vốn đã quá yếu ớt, những con vật mắc kẹt trong lớp bùn ẩm rồi chết. Chúng đã cố gắng tìm đến hồ nước hiếm hoi còn sót lại gần đó (dù cũng gần như cạn khô rồi). Sau khi chết, người ta đưa xác chúng đến vùng ngoại ô làng Eyrib thuộc Hạt Wajir, để ngăn không cho nguồn nước bị ô nhiễm.

Cơn hạn hán ở Kenya đang thực sự nghiêm trọng, với không chỉ các loài vật gặp rủi ro. Ước tính, 2,1 triệu người ở Kenya đang phải đối diện với nạn đói vì hạn hán quá nghiêm trọng mà cơ quan kiểm soát hạn hán của quốc gia này từng cảnh báo hồi tháng 9.

 Tấm ảnh khiến nhân loại chạnh lòng vì thảm họa đang xảy ra với châu Phi ngay lúc này - Ảnh 2.

Hôm 14/12, Liên Hợp Quốc (UN) thông báo có 2,9 triệu người đang trong tình trạng khẩn cấp, cần đến sự trợ giúp của các tổ chức nhân quyền. Một số khu vực của Kenya đang đối diện với lượng mưa thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

"Nguồn nước cho người và động vật đã cạn kiệt, buộc cư dân phải đi bộ xa hơn để kiếm nước uống và khiến cộng đồng trở nên căng thẳng, dẫn đến mâu thuẫn và bạo lực," - đại diện của UN cho hay.

Trong báo cáo của một trang tin địa phương, 4000 con hươu cao cổ tại đây đang có nguy cơ bị quét sạch vì hạn hán. Ông Ibrahim Ali từ khu bảo tồn hươu cao cổ Bour-Algi cho biết, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn do nghề nông phát triển dọc theo những con sông, ngăn cản các loài vật hoang dã tiếp cận nguồn nước.

Nguồn: The Guardian

Theo J.D

Cùng chuyên mục
XEM