Tài xế kể lại khoảnh khắc người đàn ông cầm rắn hổ mang chúa nhờ đưa đi cấp cứu: "Nhìn con rắn tôi cũng sợ nhưng nghĩ đến việc cứu người..."

20/08/2020 19:45 PM | Xã hội

Theo chia sẻ của nam tài xế cho biết, khi thấy anh T. đang ôm theo con rắn hổ mang to, dài nhờ người dân chở đi bệnh viện cấp cứu nhưng không ai dám chở, anh đã bảo khách thông cảm xuống xe để đưa nạn nhân đến bệnh viện cho kịp cứu chữa.

Liên quan đến vụ việc anh P.V.T. (SN 1982, quê Tân Châu, Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa nặng 4,5 kg cắn vào đùi ở Tây Ninh, sáng 20/8, chia sẻ trên báo Dân Việt, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, sau một ngày nhập viện cấp cứu, sức khỏe của bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn đang tiến triển tốt. Sức cơ của bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, mở mắt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và làm theo y lệnh của bác sĩ.

Hiện bệnh nhân đã được cai máy thở. Tuy nhiên, do đang đặt nội khí quản nên phải ăn bằng chất xay qua ống thông dạ dày.

Được biết, đến thời điểm hiện tại bệnh nhân đã được tiêm 15 lọ huyết thanh điều trị nọc độc rắn hổ mang chúa.

Tài xế kể lại khoảnh khắc người đàn ông cầm rắn hổ mang chúa nhờ đưa đi cấp cứu: Nhìn con rắn tôi cũng sợ nhưng nghĩ đến việc cứu người... - Ảnh 1.

Gia đình bệnh nhân mang cả con rắn vào phòng cấp cứu để bác sĩ xác định loại rắn đã cắn.

Bên cạnh đó, chia sẻ trên báo Lao động, chị B.T.N.T. (28 tuổi, vợ anh T) cho biết, hiện tay chân của chồng đã cử động được. Tuy nhiên, ngực vẫn còn sưng, bác sĩ chưa cho vào gặp trực tiếp.

"Khi sự việc xảy ra tôi đang đi làm nên không biết. Rất may được một bác tài xế tốt bụng chở đến bệnh viện kịp thời"- chị T nói.

Lý do anh T. dù bị rắn cắn nhưng vẫn cố ôm cả con rắn đến bệnh viện được chị T. cho rằng, do chồng mình sợ thả ra thì con rắn sẽ cắn thêm người khác, hơn nữa mang đến bệnh viện để bác sĩ biết mà điều trị.

Kể lại vụ việc đưa anh T. đi cấp cứu, tài xế Nguyễn Văn Then (38 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, ngày 19/8, anh chở khách lên núi Bà Đen (Tây Ninh) đi du lịch. Khi gần tới thì bị lạc đường ở đoạn qua xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Do phía trước đông người và phương tiện, anh Then điều khiển xe chậm lại thì thấy anh T. đang ôm theo con rắn hổ mang to, dài nhờ người dân chở đi bệnh viện cấp cứu, nhưng không ai dám chở.

Tài xế kể lại khoảnh khắc người đàn ông cầm rắn hổ mang chúa nhờ đưa đi cấp cứu: Nhìn con rắn tôi cũng sợ nhưng nghĩ đến việc cứu người... - Ảnh 2.

Anh T. đi cấp cứu cùng con rắn hổ mang chúa nặng gần 4,5kg.

"Bất ngờ người đàn ông này đến gõ cửa xe tôi và nói "cứu em với, em bị con rắn này cắn". Nhìn thấy con rắn tôi cũng rất sợ nhưng chỉ nghĩ đến việc cứu người nên quay lại bảo khách thông cảm xuống xe để đưa người đàn ông đến bệnh viện cho kịp cứu chữa và được khách đồng ý"- anh Then kể lại sự việc.

Trên đường đi, người đàn ông bị rắn cắn kể lại: "Em bị con rắn cắn khoảng 15 phút trước đó. Em mang rắn này đến bệnh viện để bác sĩ biết loại rắn mà có thuốc phù hợp cứu chữa. Nếu anh chạy tới bệnh viện trong 20 phút thì em có thể được cứu sống".

Anh Then đã bật chế độ xin ưu tiên chạy đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh trong 15 phút.

"Tại bệnh viện, bác sĩ cùng anh T. buộc đầu con rắn và bỏ vào bao an toàn. Anh T. đọc số điện thoại của người thân nhờ tôi gọi điện báo sau đó ngất đi và được bác sĩ đưa vào phòng cấp cứu"- anh Then kể lại.

Trước đó ngày 19-8 trong quá trình bắt rắn hổ mang chúa dài khoảng 2,5m, nặng 4,6kg, ông P.V.T. (38 tuổi, tỉnh Tây Ninh) bị rắn cắn vào đùi. Dù bị cắn nhưng ông T. chụp được đầu rắn, đồng thời thông báo với người nhà.

Ngay sau đó, người nhà dùng dây thun buộc lại phần đùi tránh độc phát tán và chở ông T. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu. Lúc này, trong tay ông T. vẫn giữ chặt phần đầu con rắn để các bác sĩ xác định loại rắn.

Tại bệnh viện, các bác sĩ rửa vết thương, băng ép cố định chân, truyền giảm đau và kháng sinh cần thiết. Tuy nhiên sau 30 phút, ông T. có các biểu hiện gồng người tím tái, khó thở..., các bác sĩ đã đặt nội khí quản, cho thở máy và khẩn trương chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với con rắn hổ mang chúa (được buộc chặt miệng).

Lúc nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, ông T. trong tình trạng liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ... Sau khi được cho sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, ông T. bắt đầu có dấu hiệu phản ứng, cử động được tay chân và mở được mắt.

NAM AN (T/H)

Cùng chuyên mục
XEM