Tại sao Trung Quốc coi Đức là cửa ngõ vào thị trường châu Âu?

04/09/2018 10:12 AM | Xã hội

Đối với các công ty tài chính và công nghệ đầy tham vọng ngày càng nhiều của Trung Quốc, truyền thống lâu đời về sản xuất giá trị cao và đổi mới kỹ thuật của Đức có một sức hút mạnh mẽ.

Qua một loạt các khoản đầu tư và thỏa thuận tiếp quản chiến lược, các công ty Trung Quốc đang thâm nhập vào các ngành công nghiệp sản xuất và công nghệ cao của Đức. Trong khi đó, các công ty công nghệ và viễn thông lớn nhất Trung Quốc đang thiết lập một chỗ đứng vững chắc ở các thành phố của quốc gia châu Âu này để tiếp cận gần hơn với các nhân tài công nghệ.

Theo Will McBryde, nhà phân tích Nghiên cứu các thành phố toàn cầu ở JLL, Đức là tiêu chuẩn mà Trung Quốc muốn vươn tới về sản xuất và R&D. Việc mua lại các thương hiệu lớn của Đức tại các thành phố như Dusseldorf, Frankfurt và Berlin sẽ giúp các công ty Trung Quốc đạt được giai đoạn phát triển tiếp theo.

Vào tháng 2/2017, công ty ô tô Trung Quốc, Geely, xuất hiện trên khắp các mặt báo khi nó mua lại 9% cổ phần của Daimler, công ty mẹ của gã khổng lồ ô tô Đức, Mercedes Benz. Năm ngoái, Midea, một nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc, đã tiếp quản Kuka, một công ty robot của Đức. Và tập đoàn đầu tư Trung Quốc, HNA, đã đầu tư 3,5 triệu USD vào Deutsche Bank. Những thỏa thuận này chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi. Cho đến nay, tổng giá trị mua lại của Trung Quốc ở Đức đã đạt 27 tỷ USD.

Jeremy Kelly, Giám đốc nhóm nghiên cứu toàn cẩu của JLL, cho biết: “Ở Đức, bản chất sự quan tâm của Trung Quốc khác so với những gì chúng tối thấy ở London hay New York, nơi đầu tư lớn tập trung vào bất động sản. Đức là thị trường cửa ngõ vào châu Âu cho nhiều công ty Trung Quốc nhờ kỹ thuật và chuyên môn sản xuất tiên tiến và công nhân tay nghề cao và trong tương lai, Đức sẽ là một đối tác chính cho nhiều dự án Vành đai và Con đường.”

Sức hấp dẫn độc đáo của Đức

Tại sao Trung Quốc coi Đức là cửa ngõ vào thị trường châu Âu? - Ảnh 1.

 Khác với Vương quốc Anh và Pháp, nơi các doanh nghiệp tập trung ở London và Paris, cấu trúc của Liên bang Đức nghĩa là mỗi thành phố có một sức hấp dẫn và mối quan hệ độc đáo với Trung Quốc.

Ví dụ, Dusseldorf là thành phố dẫn đầu về sự hiện diện của các công ty Trung Quốc. Kể từ năm 2010, ít nhất 35.000 m2 đã được các công ty này thuê. Thành phố này đã được ưa chuộng bởi các công ty Nhật Bản trong một thời gian dài. Nhưng nhân tài với tay nghề cao gần đây đã thu hút được những ông lớn công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE. Dusseldorf cũng là một cơ sở logistics quan trọng với liên kết chặt chẽ đến các cảng biển của Bỉ và Hà Lan cũng như một đường ray trực tiếp đến Trung Quốc.

Trong khi đó, Frankfurt, trung tâm tài chính của Đức, giờ là nơi đặt chi nhánh của một số ngân hàng lớn nhất Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Nó là trung tâm thanh toán bù trừ Nhân dân tệ đầu tiên ở châu Âu và hơn 20 công ty Trung Quốc đã chuyển sang sàn giao dịch chứng khoán Đức để chào bán cổ phiếu công khai lần đầu.

Frankfurt cũng là nơi đặt trụ sở của các công ty công nghệ quan tâm đến thị trường Fintech bao gồm Inspur, công ty vận hành điện toán đám mây và nhà sản xuất máy chủ lớn nhất Trung Quốc, và ông lớn thương mại điện tử Alibaba. Sức hấp dẫn của thành phố này được củng cố bởi sân bay của nó, một trong những sân bay bận rộn nhất châu Âu với nhiều chuyến bay thẳng đến Trung Quốc hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Âu.

Munich, cơ sở sản xuất nói chung và sản xuất ô tô nói riêng của Đức, đã thu hút các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc như công ty khởi nghiệp xe điện tự động, NIO, và Alibaba - công ty năm nay xác nhận đã tiến hành thử nghiệm xe tự lái.

Theo McBryde, rất nhiều công ty ô tô của Đức, như BMW, có thị trường lớn ở Trung Quốc. Do đó, để các công ty Trung Quốc đặt trụ sở tại trung tâm ngành công nghiệp ô tô của Đức đồng nghĩa các ý tưởng có thể được trao đổi giữa 2 quốc gia.

Cuối cùng, Hamburg có quan hệ lịch sử với Trung Quốc nhờ cảng biển hàng đầu châu Âu của nó – gần 1/3 container được vận chuyển trong cảng này đến từ Trung Quốc, Ban quản lý cảng cũng tăng cường hơn nữa mối quan hệ này khi nó trao cho một tập đoàn Trung Quốc hợp đồng phát triển một nơi tiếp nhận container mới trong cảng.

Đường một chiều?

Tại sao Trung Quốc coi Đức là cửa ngõ vào thị trường châu Âu? - Ảnh 2.

 Thỏa thuận ở Hamburg nói riêng đặt ra những câu hỏi về bản chất lợi ích của Trung Quốc tại Đức và ảnh hưởng của nó đối với các tập đoàn Đức.

McBryde nói: “Các công ty từ bên ngoài Trung Quốc đang phải đối mặt với một số trở ngại khi hoạt động ở quốc gia này, và đã có rất nhiều tranh cãi ở EU, dẫn đầu bởi Đức, về cách quản lý mối quan tâm ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Đức.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài đa số trong một công ty Trung Quốc có thể là một chặng đường dài nhưng bằng chứng về một mối quan hệ đối ứng nhiều hơn đang dần được thể hiện. Siemens đã công bố một văn phòng chỉ phục vụ Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, nơi cho phép các nước cùng nhau tìm kiếm các cơ hội kinh doanh nảy sinh từ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong khi đó, gần đây chính phủ Trung Quốc sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty ô tô và hàng không vũ trụ hoạt động trong quốc gia này bằng cách loại bỏ yêu cầu cần một đối tác trong nước như hiện tại. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc để tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài vào quốc gia này.

Kelly nói rằng nó đang dần trở thành một mối quan hệ cộng sinh. Mối quan hệ giữa 2 quốc gia sẽ tăng cường khi Đức tìm được cách tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc trong tương lai, và các doanh nghiệp Trung Quốc học hỏi được từ các công ty của Đức.

Về lâu dài, các khu vực bất động sản nhà ở và logistics của Đức sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Trung Quốc và Đức.

Vào năm 2016, CIC, Quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc, đã đầu tư lớn vào tập đoàn bất động sản Đức BGP, doanh nghiệp phát triển các căn hộ chủ yếu quanh Berlin. Theo Kelly, tác động bất động sản trực tiếp từ sự hiện diện của Trung Quốc tại Đức có thể bị hạn chế trong thời điểm hiện tại  nhưng có tiềm năng lâu dài. Khi công ty Trung Quốc tiếp tục gia tăng sự hiện diện ở châu Âu, thị trường bất động sản ở Đức có lợi thế để thu hút các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM