Tại sao tình trạng khát sữa của Trung Quốc lại là tin xấu đối với Trái Đất?

19/06/2018 10:21 AM | Xã hội

Theo một nghiên cứu về sinh học thay đổi toàn cầu, mức tiêu thụ sữa của Trung Quốc sẽ tăng 3 lần vào năm 2050, một sự thay đổi lớn có thể gia tăng hơn 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu từ bò. Nhưng hệ quả này hoàn toàn có thể can thiệp được. Nếu quốc gia này thực hiện các bước để cải thiện ngành sản xuất sữa, thì các tác động của nó có thể được giảm thiểu đáng kể.

Trên toàn cầu, mức tiêu thụ sữa đang tăng lên – tăng 60% trong 30 năm tới, chủ yếu là do Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và tình trạng khát sữa ngày càng tăng tại quốc gia này. Các nhà nghiên cứu dự đoán đến năm 2050, Trung Quốc sẽ tiêu thụ trung bình 82kg sữa/người/năm, gấp 41 lần so với năm 1961. Tác động của sự gia tăng này có thể diễn ra theo nhiều cách, phụ thuộc vào phương thức sản xuất sữa mà Trung Quốc áp dụng.

Trường hợp thứ nhất, khi cách tiếp cận kinh doanh như bình thường được áp dụng – trong đó nhu cầu về sữa của Trung Quốc được đáp ứng bởi cả sản xuất nội địa và nhập khẩu quốc tế - trái đất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo kịch bản này, khí thải nhà kính từ chăn nuôi sẽ tăng 35% và sử dụng đất toàn cầu sẽ tăng 32%, từ 84 triệu đến 111 triệu ha. Đồng thời, sử dụng nước cũng tăng 77% và ô nhiễm nitơ tăng 48% - một phần là do nhu cầu trồng cây nông nghiệp như đậu tương và ngô tăng lên để làm thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể lựa chọn tự sản xuất để đáp ứng toàn bộ nhu cầu sữa nội địa. Tuy nhiên, áp lực lên đất đai ở thời điểm hiện tại buộc quốc gia này phải nhập khẩu hàng tấn thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc ngày càng tăng của họ. Điều đó đẩy gánh nặng môi trường như ô nhiễm nước, đất, và nitơ cho các nước khác.   

Tại sao tình trạng khát sữa của Trung Quốc lại là tin xấu đối với Trái Đất? - Ảnh 1.

Tương tự, nếu Trung Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu để đáp ứng tình trạng khát sữa ngày càng trầm trọng, thì sản xuất sữa ở các quốc gia khác sẽ bắt đầu cạnh tranh đất đai với các loại thực phẩm khác. Ở các khu vực sản xuất sữa lớn như New Zealand và châu Âu, sử dụng đất sẽ tăng lần lượt 57% và 39%.

Ngay cả trường hợp sản xuất sữa tối ưu nhất của Trung Quốc, lượng khí thải nhà kính từ bò sẽ tăng 19% toàn cầu. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, nhu cầu sữa gia tăng của Trung Quốc đều có tác động xấu lên Trái Đất, nhưng có nhiều cách để hạn chế mức độ ảnh hưởng của nó.

Nếu Trung Quốc trở thành một trung tâm sữa bền vững và điều chỉnh sản xuất sữa trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu cao nhất, lượng khí thải nhà kính từ sản xuất sữa sẽ giảm 12% và sử dụng đất cho lĩnh vực này sẽ giảm 30%.

Để đạt được kết quả này, Trung Quốc cần cải thiện quản lý chất thải từ gia súc, nguồn khí nhà kính chính từ bò. Quốc gia này cũng cần đầu tư vào dinh dưỡng động vật để đảm bảo sản xuất sữa hiệu quả nhất, trong khi sử dụng ít đất nhất.

 Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu sữa hàng đầu thế giới, đồng thời là nhà sản xuất sữa lớn thứ 4 thế giới, bất chấp lịch sử lâu đời về chế độ ăn không có sữa của họ. Với sự gia tăng toàn cầu hóa, tình trạng khát sữa đang ngày càng tăng lên ở Trung Quốc.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM