Tại sao thế giới khó “cai nghiện” than đá bất chấp tác động tồi tệ đến môi trường?

25/11/2018 14:20 PM | Xã hội

Trong các nguyên liệu sản xuất điện, than sản xuất gây ô nhiễm nhiều hơn bất kỳ nguồn nhiên liệu khác. Ngoài ra, tất cả các bước sản xuất năng lượng than – khoáng sản, giao thông vận tải đều sản xuất khí thải nhà kính.

Than đá, loại nhiên liệu điển hình của thời đại công nghiệp, đã khiến cho hành tinh của chúng ta đứng bên bờ vực của một sự thay đổi khí hậu vô cùng tồi tệ.

Theo báo New York Times, các nhà khoa học không khỏi cảnh báo về những rủi ro ngày một lớn dần. Báo cáo từ 13 cơ quan thuộc chính phủ Mỹ cảnh báo về khả năng biến đổi khí hậu có thể khiến cho quy mô kinh tế Mỹ sụt giảm đến 10% nếu không có những biện pháp được đưa ra kịp thời.

Còn theo báo cáo từ Liên hợp quốc về sự ấm lên toàn cầu, để tránh được hậu quả tồi tệ nhất sẽ cần đến việc kinh tế thế giới thay đổi chóng mặt chỉ trong vài năm.

Điều quan trọng nhất trong sự thay đổi này nằm ở việc hãy ngừng sử dụng than đá, càng sớm càng tốt. 3 năm sau hiệp định Paris, các nhà lãnh đạo cam kết về giảm mạnh sử dụng than đá, thế nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy than đá sẽ biến mất.

Dù việc sử dụng than đá đã giảm bớt đi trên thế giới, theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điều đó sẽ không xảy ra đủ nhanh để có thể ngăn được những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Trong năm ngoái, hoạt động sản xuất và tiêu dùng than đá toàn cầu tăng trở lại sau 2 năm giảm.

Tại sao thế giới lại dùng than đá quá nhiều đến vậy?

Đơn giản bởi trữ lượng than đá hiện quá lớn. Hiện tại, thế giới đang có đến hàng triệu tấn than đá dưới lòng đât. Những công ty quyền lực, được hỗ trợ bởi những chính phủ quyền lực, thường đang cố gắng tăng được thị phần trước khi quá muộn.

Ngân hàng hưởng lợi từ điều đó. Hệ thống điện của các công ty điện quốc gia được thiết kế để thích ứng với than đá. Than đá giúp cho các chính trị gia có thể thực hiện được lời hứa mang đến nguồn điện giá rẻ cho người dân.

Và dù các nguồn năng lượng tái sinh đang phát triển, họ có không ít hạn chế: năng lượng gió và mặt trời hoạt động chỉ khi nào có gió thổi mà mặt trời chiếu sáng, đồng thời nó sẽ khiến cho hệ thống điện mà bao lâu nay con người vẫn đang sử dụng cần phải thay đổi.

Tiến sỹ ngành chính sách năng lượng tại đại học Harvard, ông Rohit Chandra, nói: “Lý do chính khiến chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng than đá chính là bởi chúng ta đã xây dựng một hệ thống để thích ứng với nó”.

Châu Á, nơi tập trung của một nửa dân số thế giới, chiếm đến ¾ trong tổng số lượng tiêu thụ than đá toàn thế giới. Quan trọng hơn nữa, hơn ¾ các nhà máy than đá đã được xây dựng hoặc đang được triển khai, hiện đang ở châu Á.

Indonesia đang đào thêm than đá, Việt Nam đang dọn đường để đưa vào hoạt động các nhà máy điện chạy bằng than. Nhật bản, sau cú sốc hạt nhân vào năm 2011, cũng đang quay lại sử dụng than đá.

Trung Quốc sử dụng hơn một nửa lượng than đá của thế giới. Hơn 4,3 triệu người Trung Quốc đang làm việc trong các hầm mỏ. Tỷ lệ sử dụng than đá tại Trung Quốc đã tăng đến 40% tính từ năm 2002, mức tăng lớn trong 16 năm.

Khi công chúng lên tiếng mạnh mẽ phản đối tình trạng ô nhiễm không khí, chính quyền Trung Quốc cũng cố gắng giảm bớt hoạt động xây dựng nhà máy than đá. Nghiên cứu từ Coal Swarm, một nhóm nghiên cứu của Mỹ vốn ủng hộ các lựa chọn thay thế cho than đá, đã kết luận rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục xây nhà máy sử dụng than đá, các dự án chẳng qua chỉ được lùi lại chứ không phải hủy bỏ hoàn toàn.

Tỷ lệ tiêu thụ than đá tại Trung Quốc tăng trong năm 2017, dù ở tốc độ chậm hơn so với trước đó, và dự kiến sẽ tăng tiếp từ năm 2018 sau khi giảm trong những năm trước.

Ngành than đá Trung Quốc hiện đang vươn đến thêm nhiều thị trường mới, từ Kenya cho đến Pakistan, các công ty Trung Quốc đang xây nhà máy than đá tại 17 nước trên thế giới. Nhật cũng không hề kém cạnh trong cuộc đua này. Gần 60% dự án xây nhà máy than đá mới của Nhật được triển khai bên ngoài nước Nhật và nhận được sự hỗ trợ quan trọng của các ngân hàng Nhật.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM