Tại sao sản phẩm của Việt Nam thường phải qua bên thứ 3 mới ra được nước ngoài?

11/04/2018 08:41 AM | Kinh doanh

“Năm 1998, chúng tôi bắt đầu mở rộng kinh doanh sang Campuchia. Khi đó, chúng tôi có 2 vấn đề”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT của U&I Group, chia sẻ về những thách thức ban đầu khi “mang quân đi đánh xứ người”.

Tại sự kiện do YBA tổ chức tuần trước, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT của U&I Group, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ, đã có những chia sẻ liên quan đến câu chuyện doanh nghiệp “mang quân đi đánh xứ người”.

Campuchia không nghĩ là Việt Nam có thể làm đồ gốm sứ

Đáp lại câu hỏi: Quốc gia đầu tiên mà ông mở rộng kinh doanh là nước nào? Thách thức là gì và ông đã vượt qua như thế nào?, ông Mai Hữu Tín kể lại:

Năm 1998, U&I bắt đầu tiến sang thị trường Campuchia. Người Campuchia không tin là Việt Nam có thể bán các sản phẩm về gốm sứ. Và ông đã đi tìm người bản địa để hiểu rõ hơn về nhu cầu, suy nghĩ của người bản địa để giúp mở rộng thị trường ở nước láng giềng.

Tuy Campuchia là thị trường nước ngoài đầu tiên ông Tín kinh doanh, nhưng thị trường xuất khẩu đầu tiên là Pháp. Người Pháp không tin tưởng làm việc với người Việt nên ông Tín giải quyết bằng cách thuê người Pháp làm công tác bán hàng. Sau đó nhận thấy dù hàng làm ra có chất lượng tương đương hàng của Pháp nhưng giá bán được rất thấp. Giải pháp là U&I mua lại một thương hiệu của Pháp để sử dụng cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Nhờ đó mà tăng được giá bán hàng hơn gấp đôi.

Tại sao sản phẩm của Việt Nam phải qua bên thứ 3 mới ra được nước ngoài?

Trả lời câu hỏi vì sao hàng Việt qua nước ngoài luôn phải qua một trung gian nào đó, ông Mai Hữu Tín cho rằng ở một số nước, nhà cung cấp phải có kho ở nước sở tại, có dịch vụ hậu mãi vì khách hàng không thể chờ.

Nếu muốn làm lớn thì phải mở công ty ở nước sở tại.

“Tại thị trường Mỹ, chúng tôi có mọi thứ như nhà kho, hệ thống phân phối. Tuy nhiên, tại một số nước vẫn phải chấp nhận qua trung gian cho đến khi các nhà bán lẻ biết đến sản phẩm của mình. Tôi thú thực, tại một số nước, chúng tôi vẫn phải qua trung gian”, ông Tín nói.

30 tuổi, kinh doanh thì chín muồi hơn

“Nếu đang ở tuổi 25, ông sẽ đi làm thuê hay khởi nghiệp?”, một câu hỏi đưa ra tại sự kiện.

Thay vì đưa ra câu trả lời luôn, doanh nhân họ Mai cho biết, ông lập công ty đầu tiên năm 29 tuổi. Khi 25 tuổi, ông vẫn đang làm thuê. Ông trải qua từ phiên dịch đến làm công ty, kinh qua nhiều giai đoạn.

Và hiện con trai ông đang làm giám đốc thương hiệu tại Unilever. “Tuổi 30 sẽ dễ dàng kinh doanh hơn”, ông Tín kết luận.

Tập đoàn U&I do ông Tín làm Chủ tịch HĐQT hiện giờ có khoảng 40 công ty con, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, đồ gỗ... đến nông nghiệp. Ông được biết nhiều qua các thương vụ M&A giải cứu công ty bồn nước inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành...

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM