Tại sao phi hành đoàn đầu tiên đặt chân lên Sao Hoả có thể sẽ chỉ toàn phụ nữ?

06/05/2023 13:40 PM | Sống

Theo như kế hoạch của NASA, họ sẽ đưa con người lên Sao Hỏa vào năm 2023. Rất có thể phi hành đoàn đâu tiên sẽ chỉ toàn phụ nữ, bởi họ có nhiều lợi thế về đặc điểm sinh học hơn nam giới trong hành trình tới Sao Hỏa.

Gửi một nhóm phi hành gia đi vào không gian để thực hiện một nhiệm vụ dài hạn cụ thể luôn mang lại những thách thức rõ ràng đối với nhân loại. Nhưng nếu bạn đang nghĩ đến một phi hành đoàn đơn giới tính, thì chỉ có một lựa chọn hợp lý duy nhất đó là tất cả thành viên của phi hành đoàn đều là phụ nữ.

Tại sao phi hành đoàn đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa có thể sẽ chỉ toàn phụ nữ? - Ảnh 1.

Người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào không gian là Sally Ride với chuyến du hành lịch sử năm 1983.

Hoa Kỳ đã gửi 339 phi hành gia lên vũ trụ - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong số họ, chỉ có 55 người là phụ nữ. Nhưng tỷ lệ phụ nữ đi lên vũ trụ của Hoa Kỳ vẫn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác. Liên Xô/Nga có 121 phi hành gia, và chỉ có 4 người trong số họ là phụ nữ - và không có quốc gia nào khác gửi nhiều hơn hai phụ nữ lên vũ trụ.

Nhưng ý tưởng về một phi hành đoàn toàn nữ thì không phải là sự bù đắp về mặt chênh lệch giới tính hay đạo đức cho việc này.

Theo một nghiên cứu mới, phụ nữ sẽ là thành viên phi hành đoàn hiệu quả hơn nam giới trong các nhiệm vụ dài hạn ngoài vũ trụ. Bởi phụ nữ có những lợi thế về đặc điểm sinh học yêu cầu ít tài nguyên hơn, trong khi vẫn có thể tạo ra các sản phẩm hay thực hiện các nhiệm vụ tương đương với nam giới bên ngoài không gian.

Tại sao phi hành đoàn đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa có thể sẽ chỉ toàn phụ nữ? - Ảnh 2.

Phụ nữ trong không gian

Năm 1959, Chuẩn tướng Donald Flickinger và Tiến sĩ W. Randolph Lovelace II gợi ý rằng việc đưa phụ nữ ra ngoài vũ trụ sẽ thực tế hơn là nam giới. Lovelace lập luận rằng từ quan điểm kỹ thuật, điều đó hoàn toàn hợp lý, đặc biệt là do trọng lượng cơ thể của phụ nữ thấp hơn đàn ông và nhu cầu oxy của họ cũng không nhiều như cơ thể của nam giới. Tuy nhiên, NASA và Lực lượng Không quân đã quyết định không nghe theo khuyến nghị này.

Năm 2000, cuộc tranh luận về vấn đề này lại một lần nữa được nhắc lại. Kỹ sư hàng không vũ trụ người Mỹ Geoffrey Landis đã đưa ra một đề xuất “cấp tiến”. Landis giải thích: “Thật hợp lý khi đề xuất rằng nếu chúng ta thực hiện một sứ mệnh để con người được đưa lên Sao Hỏa, thì nó chắc chắn sẽ là một phi hành đoàn hoàn toàn là nữ”.

Ở thời điểm hiện tại, một nghiên cứu mới đã đưa ra những con số để chứng minh tính khả thi từ ý tưởng của Landis. Các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã tính toán rằng, trung bình, nữ phi hành gia sẽ cần ít hơn 26% lượng calo, ít hơn 29% oxy và ít nước hơn 18% so với nam giới.

Tại sao phi hành đoàn đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa có thể sẽ chỉ toàn phụ nữ? - Ảnh 3.

Con số này cho thấy chúng ta có thể tiết kiệm được gần một phần tư lượng tài nguyên cần thiết trong các nhiệm vụ dài bên ngoài không gian - đủ để tạo ra sự khác biệt lớn. Đối với một nhiệm vụ ước tính chỉ kéo dài dưới 3 năm (1.080 ngày), một phi hành đoàn gồm bốn phụ nữ sẽ cần ít hơn khoảng 1.700 kg thực phẩm so với một phi hành đoàn toàn nam giới - đó là khoảng 10% trọng tải của tên lửa SpaceX Falcon Heavy. Điều này sẽ giải phóng không gian chở hàng có giá trị cho thiết bị khoa học hoặc thiết bị hậu cần khác.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Những dữ liệu này, kết hợp với xu hướng hiện tại hướng tới các mô-đun môi trường sống không gian có đường kính nhỏ hơn, chỉ ra một số lợi thế tiềm năng của các phi hành đoàn toàn nữ trong các sứ mệnh khám phá không gian của con người trong tương lai”.

Tại sao phi hành đoàn đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa có thể sẽ chỉ toàn phụ nữ? - Ảnh 4.

Cơ thể của phụ nữ thường nhỏ và nhẹ hơn, cần ít oxy và ít calo hơn, giúp tiết kiệm trọng lượng và tài nguyên. Hệ sinh sản của phụ nữ cũng được cho là chống chịu với bức xạ tốt hơn và họ ít bị đau tim hơn nam giới.

Tương lai của không gian có thể là phụ nữ

Khi Lực lượng Không quân không tuân theo khuyến nghị của Lovelace, Lovelace đã tự khởi động một chương trình riêng để kiểm tra những đặc điểm sinh học của phụ nữ và xem họ sẽ trở thành phi hành gia như thế nào. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chương trình đã gợi ý rằng phụ nữ có thể làm tốt hơn các phi hành gia nam ở nhiều công việc khác nhau bên ngoài không gian.

Một số nhà nghiên cứu đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Kế hoạch đưa một người phụ nữ lên Mặt Trăng của NASA được coi là một dấu hiệu tích cực khác. Nhưng liệu một phi hành đoàn chỉ toàn phụ nữ có thể thành hiện thực hay không thì cho tới nay vẫn chưa ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn.

Vào tháng 3/2019, chuyến đi bộ ngoài không gian được thực hiện bởi một phi hành đoàn toàn phụ nữ đầu tiên đã bị hủy bỏ vì NASA không có đủ bộ đồ phi hành gia cỡ trung bình cho phụ nữ.

Tại sao phi hành đoàn đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa có thể sẽ chỉ toàn phụ nữ? - Ảnh 5.

Những năm 1950, các chuyên gia tại Ủy ban Đặc biệt về Khoa học Sự sống thuộc NASA cho rằng nữ phi hành gia phù hợp với các chuyến bay vũ trụ hơn nam giới. Dự án ngắn hạn do tư nhân tài trợ nhằm thử nghiệm các nữ phi công về sự phù hợp để làm phi hành gia được gọi là Chương trình Phụ nữ trong Không gian Lovelace.

Phó Giám đốc, cựu phi hành gia của NASA Ken Bowersox cũng đưa ra một lời giải thích kỳ lạ về việc trì hoãn chuyến đi bộ ngoài không gian toàn nữ, ông nói rằng nam giới có thể “tiếp cận và làm mọi việc dễ dàng hơn một chút”.

Cuối cùng, ít nhất là đối với các nhiệm vụ dài hạn, tính thực tế cũng đứng về phía phụ nữ. Landis kết luận: “Số liệu thống kê cho thấy các nhóm toàn phụ nữ có nhiều khả năng chọn cách tiếp cận không đối đầu để giải quyết các vấn đề giữa các cá nhân và chắc chắn là có nhiều khả năng giải quyết tình huống mà không cần dùng đến bạo lực, đây có thể là một vấn đề lớn trên hành trình đi đến Sao Hỏa - phi hành đoàn phải sống trong những khu vực gần nhau trong 2-3 năm”.

Theo Đức Khương

Cùng chuyên mục
XEM