Tại sao nước sản xuất xăng dầu lớn nhất thế giới là Mỹ lại không tự chủ được giá nhiên liệu?

28/10/2022 15:09 PM | Xã hội

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1973 với dự án “Tự chủ năng lượng” dưới thời Tổng thống Richard Nixon.

Vào tháng 12/2021, hơn 30 chiếc tàu chở khí đốt hóa lỏng từ Mỹ vốn đang trên đường đến Nhật Bản, Brazil, Nam Phi... đã bất ngờ chuyển hướng đến Châu Âu. Tại thời điểm những con tàu này đến nơi, nước Mỹ đã cung ứng nhiều khí đốt cho Châu Âu hơn cả Nga.

Câu chuyện trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi vào giữa thập niên 2000, nhiều hãng năng lượng đã lo lắng nền kinh tế số 1 thế giới chẳng đủ năng lượng cho hoạt động sản xuất. Thế nhưng với sự phát triển của công nghệ khai thác đá phiến (Fracking), Mỹ đã tăng sản lượng khai thác dầu gấp đôi kể từ năm 2006, sản xuất gần đủ nhiên liệu cho cả nước tiêu thụ và thậm chí là xuất khẩu.

Tại sao nước sản xuất xăng dầu lớn nhất thế giới là Mỹ lại không tự chủ được giá nhiên liệu? - Ảnh 1.

Trước bối cảnh đó, CEO Mike Sommers của Viện dầu mỏ Mỹ (API) đã phải tự hào tuyên bố trong tháng 3/2022 rằng nước Mỹ sẽ hậu thuẫn năng lượng cho Châu Âu như những gì họ đã làm trong Thế chiến II.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một viễn cảnh rất khác khi nền kinh tế số 1 thế giới giờ đây vẫn phải nhập khẩu thêm xăng dầu và chẳng thể chi phối thị trường năng lượng này. Trong cuộc khủng hoảng năng lượng vừa qua, giá xăng tại Mỹ đã có lúc lên mức cao kỷ lục, buộc Mỹ phải mở kho dự trữ xăng dầu cũng như hối thúc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng.

Xin được nhắc là báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy Mỹ sản xuất đến 18,88 triệu thùng dầu mỗi ngày, cao hơn nước thứ 2 là Ả Rập Xê Út (10,84 triệu thùng/ngày) và thứ 3 là Nga (10,78 triệu thùng/ngày).

Mỹ hiện cũng là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới với 20,54 triệu thùng/ngày, tương đương 20% tổng lượng xăng dầu toàn cầu, cao hơn nước thứ 2 là Trung Quốc (14,01 triệu thùng/ngày).

Vào năm 2021, Mỹ nhập khẩu 7,86 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Vậy tại sao nước sản xuất dầu số 1 thế giới vẫn phải nhập khẩu nhiên liệu thay vì chỉ cần nâng sản lượng khai thác khi mức chênh lệch cung cầu nội địa chỉ vào khoảng 2 triệu thùng/ngày? Tại sao Mỹ vẫn xuất khẩu dầu mỏ trong khi giá xăng trong nước lên cao?

Tự chủ trên giấy

Tầm nhìn về năng lượng hiện nay của Mỹ đã bắt đầu từ gần 50 năm trước khi Tổng thống thời đó là ông Richard Nixon tuyên bố dự án “Tự chủ năng lượng” (Project Independence) nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi sự ràng buộc với xăng dầu nhập khẩu.

Dù dự án này thất bại nhưng tư tưởng của nó vẫn còn lưu truyền đến đời sau. Kể từ đó, hầu như mọi đời Tổng thống Mỹ từ Ronald Reagan cho đến Barack Obama, Donald Trump hay Tổng thống hiện nay là Joe Biden đều muốn độc lập tự chủ về năng lượng.

Tại sao nước sản xuất xăng dầu lớn nhất thế giới là Mỹ lại không tự chủ được giá nhiên liệu? - Ảnh 2.

Rõ ràng, nếu Mỹ tự chủ được về nhiên liệu thì họ có thể tránh được nhiều cuộc chiến tranh lẫn khủng hoảng, chính quyền Washington cũng sẽ không phải tốn tiền đưa quân đến các vùng nóng như Trung Đông.

Đến năm 2018, Mỹ đã trở thành nước sản xuất xăng dầu, khí đốt lớn nhất thế giới và về lý thuyết, nền kinh tế này đã “tự chủ về mặt nhiên liệu”.

“Chúng ta là nước tự chủ được về mặt năng lượng”, CEO John Hess của hãng Hess phát biểu trong hội thảo thường niên về năng lượng CERAWeek.

Thế nhưng theo tờ The Atlantic, sự tự chủ này nghe khá nực cười bởi Mỹ không có khả năng khống chế thị trường năng lượng được như Ả Rập Xê Út hay Nga. Khi khủng hoảng năng lượng diễn ra, các nước Trung Đông cùng nhiều cường quốc xăng dầu khác có thể dễ dàng khống chế thị trường nhờ kiểm soát được nguồn cung, qua đó đảm bảo giá xăng dầu trong nước bình ổn.

Tuy nhiên Mỹ lại không đi theo con đường quốc hữu hóa nhà máy xăng dầu như vậy. Chính quyền Washington không hề tuyên bố sở hữu hay quốc hữu hóa bất kỳ mỏ xăng dầu trên vùng đất tư nhân nào. Quốc gia này cũng không có bất kỳ công cụ điều tiết nào cho việc tăng giảm sản lượng theo ý muốn của Tổng thống.

Như vậy sự “tự chủ” ám chỉ khả năng gia tăng sản lượng dầu của Mỹ chứ không hề liên quan đến khả năng chống lại các cuộc khủng hoảng năng lượng. Thêm nữa, lượng dầu sản xuất ra thuộc quyền sở hữu của các công ty, mà đôi khi lợi ích của cổ đông sẽ không tương đương với lợi ích của người dân hay chính phủ.

Kể từ khi Mỹ dỡ bỏ chính sách hạn chế xuất khẩu dầu vào năm 2015, giá xăng dầu của Mỹ lại càng liên kết với giá thị trường quốc tế hơn và sự tự chủ về năng lượng của Mỹ cũng càng đi xuống.

Giáo sư Robert Kaufmann của trường đại học Boston cho biết việc cân bằng cung cầu không phải là yếu tố quyết định đến giá xăng ở Mỹ, bởi các công ty cần tuân thủ giá thị trường quốc tế.

“Kể cả khi chúng ta sản xuất đủ dầu tiêu thụ trong nước thì người tiêu dùng Mỹ vẫn phải trả mức giá theo chuẩn quốc tế”, giáo sư Kaufmann nhấn mạnh.

Tại sao nước sản xuất xăng dầu lớn nhất thế giới là Mỹ lại không tự chủ được giá nhiên liệu? - Ảnh 3.

Giả sử nếu giá bán dầu thô trong nước là 70 USD/thùng nhưng giá chuẩn quốc tế là 120 USD/thùng thì các hãng khai thác cũng thà xuất khẩu kiếm lời chứ chắc chắn không bán trong nội địa. Còn nếu giá quốc tế thấp hơn thì các hãng phân phối thà nhập khẩu dầu rẻ thay vì mua từ các nhà khai thác trong nước. Nhờ sự cân bằng này mà giá xăng dầu tại Mỹ được điều chỉnh theo thị trường chung chuẩn quốc tế.

Cũng chính vì lý do này mà bất chấp giá xăng trong nước lên cao tại thời điểm mùa hè nhưng các hãng xăng dầu Mỹ vẫn chỉ muốn xuất khẩu bán ra nước ngoài vì có nhiều lợi nhuận hơn. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính quyền Washington đã phải tạo áp lực buộc các hãng xăng dầu hạn chế xuất khẩu, cũng như mở kho dự trữ chiến lược để hạ nhiệt thị trường.

Sang chấn tâm lý

Mất tự chủ là vậy nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là Mỹ lại không tăng sản lượng khai thác. Số liệu của tờ New York Times (NYT) cho thấy tổng sản lượng khai thác dầu của Mỹ tính đến tháng 4/2022 chỉ đạt 11,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn 2% so với tháng 12/2021 và cũng thấp hơn so với mức đỉnh 13,1 triệu thùng/ngày của tháng 3/2020.

Chính phủ Mỹ ước tính sản lượng sẽ chỉ vào khoảng 12 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và lên 13 triệu thùng/ngày năm 2023. Con số này thấp hơn gần 4 triệu thùng/ngày so với lượng xăng dầu mà Châu Âu nhập khẩu từ Nga.

Theo The Atlantic, các doanh nghiệp khai thác dầu Mỹ đang bị sang chấn tâm lý (PTSD) bởi mỗi lần nhà đầu tư đổ tiền cho họ để phát triển dầu đá phiến là y như rằng giá dầu lại lao dốc. Trong suốt 14 năm qua đã có 3 lần giá dầu giảm mạnh khi dầu đá phiến Mỹ trỗi dậy, khiến vô số công ty phá sản. Câu chuyện cũng chẳng có gì khó hiểu khi cung tăng quá mạnh sẽ đẩy giá dầu đi xuống.

Hậu quả là những nhà đầu tư, ngân hàng hay thậm chí chính các công ty khai thác cũng sợ hãi việc tăng sản lượng một lần nữa dù nhu cầu xăng dầu trong nước vẫn còn.

Đồng quan điểm, tờ NYT cho biết nhiều nhà đầu tư phố Wall hiện nay chẳng muốn các hãng khai thác nâng sản lượng làm gì bởi họ không chắc có đợi được đến khi lợi nhuận sinh ra không.

Tại sao nước sản xuất xăng dầu lớn nhất thế giới là Mỹ lại không tự chủ được giá nhiên liệu? - Ảnh 4.

Xin được nhắc là việc xây dựng những dàn khoan khai thác dầu đá phiến mới sẽ phải mất 6-8 tháng trước khi cho ra những giọt dầu đầu tiên. Đến lúc đó thì giá xăng dầu biến động thế nào vẫn là một ẩn số.

Khảo sát 141 công ty xăng dầu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Dallas cho thấy một trong những nguyên nhân chính khiến họ không nâng sản lượng bất chấp giá xăng tăng cao trong nước là do cổ đông không muốn phá hủy tình trạng giá dầu như hiện nay.

Số liệu của FED Dallas cũng cho thấy các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ cần giá dầu quốc tế được giữ ở mức 56 USD/thùng thì mới hòa vốn.

“Nếu các cổ đông được thuyết phục rằng giá dầu sẽ lên 75 USD/thùng hoặc hơn nữa và giữ ổn định trong 3 năm tới thì bạn sẽ thấy lượng tiền khổng lồ đổ dồn về các mỏ khai thác ngay cho mà xem”, chủ tịch Ben Shepperd của Liên đoàn dầu khí PBPA tại Texas nói.

Xin được nhắc là số liệu của Rystad Energy năm 2020 cho thấy chi phí khai thác dầu của Trung Đông vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới với 31 USD/thùng.

Bởi vậy không có gì khó hiểu khi hãng sản xuất dầu lớn ở Texas là Pioneer Natural Resources đã hạ mức tăng sản lượng từ 20% năm 2021 xuống còn 5% hiện nay. CEO Scott Sheffield của hãng cho biết họ sẽ hoàn lại 80% lợi nhuận cho cổ đông thay vì đi đầu tư như trước đây.

“Cuộc chơi ngành dầu giờ đây đã thay đổi hoàn toàn”, CEO Sheffield ngậm ngùi.

Ngọt nhẹ

Bên cạnh việc sang chấn tâm lý, nhiều công ty khai thác cũng cho biết lạm phát đi lên khiến họ phải tốn nhiều tiền hơn cho việc đầu tư mở rộng, xây dựng những mỏ mới. Hãng RBN Energy cho biết chi phí thăm dò và khai thác trong năm nay tại Mỹ đã tăng hơn 20%, khoảng 2/3 trong số đó là do giá nhân công, nguyên vật liệu tăng cao.

Một yếu tố nữa là các nhà phân phối, hóa lọc dầu Mỹ thường ưa chuộng nhiên liệu nhập khẩu hơn so với hàng nội địa. Nguyên nhân không chỉ nằm ở giá cả, vốn luôn biến động, mà còn ở chất lượng dầu.

Dầu thô thường sẽ được phân loại theo độ nặng (Weight) và độ ngọt (Sweetness). Độ nặng của dầu thô ám chỉ mức độ khó khăn để lọc dầu sang những sản phẩm hữu dụng khác như xăng, dầu diesel. Dầu càng nhẹ thì khả năng lọc dầu càng dễ.

oil12.jpg

Độ ngọt của dầu liên quan đến hàm lượng lưu huỳnh trong đó, qua đó ảnh hưởng đến độ thích ứng của các nhà máy lọc dầu.

Phần lớn dầu thô khai thác tại các mỏ Texas hay Oklahoma của Mỹ là dầu thô ngọt nhẹ, khác với loại nặng ít ngọt của dầu thô từ Trung Đông và Nga. Thế nhưng ngành lọc dầu Mỹ từ lâu đã thích ứng với dầu nhập khẩu trước khi công nghệ khai thác dầu đá phiến bùng nổ. Hệ quả là giờ đây dầu ngoại lại được chuộng hơn dầu nội.

Thêm vào đó, câu chuyện xe điện và sự chuyển đổi xanh cũng khiến các nhà đầu tư Mỹ không nhìn thấy tương lai của ngành dầu, qua đó từ chối tăng sản lượng.

“Nhà đầu tư dầu mỏ đang không thấy tương lai của ngành trong 5-10 năm tới”, chuyên gia Amy Myers Jaffe của trường đại học Tufts nhận định.

*Nguồn: NYT, The Atlantic

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM