Tại sao nước Mỹ không vui khi mức lương bình quân của người lao động tăng?

11/05/2020 15:03 PM | Xã hội

Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 tại Mỹ đạt 14,7%, tương đương 20,5 triệu người đã bị mất việc.

Theo hãng tin CNN, mức lương bình quân người lao động Mỹ nhận được thời gian gần đây đã tăng và điều này lại chẳng phải tin tức tốt lành gì với nền kinh tế.

Trong khoảng tháng 3-4/2020, mức thu nhập theo giờ của người lao động Mỹ đã tăng 4,7%, cao hơn 0,3% so với mức thu nhập bình quân theo giờ của 12 tháng trước đó. Mức lương bình quân của người lao động Mỹ hiện cao hơn 8% so với năm trước, con số này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 3,5% trong suốt 10 năm qua.

Tuy nhiên, nguyên nhân của sự tăng trưởng thu nhập này lại chẳng vui vẻ gì. Việc có quá nhiều lao động mảng thu nhập thấp bị mất việc, bỏ lại toàn lao động thu nhập trung bình và cao đã khiến số liệu đo lương mức lương người lao động Mỹ cao hơn.

Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 tại Mỹ đạt 14,7%, tương đương 20,5 triệu người đã bị mất việc.

Tại sao nước Mỹ không vui khi mức lương bình quân của người lao động tăng? - Ảnh 1.

Thông thường, mức lương tăng sẽ thúc đẩy lạm phát nhưng với tình hình như hiện nay, nguy cơ giảm phát lại đang hiện hữu khi người dân Mỹ mất việc làm và hạn chế chi tiêu do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải hạ lãi suất xuống gần 0% để kích thích chi tiêu đầu tư, đồng thời tung hàng nghìn tỷ USD cứu trợ nền kinh tế thông qua các chương trình cho vay ưu đãi.

Theo nhiều chuyên gia, các chính sách kích thích kinh tế hiện nay có thể làm giảm giá đồng USD và ảnh hưởng đến nhập khẩu, nhưng FED sẽ chưa quan tâm đến những vấn đề này trước thách thức giảm phát vô cùng lớn từ dịch Covid-19.

"Kể cả khi tỷ lệ lạm phát bất ngờ tăng trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ bỏ qua chúng để tập trung cứu nền kinh tế", Giám đốc đầu tư chiến lược Brent Schutte của Northwestern Mutual Wealth Management Company nhận định.

Lạm phát là liều thuốc bổ

Đối với nhiều cuộc khủng hoảng trước đây, lạm phát phi mã là liều thuốc độc đáng sợ với nền kinh tế. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, FED lại đang mong lạm phát tại Mỹ tăng mạnh ngắn hạn bởi đây là dấu hiệu cho thấy thị trường tiêu dùng sôi động trở lại.

Trớ trêu thay, dù số liệu cho thấy mức lương lao động tăng nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Mỹ lại chẳng có nhiều thay đổi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 sẽ được công bố vào ngày 12-13/5 tới đây và nhiều chuyên gia dự đoán sẽ không khả quan.

Theo hãng tin Reuters, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán CPI của Mỹ sẽ giảm 0,7% trong tháng 4 còn chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ đi ngang.

Mặc dù một số mặt hàng nhập khẩu, ví dụ như các đồ khẩu trang, thiết bị y tế sẽ tăng giá trong ngắn hạn do đồng USD yếu và cầu cao nhưng chúng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không đủ để kích thích tỷ lệ lạm phát.

Tại sao nước Mỹ không vui khi mức lương bình quân của người lao động tăng? - Ảnh 2.

"Gần như chắc chắn rằng tỷ lệ lạm phát sẽ không đạt mức kỳ vọng như các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng với tình hình kinh tế như hiện nay. Mặc dù một số mặt hàng sẽ tăng giá vì nhu cầu tăng nhưng nhìn chung mọi người sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Bởi vậy lạm phát sẽ nằm trong top những thách thức của nền kinh tế", Giám đốc tài chính Peter Mallouk của hãng tư vấn Creative Planning nhận định.

Như một hệ quả tất yếu, chi tiêu tiêu dùng yếu sẽ khiến FED không thể nâng lãi suất trong tương lai. Chủ tịch Jerome Powell của FED cũng đã phải thừa nhận lạm phát yếu do cầu giảm và giá dầu thấp đang khiến các quan chức của Mỹ phải đau đầu.

Rủi ro lạm phát kèm suy thoái

Bên cạnh thách thức về lạm phát, nhiều chuyên gia còn lo lắng về rủi ro lạm phát kèm suy thoái (Stagflation), nghĩa là dù tỷ lệ lạm phát tăng nhưng nền kinh tế lại rơi vào khủng hoảng.

Trong ngắn hạn, người tiêu dùng chi tiêu thấp khiến lạm phát không đi lên, doanh nghiệp không bán được hàng phải giảm sản lượng và sa thải nhân viên, làm giảm thu nhập và người lao động phải giảm chi tiêu, tạo thành vòng luẩn quẩn.

Đến một giới hạn nào đó, khi sản lượng hàng hóa và dịch vụ quá thấp so với nhu cầu, tình trạng khan hiếm hàng bùng phát thúc đẩy lạm phát đi lên nhưng người dân lại không có đủ thu nhập để mua hàng còn các doanh nghiệp thì phá sản hàng loạt do đầu vào tăng nhưng ít người mua.

Tại Mỹ, rủi ro lạm phát kèm suy thoái đã từng diễn ra vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Khi đó FED đã phải liên tục tăng lãi suất để khống chế lạm phát, có thời điểm lãi suất bình quân lên đến 20% vào năm 1981. Giá xăng dầu tăng mạnh nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao, khiến dù lạm phát đi lên nhưng nền kinh tế lại chẳng tăng trưởng.

Tại sao nước Mỹ không vui khi mức lương bình quân của người lao động tăng? - Ảnh 3.

"Ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế rơi vào lạm phát kèm suy thoái. Rủi ro này sẽ khiến toàn bộ thị trường chứng khoán, bất động sản hay bất kỳ tài sản nào giảm giá", Nhà sáng lập Nancy Davis của Quadratic Capital Management lo lắng nói.

Theo đó, chuyên gia Davis cho rằng dù giá xăng dầu không tăng ngay vì nhu cầu đi lại còn thấp nhưng những mặt hàng như thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men… sẽ tăng giá ngay khi nguồn cung bị tổn thương và phải giảm sản lượng.

Hiện nay, dù chính sách lãi suất thấp và tung lượng lớn tiền ra thị trường sẽ khiến thâm hụt ngân sách cũng như buộc Mỹ phải đối đầu với khoản nợ khổng lồ trong tương lai nhưng hiện nay, FED không còn lựa chọn nào khác.

"Đến một thời điểm nào đó trong tương, ngân sách nhà nước sẽ thâm hụt nặng và lạm phát sẽ tăng phi mã do khủng hoảng. Tuy nhiên trong thời điểm khó khăn hiện nay, tôi cho rằng chính phủ chẳng còn cách nào khác để cứu nền kinh tế", Chuyên gia Schutte của Northwestern Mutual ngậm ngùi nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM