Tại sao những con lười lười thế mà không bị tuyệt chủng?

05/07/2021 16:27 PM | Khoa học

Ngủ cả ngày, đi thì chậm, hành động thì ngớ ngẩn, những con lười được nhà sinh vật học người Pháp Georges Buffon mô tả là thứ sinh vật "hạng bét" trong tự nhiên, vậy mà chúng vẫn sống dai tới 64 triệu năm - không hề bị tuyệt chủng.

Để có thể sinh tồn trong một thế giới ngày càng cạnh tranh khốc liệt, bạn luôn phải phấn đấu để trở thành một trong những kẻ khỏe mạnh nhất, nhanh nhẹn nhất hoặc chí ít cũng thông minh nhất hoặc thích nghi tốt nhất.

Đó là ý tưởng cơ bản của chọn lọc tự nhiên, nguyên lý đang vận hành bên dưới thuyết tiến hóa quyết định sinh vật nào sẽ sống sót, sinh vật nào sẽ tuyệt chủng trong suốt chiều dài lịch sử tự nhiên của Trái Đất.

Nhưng liệu Charles Darwin đã từng nhìn thấy một con lười chưa khi ông phát biểu thuyết tiến hoá vào năm 1859? Làm thế quái nào cái thứ sinh vật chậm chạp, yếu ớt và lười biếng này lại có thể sống sót qua 64 triệu năm, và tới tận ngày nay vẫn chưa bị tuyệt chủng?

Tại sao những con lười lười thế mà không bị tuyệt chủng? - Ảnh 1.

Trên con đường dẫn tới thành công vẫn có dấu chân của kẻ lười biếng

Những con lười được mô tả lần đầu tiên vào năm 1749, trong một cuốn từ điển bách khoa toàn thư về khoa học sự sống của Georges Buffon – một nhà tự nhiên học người Pháp. Ông gọi chúng là "một thứ sinh thể quái lạ và vụng về, cử động lúc nào cũng chậm chạp, khắc khổ và thật ngu ngốc".

"Những con lười này hẳn là một dạng sự sống hạng bét. Chỉ cần có thêm một nhược điểm nữa thôi, sống sót được đối với chúng sẽ trở thành điều bất khả thi", Buffon viết.

Chẳng phải tự nhiên ông ấy nói về loài sinh vật này thậm tệ đến vậy. Trên thực tế, những con lười chính là loài động vật có vú di chuyển chậm nhất hành tinh.

Tốc độ leo trèo trên cây của chúng là 4m/phút. Trong trường hợp nguy hiểm chẳng hạn như bị săn đuổi, lười có thể tăng tốc lên tối đa 4,5m/phút. Ở dưới đất thì chúng đi còn chậm hơn, một phút chỉ bò được cỡ 3m. Bơi có lẽ là bộ môn mà chúng chơi tốt nhất. Những con lười ở dưới nước có thể di chuyển ở vận tốc lên tới 13,5 mét/phút.

Trớ trêu thay, di chuyển chậm lại chính là thứ đem đến lợi thế sinh tồn cho loài động vật này.

Chúng ta biết một số loài động vật máu lạnh như ếch và rắn di chuyển rất chậm khi gặp nhiệt độ lạnh. Đó là vì chúng không có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể độc lập so với nhiệt độ môi trường. Kết quả là cũng giống như một phản ứng hóa học, nhiệt độ thấp thì cơ bắp cũng sẽ phản ứng chậm hơn. Cơ bắp phản ứng chậm hơn thì sinh vật sẽ di chuyển chậm hơn.

Thế nhưng, đối với đa số các loài động vật có vú thì lại khác. Chúng là động vật hằng nhiệt nên có thể giữ nhiệt độ lõi của cơ thể luôn cao, bất chấp thời tiết bên ngoài có lạnh đến đâu. Điều này giúp chúng có thể di chuyển nhanh, hiệu quả và tìm đến nơi trú ẩn ẩm áp.

Dĩ nhiên, có một cái giá phải trả cho điều đó. Liên tục sưởi ấm cơ thể nghĩa là chúng phải liên tục sinh nhiệt. Tỷ lệ trao đổi chất trong hệ tiêu hóa để có được năng lượng vì thế cũng phải cao hơn. Do đó, động vật hằng nhiệt sẽ phải ăn nhiều hơn để tồn tại.

Tại sao những con lười lười thế mà không bị tuyệt chủng? - Ảnh 2.

Vậy những con lười là động vật biến nhiệt hay hằng nhiệt. Trên thực tế, chúng ở giữa, lúc thì hằng nhiệt lúc thì biến nhiệt. Nhưng trong giai đoạn hằng nhiệt của nó, lười chọn hoạt động chậm để khỏi đốt nóng cơ thể và tiêu tốn năng lượng.

Thân nhiệt của lười hầu như chỉ dao động trong khoảng 32-34oC, thấp hơn hầu hết các loài động vật có vú khác. Trong so sánh, thân nhiệt của con người chúng ta là 36,5oC.

Lười cũng có tỷ lệ trao đổi chất tính trên khối lượng cơ thể cực thấp, chỉ bằng khoảng 40-74% so với các loài động vật có vú khác. Những con lười phát triển một bộ móng dài và sắc giúp chúng móc mình vào thân cây hơn là vận dụng sức mạnh cơ bắp để bám.

Do đó, khối lượng cơ bắp cũng chỉ chiếm từ 25-30% trọng lượng cơ thể một con lười so với tỷ lệ 40-45% của các loài động vật khác. Đúng là khi bạn không muốn làm gì cả để khỏi tốn năng lượng thì bạn cũng chẳng việc gì phải phát triển cơ bắp.

Chăm ngủ, lười ăn, lười cả đi vệ sinh

Để tiết kiệm thêm năng lượng thì lười dành tới 9,5-15 tiếng trong ngày để ngủ. 90% khoảng thời gian còn lại chúng cũng gần như bất động. Lười chỉ thực sự thức dậy để ăn vào ban đêm, mà cũng chẳng phải đi đâu xa.

Một số loài lười có thể ăn tạp, bao gồm côn trùng, động vật thối rữa, trái cây, thằn lằn… Nhưng chủ yếu chúng vẫn sống bằng việc ăn lá cây – một nguồn thực phẩm dồi dào, có ngay xung quanh nó nhưng bù lại rất ít năng lượng.

Tại sao những con lười lười thế mà không bị tuyệt chủng? - Ảnh 3.

Để giải quyết vấn đề ấy, lười phát triển một hệ tiêu hóa có kích thước lớn. Dạ dày của chúng có 4 ngăn và có thể chứa một lượng thức ăn lên tới 37% trọng lượng cơ thể. Tốc độ tiêu hóa của chúng cũng chậm chạp như chính tốc độ ăn.

Để một chiếc lá cây được nhai rồi nuốt xuống dạ dày, đi vào ruột non, qua ruột già và thành phân đi ra ngoài có thể mất từ 157 tiếng đồng hồ cho tới kỷ lục 1.200 giờ (tương đương 50 ngày). Không có gì ngạc nhiên khi trung bình, một con lười cả tuần mới đi vệ sinh một lần.

Nhưng mặc dù lười biếng đến như vậy, hóa ra đi vệ sinh lại là lúc con lười tỏ ra chăm chỉ nhất. Nó không đại tiện hay tiểu tiện ngay trên cây, mà sẽ mất công trèo xuống gốc, đào lỗ, ị xuống đó, lấp đất đậy lại rồi mới trèo trở về chỗ ăn ngủ.

Tại sao điều đơn giản này lại được tính là chăm chỉ? Ngoài quãng đường di chuyển khá xa so với chúng, những con lười thường chỉ đại tiện ở gốc cây của chính nó, khiến các loài động vật săn mồi như báo đốm và đại bàng harpy rất dễ phát hiện, bắt bài và ăn thịt chúng.

Đi đại tiện hóa ra là lúc con lười gặp nhiều nguy hiểm nhất. Vậy tại sao chúng phải mất công mất sức như vậy? Hóa ra, tất cả đều nằm trong tính toán của loài sinh vật này.

Tại sao những con lười lười thế mà không bị tuyệt chủng? - Ảnh 4.

Những con lười nuôi tảo lục trên lông để ngụy trang khỏi kẻ săn chúng, bao gồm báo đốm và đại bàng.

Một chiến thuật cộng sinh thông minh

Bởi không có khả năng phòng vệ hoặc tốc độ di chuyển nhanh, để trốn tránh kẻ thù những con lười chọn cách ngụy trang. Chúng nuôi trong bộ lông của mình cả một hệ sinh thái bao gồm tảo cộng sinh, rất nhiều vi sinh vật, động vật ký sinh chân đốt và một loài bướm đêm.

Bướm đêm sống trên thân lười, đậu lên nó cùng với màu của tảo có thể đánh lừa những động vật ăn thịt khác rằng con lười này chỉ là một phần của thân cây. Thêm nữa là chúng hầu như chỉ bất động hoặc hoạt động chậm chạp sẽ càng củng cố kỹ năng ngụy trang ấy.

Vấn đề là khi những con bướm đêm đẻ trứng, chúng cần một nơi kín đáo, ấm áp và có nguồn dinh dưỡng dồi dào để nuôi ấu trùng. Vậy thì không đâu tiện bằng chính hố phân của con lười.

Một công đôi việc, khi những con bướm trưởng thành từ hố phân và bay lên đậu vào con lười, chúng lại mang theo chất dinh dưỡng từ phân lười để nuôi sống cộng đồng vi sinh vật và tảo đang sống trên người nó.

Đó chính là lý do con lười phải cầu kỳ trong vấn đề đi vệ sinh.

Tại sao những con lười lười thế mà không bị tuyệt chủng? - Ảnh 5.

Mô hình cộng sinh giữa lười, bướm đêm và tảo lục trên lông chúng.

Vậy để thấy những con lười tuy lười thật, nhưng chúng cũng đã phát triển những chiến lược sinh tồn rất thông minh không thua kém các loài động vật khác. Loài sinh vật này có lẽ xứng đáng để tồn tại và không phải một dạng sự sống "hạng bét" như Georges Buffon mô tả.

Bằng chứng là lười đã tồn tại trên Trái Đất tới 64 triệu năm, và chưa có dấu hiệu bị đe dọa tuyệt chủng, ngoại trừ 2/6 loài lười sống gần với con người, thường xuyên bị săn bắn lấy móng hoặc thích trèo lên cột điện và đu dây điện trong khu dân cư.

Cuối cùng, nếu bạn vẫn tự hỏi liệu Charles Darwin đã từng nhìn thấy một con lười chưa, thì câu trả lời là rồi. Ông ấy thậm chí còn nghiên cứu rất kỹ chúng là đằng khác, cả hóa thạch của lười tiền sử và lười hiện đại. Vì vậy, những con lười chắc chắn không hề lọt ra khỏi nguyên tắc chọn lọc tự nhiên của thuyết tiến hóa, mặc dù chúng trông có vẻ chậm chạp, ngớ ngẩn và lười biếng thật.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM